Tiếp sức cho dân ca

(Baonghean) - Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 100 câu lạc bộ dân ca hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Các tiết mục, chương trình văn nghệ của các CLB trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca xứ Nghệ, ngày 25/6 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 370 KH/UBND về việc triển khai Chương trình MTQG năm 2015 về hỗ trợ CLB dân ca trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm tại địa phương.


Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời của UBND tỉnh trong gìn giữ, lưu truyền, phát huy những giá trị di sản quý giá của dân ca ví, giặm sau khi di sản được UNESCO công nhận. Và phấn khởi nhất chính là các câu lạc bộ dân ca. Bởi phải khẳng định rằng thời gian qua nhờ sự hoạt động hiệu quả của các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh mà công tác bảo tồn, phát huy di sản dân ca ví, giặm xứ Nghệ ngày càng lan tỏa, có sức sống trong cộng đồng.

Các Nghệ nhân dân gian CLB dân ca hát ví phường vải Kim Liên (Nam Đàn) trao truyền dân ca cho các cháu thiếu nhi.
Các Nghệ nhân dân gian CLB dân ca hát ví phường vải Kim Liên (Nam Đàn) trao truyền dân ca cho các cháu thiếu nhi.


Anh Trọng Tâm (Phó chủ nhiệm CLB dân ca Hưng Tân - Hưng Nguyên) phấn khởi: Đây là tin vui nhất đối với các CLB dân ca. Bởi từ trước đến nay chúng tôi hoạt động hoàn toàn tự nguyện từ tinh thần cho đến vật chất, tất cả vì tình yêu dân ca, tất cả cùng chung tay nỗ lực bảo tồn dân ca. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy dân ca, tình yêu dân ca thôi chưa đủ mà phải có những tác động tích cực từ chính quyền địa phương, các cấp, ban ngành hỗ trợ, tạo điều kiện để các CLB hoạt động thường xuyên, liên tục. Ví như ngoài hỗ trợ trong công tác truyền dạy, UBND tỉnh cũng cần có những ưu tiên cụ thể, chính sách cụ thể cho loại hình di sản độc đáo này, đặc biệt là cấp kinh phí để các CLB hoạt động. Trước mắt, có thể lựa chọn những CLB hoạt động hiệu quả, có nhiều thành tích để hỗ trợ kinh phí. Với cách làm này, chắc chắn các CLB sẽ có động lực hơn, được động viên, khuyến khích nhiều hơn.


Bà Bích Tuyển, Chủ nhiệm CLB dân ca phường Trung Đô - TP. Vinh cho rằng: Hiện nay, CLB dân ca Trung Đô chưa có một loại nhạc cụ nào, kể cả trang phục biểu diễn cũng phải đi thuê. Ngoài khó khăn về kinh phí, cái mà CLB cần nhất hiện nay là việc truyền dạy các làn điệu dân ca cổ; tập huấn cách sáng tác các làn điệu mới; được cung cấp những tập sách nhạc, những đĩa VCD về Dân ca xứ Nghệ. Có như vậy những buổi sinh hoạt CLB mới hấp dẫn, mới truyền dạy được nhiều làn điệu hay cho các thành viên, mới thu hút được lớp trẻ tham gia.


Còn chị Bích Thủy – thành viên CLB dân ca hát ví phường vải Kim Liên – Nam Đàn trăn trở: “Chúng tôi rất sẵn lòng nếu như được hát dân ca phục vụ khách du lịch tại Khu di tích Kim Liên. Để bảo tồn, phát huy dân ca, việc thành lập các CLB dân ca, tổ chức Liên hoan dân ca thôi chưa đủ mà phải đưa dân ca lan tỏa bằng hình thức biểu diễn tại các điểm di tích lịch sử, các điểm du lịch”.


Hiểu những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các CLB, thời gian qua cùng với tổ chức các cuộc liên hoan dân ca ví, giặm; tổ chức hội thảo bảo tồn dân ca gắn với phát triển du lịch; kịp thời vinh danh các nghệ nhân dân gian… Và ngày 25/6/2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia 2015 về việc hỗ trợ các CLB dân ca trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm tại địa phương. Đây được xem là động thái tích cực sau khi dân ca được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.


Mục đích của chương trình là nhằm giữ gìn, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho thế hệ mai sau những giá trị độc đáo mang tính xã hội, nhân văn, những phong tục, tập quán tốt đẹp về hát ví, giặm; nâng cao nhận thức và lòng tự hào trong cộng đồng, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ví, giặm; từng bước bảo tồn phát huy giá trị ví, giặm trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh.


Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra các nội dung triển khai gồm: Tổ chức truyền dạy, dàn dựng các tác phẩm diễn xướng Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với các chủ đề: “Về miền ví, giặm”, “Một lòng đợi bạn”, “Diễn xướng phường vải”, “Diễn xướng phường nón”, “Diễn xướng phường cấy”, “Diễn xướng phường chài”, “Thử lòng chung thủy”, “Bản hát ghẹo”, “Phụ tử tình thâm”, “Khúc hát giao duyên”… Biên tập các tác phẩm trên và một số tác phẩm ca ngợi quê hương Nghệ An mang âm hưởng Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh thành kịch bản chương trình mẫu có thời lượng 20 - 25 phút. Tổ chức dạy cách sử dụng nhạc cụ (nhị, bầu, sáo, trống, thập lục); thu đĩa toàn bộ phần nhạc các tác phẩm; báo cáo biểu diễn các tác phẩm dàn dựng; tổ chức 1 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách tại một di tích hoặc một không gian diễn xướng phù hợp; hỗ trợ hoạt động cho câu lạc bộ. Nội dung này dự kiến thực hiện trong quý III/2015 tại một trong số các CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trên địa bàn tỉnh.


 Để triển khai thực hiện tốt kế hoạch này, UBND tỉnh giao Sở VH-TT&DL chịu trách nhiệm lựa chọn một trong số các CLB dân ca tại các huyện, thành, thị để triển khai công tác bảo tồn (ưu tiên huyện miền núi có thực hành di sản phong trào đang còn yếu); Chịu trách nhiệm thuê khoán các nghệ nhân, nghệ sĩ tổ chức truyền dạy Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (mỗi lớp 15 ngày), tổ chức dàn dựng các tác phẩm ví, giặm được truyền dạy (mỗi đợt 15 ngày), tổ chức phối khí, thu âm đĩa nhạc các tác phẩm ví, giặm được truyền dạy (in sao 100 đĩa), tổ chức ghi hình… Tổ chức 1 chương trình biểu diễn mẫu và tổ chức báo cáo chương trình được dàn dựng; tổ chức nghiệm thu các sản phẩm…

Tái hiện không gian diễn xướng ở CLB dân ca hát ví phường vải Kim Liên (Nam Đàn).
Tái hiện không gian diễn xướng ở CLB dân ca hát ví phường vải Kim Liên (Nam Đàn).


Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Với vai trò là ngành chủ quản, tiếp nhận sự chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện Sở VH-TT&DL đang tích cực triển khai các nhiệm vụ liên quan: Gửi công văn kèm theo nội dung của UBND tỉnh cho tất cả các Trung tâm VHTT, phòng VHTT các huyện, thành, thị. Tiến hành rà soát các CLB đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Giao cho Trung tâm Bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ lên chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai việc truyền dạy, xây dựng tiểu phẩm phù hợp với từng nội dung… Cụ thể, trong quý III/2015, chúng tôi sẽ chọn một CLB dân ca ở vùng miền núi để triển khai thực hiện trước, sau đó rút kinh nghiệm và tiếp tục lan tỏa ra các CLB khác. Tuy nhiên, vấn đề mà chúng tôi trăn trở nhất hiện nay là hầu hết các CLB trong tỉnh số nghệ nhân và người dân hát được dân ca ví, giặm không còn nhiều; không gian diễn xướng và các tư liệu cùng các yếu tố liên quan đến dân ca ví, giặm đang bị mai một, thất truyền. Nhiều CLB và các làng, các nhóm dân ca ví, giặm gặp khó khăn về kinh phí và phương thức hoạt động. Đặc biệt, dân ca ví, giặm vẫn chưa được quảng bá sâu rộng cũng như gắn liền với phát triển du lịch tại các địa phương đó.


Việc UBND tỉnh ban hành kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn dân ca ví, giặm là đòn bẩy, là sự động viên, khích lệ đối với các CLB dân ca hiện nay. Tuy nhiên, sự vào cuộc vẫn là ở chính quyền địa phương. Những địa phương có tiềm năng du lịch phải khẩn trương hơn, quyết liệt hơn nữa trong việc đưa dân ca vào phục vụ khách du lịch không chỉ trong mùa lễ hội mà tại các điểm du lịch, từng bước đưa dân ca trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của xứ Nghệ.
 

 Thanh Thủy

Tin mới