Xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn mới ở Tân Kỳ:Còn lắm gian nan

(Baonghean) - Xây dựng thiết chế văn hóa là nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, ở huyện Tân Kỳ, việc xây dựng thiết chế văn hóa hiện gặp không ít khó khăn...

Xóm 2, xã Nghĩa Bình là xóm đã xây dựng thiết chế văn hóa đạt chuẩn và được công nhận Làng văn hóa. Đưa chúng tôi đi thăm nhà văn hóa, sân khấu ngoài trời, sân bóng đá, bóng chuyền, giới thiệu những thành tích đạt được qua những bằng khen, giấy khen, cờ thi đua của các cấp tặng thưởng, Xóm trưởng Phan Bá Lương tự hào: "Về kinh tế, so với mặt bằng chung, xóm 2 mới chỉ thuộc tốp trung bình trong 12 xóm của xã. Tuy nhiên, các hoạt động văn hóa, thể thao thì thuộc hàng "tốp ten" của huyện...". Xóm 2 có 140 hộ, trong đó có 108 hộ đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa. Theo anh Lương, sở dĩ xóm xây dựng được các thiết chế văn hóa là bởi người dân nơi đây đã thực sự xem các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao là món ăn tinh thần không thể thiếu hàng ngày. Ai cũng tích cực góp công, góp của, hiến đất để xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất văn hóa. Ví như để làm sân vận động, bình quân mỗi người dân góp 18m2 đất trong chế độ được cấp theo Nghị định 64; bên cạnh đó, người dân còn góp hàng chục ngàn ngày công, kinh phí... 

Xóm 2, xã Nghĩa Bình được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp về hoạt động VHTT.
Xóm 2, xã Nghĩa Bình được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp về hoạt động VHTT.
Vậy nhưng không phải xóm nào ở Nghĩa Bình cũng có chuyển biến tích cực như xóm 2. Tại xóm 11, nơi phần đông đồng bào dân tộc Thanh sinh sống, người dân được thụ hưởng các Chương trình 135, 134. Năm 2012, được Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng nhà văn hóa khang trang, rộng rãi. Tuy nhiên, việc xã hội hóa để xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa là chưa thể thực hiện, bên cạnh đó, các hoạt động văn nghệ thể thao nơi đây luôn bị chìm lấp. Xóm 11 cũng không đăng ký danh hiệu làng văn hóa bởi như một số người dân ở đây hồn nhiên: "Được làng văn hóa sẽ mất hộ nghèo"...
Là xã điểm xây dựng nông thôn mới của Tân Kỳ, qua 3 năm thực hiện, đến nay Nghĩa Bình mới đạt 13/19 tiêu chí. 6 tiêu chí còn lại chưa đạt có cả 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực văn hóa. Xã có 12 xóm nhưng hiện nay mới chỉ có 6 xóm có thiết chế văn hóa đạt chuẩn; 6/12 xóm được công nhận Làng Văn hóa; thiết chế văn hóa cấp xã hoàn toàn chưa có gì. Chị Võ Thị Nguyên - Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã cho biết: "Nghĩa Bình đã quan tâm chỉ đạo xây dựng thiết chế văn hóa. Ở cấp xóm, động viên nhân dân đóng góp, huy động xã hội hóa thực hiện. Xóm nào làm nhà văn hóa, đăng ký danh hiệu Làng Văn hóa, xã trích ngân sách 12 triệu đồng hỗ trợ để mua sắm thiết bị thiết yếu. Chúng tôi đặt chỉ tiêu đến cuối năm nay sẽ hoàn thành tiêu chí làng văn hóa. Còn để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa cấp xã đạt chuần thì vì kinh phí thực hiện quá lớn...". Còn theo Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Thanh Bích, mục tiêu Nghĩa Bình đến năm 2015 đạt nông thôn mới là khó thực hiện, và tiêu chí xâ dựng cơ sở vật chất văn hóa là khó khăn nhất. Ông Bích nói rằng: "Những xã tầm trung như Nghĩa Bình, để xây dựng được nhà sinh hoạt cộng đồng, sân vận động, nhà văn hóa liên hợp của xã đạt chuẩn sẽ phải cần một thời gian dài nếu không có sự hỗ trợ của trên...".
Xã điểm Nghĩa Bình gặp khó khăn, vậy nên, xã vùng sâu, vùng xa như Phú Sơn còn khó khăn gấp bội. Đến nay, Phú Sơn mới đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới. 11 xóm của Phú Sơn đã có nhà văn hóa, tuy nhiên, chưa có xóm nào đạt chuẩn về cơ sở vật chất văn hóa; mới chỉ có 2 xóm được công nhận danh hiệu Làng Văn hóa. Theo Bí thư Đảng ủy xã, ông Nguyễn Hồ Thú, Phú Sơn là một xã đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa điều kiện phát triển kinh tế còn hạn chế, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, dân trí không đồng đều, địa hình khá phức tạp, đất đai manh mún... Với những điều kiện như vậy, mục tiêu xây dựng nông thôn mới dù được quan tâm nhưng rất khó để thực hiện. Và, việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất văn hóa cấp xã đạt chuẩn là tiêu chí mà cán bộ, nhân dân Phú Sơn chưa dám đặt ra trong thời điểm này. "Phú Sơn có 2 tiêu chí sắp đạt chuẩn là trường học và chợ. Tới đây, chúng tôi phải tập trung thực hiện tiêu chí về giao thông để tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, làm ăn phát triển kinh tế. Còn các tiêu chí về lĩnh vực văn hóa, dù muốn nhưng đành để lùi lại sau..." - ông Nguyễn Hồ Thú nói.
Cơ sở vật chất văn hóa xóm 6B, xã Nghĩa Đồng vừa được hoàn thiện.
Cơ sở vật chất văn hóa xóm 6B, xã Nghĩa Đồng vừa được hoàn thiện.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Tân Kỳ, hiện nay hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, trang, thiết bị chuyên dùng đã được đầu tư và tăng lên đáng kể. Toàn huyện đã có 17/22 xã có nhà văn hóa trên 200 chỗ ngồi, trong đó, có 9 nhà văn hóa đạt chuẩn; Có 6 xã gồm: Tân Hợp, Tân Phú, Tân Xuân, Nghĩa Đồng, Tiên Kỳ, Tân Long có đồng bộ nhà văn hóa đa chức năng (hội trường UBND xã có đầy đủ phòng chức năng) và sân vận động đảm bảo tổ chức các hoạt động; 199/268 xóm có nhà văn hóa trên 80 chỗ ngồi; 246/268 xóm có sân chơi thể thao đơn giản; 235/268 xóm có đồng bộ nhà văn hóa và sân tập thể thao đảm bảo tổ chức hoạt động. Có 144/268 xóm được công nhận đạt danh hiệu Làng Văn hóa; 24.450/33.909 hộ đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa. Tổng nguồn đầu tư của Nhà nước cho xây dựng thiết chế văn hóa thể thao (cho cấp xã, xóm, khối phố) đến nay là 15 tỷ 440 triệu đồng, huy động nhân dân đóng góp là 7 tỷ 121 triệu đồng... Dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng phòng Văn hóa huyện, công tác xây dựng thiết chế văn hóa đảm bảo đạt chuẩn nông thôn mới ở Tân Kỳ còn rất nhiều hạn chế. Các xã trên địa bàn đều dồn sức để thực hiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, chuyển đổi ruộng đất... nên chưa tập trung cho tiêu chí xây dựng thiết chế văn hóa. Ông Phương cho biết: "Huyện Tân Kỳ xác định cho các xã mỗi năm phải phấn đấu đạt được từ 2 - 3 tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu tiêu chí nào thì do cấp xã và nhân dân tự lựa chọn, đăng ký. Không thể nói là cấp xã thiếu quan tâm, nhưng trong xây dựng nông thôn mới, đối với tiêu chí văn hóa thường để lại sau chót. Kể cả như xã Nghĩa Đồng đến cuối năm nay mới hoàn thiện tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất văn hóa để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...". Có 2 nguyên nhân cơ bản mà ông Nguyễn Văn Phương nêu ra, đó là khó khăn về kinh phí thực hiện và diện tích quy hoạch đất nhà văn hóa, sân vận động tăng lên quá nhiều so với trước đây. "Diện tích đất thực hiện khu trung tâm văn hóa, sân vận động cấp xã rất lớn, lại phải liền khoảng. Khu trung tâm văn hóa thể thao cấp xã phải đạt 2.500m2 đối với đồng bằng, 2.000m2 đối với miền núi; nhà văn hóa quy mô xây dựng 200 chỗ ngồi, 4 phòng chức năng đối với miền núi và 250 chỗ ngồi, 5 phòng chức năng đối với đồng bằng; diện tích sân vận động lên tối thiểu 10.800m2. Bên cạnh đó, để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa đạt chuẩn mỗi xã sẽ phải đầu tư hàng chục tỷ đồng. Những vấn đề này thực sự là bài toán khó..." - ông Phương cho biết thêm.
Cũng theo ông Phương, lãnh đạo huyện đã xác định những khó khăn đang đặt ra và có sự quan tâm, tuy nhiên, là huyện nghèo, thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt chừng 25 tỷ đồng/năm, nên rất khó để huyện có sự đầu tư cho các xã trong xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Để góp phần nâng chất lượng cơ sở vật chất văn hóa cho cấp xã, vừa qua, huyện đã phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng đài truyền thanh cơ sở” và đã thực hiện từ tháng 6/2014. Theo đề án, để nâng cấp, mỗi đài truyền thanh xã cần khoảng 300 triệu đồng. Huyện sẽ cấp kinh phí cho các xã khu vực khó khăn 50%; khu vực trung bình 40%; với các xã khá gồm Nghĩa Đồng và thị trấn là 30%, và đây cũng đã là một nỗ lực của huyện.
Trao đổi xung quanh vấn đề xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, ông Nguyễn Duy Nho cho rằng: “Xuyên suốt trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự hỗ trợ mang tính "kích cầu" của Nhà nước thì cơ bản là phát huy nguồn lực của nhân dân. Điều cần suy nghĩ là phải làm gì để nhân dân có nguồn lực, từ đó mới phát huy được nguồn lực của dân. Là người làm công tác văn hóa, theo ông Nguyễn Duy Nho, cần quan tâm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân nhưng trong khó khăn chung, không nhất thiết phải vội vàng, bằng mọi giá để đạt được tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, bởi như vậy tính bền vững cũng không cao. "Tân Kỳ đang tập trung nhiều biện pháp thực hiện để phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thực sự có hiệu quả, có sức thu hút và thực sự đi vào cuộc sống nhân dân. Tôi nghĩ rằng, chỉ khi đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, thì việc tạo nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn mới sẽ thuận lợi hơn và sẽ có tính bền vững..." - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Nguyễn Duy Nho trăn trở.
Nhật Lân

Tin mới