Hạt nhân trong bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm

(Baonghean) - Cùng với các đoàn thể khác, thời gian qua, phụ nữ trở thành lực lượng chính trong công tác bảo tồn, phát huy di sản dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Không chỉ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, các bà, các mẹ, các chị còn là hạt nhân trong truyền dạy, sáng tác và sưu tầm các làn điệu dân ca.

Với chị Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1957) Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) dân ca đi vào tâm hồn chị từ nhỏ. Ngày đó, xóm 9 của chị có truyền thống hát chèo, hát dân ca. Trong những đêm trăng sáng, chị thường theo mẹ, theo bà ra sân kho của làng nghe hát. Những làn điệu dân ca tha thiết diễn tả cảnh sắc làng quê, về công cha, nghĩa mẹ, về phận làm dâu, về tình yêu đôi lứa ấy đã thấm sâu vào tâm hồn chị... Trong căn phòng nhỏ của Hội CCB xã Hưng Tân, chúng tôi đã được chứng kiến buổi tập luyện của 3 thành viên trong CLB dân ca xã mà chị Hương là người truyền dạy: “Đẹp biết bao quê mình đang thay đổi/Khoác lên màu áo mới từng ngày/ Nghèo đói đã qua đi mạnh giàu nay trở lại/ Bức tranh quê đẹp mãi thêm thắm đượm tình người?”...  Chị Hương tâm sự: Bản thân chị rất yêu dân ca, vì thế khi xã có chủ trương thành lập CLB, chị là người xung phong đầu tiên. Với chất giọng sẵn có, lại đam mê, chị và các anh trong Ban Chủ nhiệm đã đứng ra vận động, tuyên truyền thu hút nhiều hạt nhân trong xã tham gia. Để duy trì mỗi tháng 1 lần sinh hoạt, ngoài sưu tầm, chính các thành viên trong CLB phải tự sáng tác ra những lời ca phù hợp với từng thời điểm. Mỗi khi có một ca khúc mới, chị Hương là người đầu tiên hát, thẩm định sau đó truyền dạy lại cho từng thành viên trong CLB vào đúng dịp sinh hoạt định kỳ. Không chỉ truyền dạy cho các thành viên, ở nhà chị Hương cũng thường xuyên bày cho hai cháu nội của mình hát những câu dân ca phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Chị cho rằng, bản thân mình yêu dân ca thôi chưa đủ mà phải biết truyền lửa niềm đam mê cho những người xung quanh, nhất là cho giới trẻ.
Chị Nguyễn Thị Hương (CLB Dân ca Hưng Tân – Hưng Nguyên) hướng dẫn  bài hát mới cho các thành viên trong CLB.
Chị Nguyễn Thị Hương (CLB Dân ca Hưng Tân – Hưng Nguyên) hướng dẫn bài hát mới cho các thành viên trong CLB.
Anh Phan Đăng Minh – Chủ nhiệm CLB Dân ca Hưng Tân cho biết: Hiện CLB Dân ca Hưng Tân có 32 thành viên nhưng có hơn một nửa là nữ, có thể khẳng định chị em có vai trò rất quan trọng trong duy trì, bảo tồn, phát huy Dân ca ví, giặm. Nếu không có sự chăm lo, truyền dạy, bảo ban của chị em chắc chắn Câu lạc bộ Dân ca Hưng Tân không thể gặt hái được những thành công như thời gian qua: đó là 1 giải Nhất cụm năm 2014, 2 giải A, 2 giải B cấp tỉnh năm 2013, 2014. Điều đáng ghi nhận nhất đó là những làn điệu dân ca của CLB sau khi được sáng tác, được chị Hương và các chị em trong CLB truyền dạy nay có những lời ca đã lan tỏa ra cả xã nhờ chị em biết lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt phụ nữ tại xóm. Mỗi lần chi hội phụ nữ xóm tổ chức sinh hoạt, trước khi vào nội dung chính, chị em lại tự biên, tự diễn những làn điệu dân ca do chính họ sáng tác. Chị Nguyễn Thị Mùi (người dân xóm 9) cho rằng: Chính những lời ca nhẹ nhàng, gần gũi với cuộc sống nông thôn hàng ngày ấy lại có sức thuyết phục, đi vào lòng người gấp nhiều lần những văn bản, chính sách khô cứng. Và đã thành thói quen, cứ sinh hoạt hội phụ nữ là phải hát dân ca, biểu diễn dân ca. Đó cũng là sân chơi giúp chị em giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống đời thường. 
Bà Nguyễn Thị Thanh (CLB dân ca Hoa Sơn - Anh Sơn) trong một buổi  sinh hoạt.
Bà Nguyễn Thị Thanh (CLB dân ca Hoa Sơn - Anh Sơn) trong một buổi sinh hoạt.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh (xóm 9, Hoa Sơn - Anh Sơn) rất đam mê sưu tầm các làn điệu, đặc biệt là điệu dặm Đức Sơn. Luôn ý thức rằng, dân ca chính là một tài sản quý cần phải gìn giữ và phát huy. Bởi thế, qua mỗi lần tham gia biểu diễn, giao lưu với các xã bạn và có dịp gặp gỡ những nghệ nhân lớn tuổi bà đều tìm hiểu, học hỏi thêm các làn điệu. Giờ đây, khi đã bước sang tuổi lục tuần, bà đã có được một bộ sưu tập các điệu hát, câu hò. Ngoài ra, bà còn dành nhiều tâm huyết để soạn lời nhiều bài hát dân ca. Cũng bởi niềm say mê ấy mà mỗi dịp địa phương có sự kiện chính trị, văn hóa, văn nghệ… bà là người đặt lời bài hát phục vụ chương trình. Dặm Đức Sơn, dặm vè... đều được bà khai thác đưa vào các tác phẩm một cách khéo léo, phù hợp với các chủ đề. Những sáng tác của bà chủ yếu phục vụ cho CLB dân ca xã biểu diễn. Ngoài ra, bà còn đóng vai trò chính trong xây dựng các chương trình văn nghệ, tập luyện cho các thành viên … góp phần đưa phong trào văn hóa, văn nghệ của xã Hoa Sơn trở thành điểm sáng trong toàn huyện. Ghi nhận những đóng góp của bà, tháng 8/2013, bà đã vinh dự được đón nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 80 CLB dân ca với hàng trăm hội viên tham gia, trong đó chủ yếu vẫn là hội viên nữ. Các bà, các mẹ, các chị đã không ngại khó khăn truyền dạy, sáng tác lời mới để trao truyền cho thế hệ trẻ. Cô giáo  Lê Thị Bích Thủy (sinh năm 1972) – giáo viên dạy nhạc Trường Tiểu học Làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn) thành viên CLB Dân ca Kim Liên là một người như thế. Với chị Bích Thủy tình yêu dân ca của chị đã được truyền sang cho cả 2 cậu con trai. Đặc biệt là con trai thứ hai Nguyễn Quốc Bảo đang học Trường THCS Làng Sen. Hiện nay cả hai anh em Quốc Bảo đều tham gia sinh hoạt CLB cùng mẹ. 
Để bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Dân ca ví, giặm xứ Nghệ, bên cạnh các địa phương duy trì sinh hoạt các CLB dân ca, Hội phụ nữ các cấp cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn những làn điệu dân ca mới, thi hát ru dân ca giữa các hội viên trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, nhiều tổ chức hội thường xuyên đưa dân ca vào lồng ghép sinh hoạt để truyền dạy – đây là cách làm hiệu quả nhất cần phát huy trong thời gian tới.
Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Hồng Lựu khẳng định: Đúng là nếu không có vai trò xung kích, vai trò truyền lửa của chị em thì chắc chắn những CLB dân ca, những câu hát dân ca không thể trường tồn cho đến ngày hôm nay. Từ xa xưa, chính các bà, các mẹ đã truyền dạy cho con bằng những câu hát ru, bằng những lời dặn dò, và những câu hát ru ấy đã theo các con, đã nâng đỡ các con trong suốt cuộc đời. Như bản thân tôi, chính dân ca đã nuôi sống tôi, đã cho tôi có được ngày hôm nay. Và giờ đây, tôi lại tiếp tục truyền dạy, truyền ngọn lửa đam mê dân ca cho lớp trẻ. Không ai có thể truyền dạy cho con bằng chính những người mẹ, chỉ có người mẹ mới làm được điều đó. Trong dân ca, hình ảnh người phụ nữ xứ Nghệ, người phụ nữ Việt Nam mới tròn đầy đến thế âu cũng là điều dễ hiểu.
Bài, ảnh: Thanh Thủy

Tin mới