Xây dựng nông thôn mới ở Quỳ Châu

(Baonghean) - Nâng cao đời sống cho người dân chính là gốc rễ của xây dựng Nông thôn mới (NTM). Trên quan điểm đó, huyện Qùy Châu đã và đang thực hiện nhiều chương trình, chính sách cụ thể nhằm cải thiện thu nhập của người dân. Đây là con đường bền vững và đúng đắn để chương trình NTM trên địa bàn huyện đến đích.

Là huyện miền núi cao, xuất phát điểm thấp nên trong quá trình xây dựng NTM, Qùy Châu gặp rất nhiều khó khăn. Xã đạt nhiều tiêu chí nhiều nhất là xã Châu Thuận cũng chỉ mới được 7 tiêu chí. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người đang ở mức thấp là 10,5 triệu đồng/người/ năm.

Mô hình nuôi cá lồng tại xã Châu Tiến cho thu nhập cao.

Để chương trình xây dựng NTM đạt hiệu quả cao nhất, trong thời gian qua, Ban chỉ đạo của huyện đã tập trung vào việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.

Bằng việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án nước ngoài, các xã đã đầu tư vào các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả cao. Điển hình là mô hình nuôi cá lồng trên sông tại 3 bản Hoa Tiến 1, Hoa Tiến 2 và Minh Tiến (Châu Tiến). Đến nay, toàn xã có hơn 30 hộ tham gia với khoảng 90 lồng. Ông Vi Văn Tuyên, một hộ nuôi cá lồng cho biết: “Nhà tôi hiện có 3 lồng, mỗi lồng khoảng 200 con cá trắm. Nếu không bị lũ cuốn thì mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 20 triệu đồng”. Bên cạnh đó, nghề làm hương trầm và dệt thổ cẩm cũng đang được phát triển mạnh. Xã đã xây dựng được làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiên với hơn 40 hội viên. Không chỉ thế, hầu hết nhà nào cũng phát triển nghề dệt thổ cẩm.

Là một trong những xã điểm thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện, Châu Thuận hiện đã đạt được 7/19 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo của xã thời điểm này đang trên 50%. Thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ đạt 8,5 triệu đồng/người/năm. Để phấn đấu đến hết năm 2012 nâng thu nhập bình quân đầu người lên 12 triệu đồng/năm, xã Châu Thuận đã triển khai thực hiện được một số mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao. Điển hình là mô hình chăn nuôi vịt bầu quỳ, toàn xã có 36 hộ tham gia, trung bình mỗi hộ có khoảng 200 con vịt và phát triển tốt. Một số hộ vịt đã lớn và đã bán ra thị trường. Xã còn triển khai mô hình nuôi lợn nái sinh sản và lợn rừng. Đến nay, các mô hình này đang phát huy hiệu quả và khả năng nhân rộng là rất cao.

Không chỉ chú trọng phát triển các mô hình chăn nuôi, các xã còn thực hiện nhiều biện pháp nhằm phát huy thế mạnh về nông sản chủ lực của địa phương. Tại xã Châu Thuận, cây mía được đánh giá là nông sản chủ lực. Vì thế, xã đã có hướng quy hoạch để tăng diện tích trồng mía. “Hiện nay, toàn xã có 57 ha mía và diện tích này tăng từng năm. Vừa qua, xã đã trình quy hoạch lên huyện, trong đó sẽ tiến hành tăng diện tích trồng mía. Tại khu bãi bằng khe Nính hiện có 500 ha đất, chúng tôi sẽ bố trí trồng mía và cây cao su. Đây là những loại cây trồng có giá trị cao nên khi người dân tham gia sẽ cho thu nhập tốt. Chúng tôi phấn đấu mỗi năm giảm khoảng 6% hộ nghèo”, ông Vi Ngọc Duyên - Chủ tịch UBND xã cho biết.

Đối với Châu Tiến, nông sản chủ lực vẫn là lúa. Bằng việc mạnh dạn cơ cấu các giống lúa lai năng suất cao vào thâm canh như giống BO404, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đang hướng tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp có giá trị cao. Một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng mía. Trong nghị quyết của xã sẽ tổ chức khoanh lại các diện tích đất nông nghiệp, từ đây cơ cấu các giống cây trồng phù hợp nhằm nâng cao giá trị sản xuất, nâng thu nhập cho người dân.

Tại nhiều địa phương khác, việc lồng ghép các nguồn vốn từ các dự án vào để xây dựng các mô hình kinh tế cũng được quan tâm. Như tại xã Châu Hạnh có mô hình trồng rễ hương dưới tán rừng; xã Châu Nga có mô hình nuôi thỏ; mô hình trồng mía tại xã Châu Thắng hay mô hình trồng gấc tại thị trấn Tân Lạc… Ngoài việc xây dựng các mô hình, huyện đang thực hiện nhiều chương trình nhằm tạo việc làm, dạy nghề và tập huấn KHKT cho người dân trên địa bàn huyện, nhằm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác và trang bị kiến thức về KHKT cho người dân. Bà Lang Thị Hồng - Phó chủ tịch UBND huyện Qùy Châu cho biết: Là một huyện tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên các cấp ủy và chính quyền huyện luôn xác định rằng nâng cao đời sống cho người dân chính là động lực và đích đến cuối cùng của chương trình xây dựng NTM. Bằng nhiều nguồn vốn  khác nhau, huyện sẽ định hướng cho từng địa phương có những chương trình, chính sách cụ thể để làm sao giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Khi đời sống của người dân được ổn định thì việc xây dựng NTM sẽ được thuận lợi hơn.

Phạm Bằng

Tin mới