Xử lý sớm, dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn qua Yên Thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Mặc dù đã nhiều lần dời thời hạn bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ, đến nay, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 qua huyện Yên Thành vẫn còn gần 2km chưa thể thực hiện. Nguyên nhân là do nhiều hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù. 

Vướng mắc

Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An được khởi công ngày 7/9/2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2023, đưa vào sử dụng năm 2024.

Tại địa bàn huyện Yên Thành, tuyến Quốc lộ 7 có tổng chiều dài là 27,774km (tính cả 2 bên trái và phải tuyến), đi qua địa bàn 5 xã: Vĩnh Thành, Viên Thành, Bảo Thành, Công Thành và Mỹ Thành.

UBND huyện Yên Thành đã thành lập Hội đồng bồi thường GPMB huyện Yên Thành, đồng thời lên phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB cho các đối tượng bị ảnh hưởng của các xã, tiến hành công khai lấy ý kiến và thực hiện các thủ tục chi trả tại một số địa phương. Tuy nhiên, đến nay, trên toàn tuyến đi qua huyện Yên Thành mới bàn giao được khoảng 25,775km/27,774km, đạt 93%, còn lại 1,9 km chưa bàn giao được. Điều này đã làm chậm tiến độ thi công theo kế hoạch.

BNA_1.jpg
Một đoạn QL7 qua xã Công Thành chưa được nâng cấp, tạo nên gờ cao, buộc đơn vị thi công phải lắp biển cảnh báo. Ảnh: Tiến Đông

Theo tổng hợp của Hội đồng GPMB bằng huyện Yên Thành, đến thời điểm này, duy nhất xã Vĩnh Thành đã hoàn thành công tác GPMB. Tại xã Viên Thành đang vướng mặt bằng 20/73 thửa, tổng chiều dài 2 bên tuyến là 220m. Trong đó, có 9 hộ không ảnh hưởng về đất nhưng có tài sản bị ảnh hưởng; có 8 hộ chưa nhận tiền với giá trị đền bù hơn 517 triệu đồng; và 2 hộ không bị ảnh hưởng, không đủ điều kiện đền bù, hỗ trợ nhưng không ký nhận bàn giao mặt bằng.

Tại xã Bảo Thành, hiện đang vướng mặt bằng 3/33 thửa, chiều dài 2 bên tuyến là 61m, với 3 hộ dân và tổng giá trị đền bù là hơn 43 triệu đồng.

Tại xã Công Thành có 16/77 thửa với tổng chiều dài 2 bên tuyến 195m đang bị vướng mặt bằng. Trong đó có 3 hộ không bị ảnh hưởng về đất nhưng có tài sản nằm trong hành lang GPMB; có 5 hộ chưa ký nhận tiền đền bù với tổng số tiền hơn 497 triệu đồng và 7 hộ không đủ điều kiện đền bù, hỗ trợ.

BNA_4.jpg
Khu vực đi qua xã Mỹ Thành đang vướng mắc nhiều nhất với 53/76 thửa đất chưa GPMB xong. Ảnh: Tiến Đông

Riêng xã Mỹ Thành có số thửa vướng mắc nhiều nhất, với 53/76 thửa, tổng chiều dài 2 bên tuyến 1.565m. Trong đó, có 3 hộ có tài sản trên đất thuộc UBND xã quản lý; 39 hộ chưa nhận tiền đền bù với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng; 7 hộ không đủ điều kiện đền bù, hỗ trợ và 4 hộ không bị ảnh hưởng nhưng vẫn chưa ký bàn giao mặt bằng.

Nguyên nhân vướng mặt bằng được xác định là do các hộ gia đình chưa đồng ý với kết quả trích đo để tính toán giá trị bồi thường. Một số hộ gia đình đề nghị đền bù đất trên phần diện tích tăng (do lấn chiếm) và tài sản trên đất không được đền bù (thời điểm xây dựng sau ngày 1/7/2004). Nhiều hộ gia đình, cá nhân còn đề nghị được đền bù phần đất nằm trong lưu không bảo vệ đường bộ do nhận chuyển nhượng đất bán trái thẩm quyền (khi thực hiện chuyển nhượng chỉ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)…

BNA_hơn 50 hộ dân đã tham gia đối thoại.jpg
Hội đồng bồi thường GPMB huyện Yên Thành đối thoại với người dân xã Mỹ Thành vào chiều 20/3. Ảnh: Tiến Đông

Đặc biệt, tại xã Mỹ Thành, nhiều hộ dân đề nghị đền bù đất, tài sản xây dựng sau ngày 1/7/2004 trên phần đất không đủ điều kiện đền bù. Một số hộ dân có đất sử dụng trước năm 1980, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trước đây gia đình đã đã có đơn hiến đất để làm đường, nay đề nghị được đền bù phần đất đã hiến. Một số hộ còn không đồng ý với mức giá đền bù với đất lâm nghiệp (rừng sản xuất sử dụng từ năm 1976) với giá 6.000 đồng/m2 và mức giá 17.000.000 đồng/m2 đối với đất ở…

Điều đáng nói, tại các xã còn vướng mắc này, người dân kiến nghị từ đầu và Hội đồng bồi thường GPMB của huyện Yên Thành cũng đã có văn bản trả lời theo quy định. Bên cạnh đó, UBND các xã cũng đã tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và bàn giao mặt bằng. Nhưng, việc bàn giao vẫn bị chậm trễ.

BNA_chưa gpmb.jpg
Rất nhiều biển cảnh báo như thế này đang được cắm dọc tuyến Quốc lộ 7 vì chưa thể GPMB. Ảnh: Tiến Đông

Xử lý dứt điểm

Có thể thấy, việc nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 7 có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển của tỉnh nói chung cũng như của huyện Yên Thành nói riêng. Đặc biệt, UBND tỉnh cũng đã nhiều lần chỉ đạo chính quyền địa phương sớm giải quyết vướng mắc và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, đảm bảo việc thi công toàn tuyến, tránh bị đứt đoạn, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và chất lượng công trình.

Cụ thể, vào ngày 27/11/2023 UBND tỉnh đã có Công văn số 10146/UBND-CN về việc đôn đốc tiến độ GPMB QL7. Trong đó, tỉnh giao UBND huyện Yên Thành phê duyệt phương án GPMB, chi trả tiền cho người dân và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công hoàn thành trước ngày 15/12/2023. Tuy nhiên, do mốc thời gian này không thực hiện được nên sau đó, đến ngày 29/12/2023, UBND tỉnh tiếp tục có Văn bản số 11226/UBND-CN về việc giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, GPMB tại dự án này. Đối với huyện Yên Thành, UBND tỉnh đã giao phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường để chi trả tiền cho người dân và bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch còn lại trước ngày 10/1/2024. Dẫu vậy, thời gian trôi qua nhưng việc GPMB để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công vẫn chưa thể hoàn thành.

BNA_2.jpg
Nhiều phương tiện chen chúc nhau ngay đoạn giáp nối giữa đường đã nâng cấp và đoạn chưa nâng cấp. Ảnh: Tiến Đông

Mới đây nhất, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo huyện Yên Thành phải hoàn thành bàn giao mặt bằng trong tháng 3/2024, phía huyện Yên Thành cũng đã cam kết GPMB xong và bàn giao cho đơn vị thi công trước ngày 30/3/2024.

Ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Hiện nay, huyện đang tiếp tục giao cho các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại với người dân; công khai niêm yết các thủ tục, giấy tờ, hồ sơ sử dụng đất của từng hộ gia đình có liên quan. Đối với các hộ chưa đồng ý với kết quả trích đo để tính toán giá trị bồi thường (vì họ cho rằng đất của họ trước đây là giao sát đường Quốc lộ 7), huyện đang đề nghị UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo xử lý.

BNA_3.jpg
Việc chưa GPMB xong không những khiến dự án bị chậm tiến độ mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường và an toàn giao thông trên tuyến đường này. Ảnh: Tiến Đông

Đối với các hộ gia đình có đất bán trái thẩm quyền đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng phần diện tích bị ảnh hưởng nằm trong phạm vi đất lưu không đường không được cấp giấy, và đã có đề nghị được đền bù, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất. Dù UBND tỉnh đã đồng ý nhưng nhiều hộ không cung cấp được hồ sơ và chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, thì huyện tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để thực hiện, đảm bảo công bằng, đầy đủ quyền lợi cho người dân.

Ông Dương cũng nhấn mạnh, để đảm bảo thực hiện đúng cam kết với UBND tỉnh, huyện sẽ cương quyết xử lý nghiêm những hành vi xúi giục người dân khiếu kiện. Đối với những trường hợp thu hồi đất ở và đất vườn mà chưa bàn giao, hay chưa đồng ý với mức giá đền bù theo quy định thì sẽ lập hồ sơ cưỡng chế, bảo vệ thi công để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Tin mới