Xung quanh hoạt động kinh doanh lữ hành

(Baonghean) - Hoạt động lữ hành đã và đang góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của Nghệ An. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, các đơn vị lữ hành trong tỉnh đã đưa đón, phục vụ 18.423 lượt khách, bằng 120% so cùng kỳ, khách du lịch đi theo tour lữ hành có xu hướng tăng, nhất là lữ hành nội địa (chiếm 60% tổng số lượt khách lữ hành). Theo đó, ngày càng xuất hiện nhiều đơn vị làm lữ hành kể cả trong nước và quốc tế. Hiện nay ngành Du lịch có 10 công ty lữ hành quốc tế, 20 công ty lữ hành nội địa hoạt động trên địa bàn tỉnh. Chưa bao giờ hoạt động lữ hành sôi động như những năm gần đây.

Công ty cổ phần du lịch Nghệ An là 1 trong 3 công ty lữ hành thành lập đầu tiên (năm 1990) trên địa bàn tỉnh và được đánh giá hoạt động hiệu quả. Thời gian đầu, công ty gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu người dân đi tham quan du lịch còn ít; đội ngũ nhân viên chưa được đào tạo bài bản, ít kinh nghiệm thực tế; ban giám đốc còn lúng túng trong khai thác các tour, tuyến trong tỉnh, trong nước và quốc tế… Thời gian đó, mỗi năm Công ty chỉ có thể đưa đón xấp xỉ 20 đoàn khách.

Ông Tạ Khắc Uyên – Giám đốc Công ty cho biết: Từ năm 2000 trở lại nay, nhu cầu tham quan, du lịch của người dân ngày càng cao nên nhiều công ty lữ hành ra đời. Sự cạnh tranh khốc liệt cũng đã xuất hiện. Trong xu thế đó, để tồn tại, công ty xác định phải xây dựng thương hiệu riêng. Với khẩu hiệu “Chất lượng dịch vụ là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi”, bên cạnh đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản (hiện công ty có 20 hướng dẫn viên, trong đó có 6 hướng dẫn viên được cấp thẻ lữ hành quốc tế), thì chất lượng dịch vụ như: phương tiện vận chuyển, ăn uống, khách sạn, điểm đến… được công ty rất chú trọng. Công ty đã đầu tư trang bị xe ô tô đời mới, tiện nghi; điểm  ăn, nghỉ đều chọn các khách sạn có thương hiệu, uy tín… Nhờ vậy, khách tìm đến với công ty ngày càng tăng.

Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một số công ty, đơn vị hoạt động không lành mạnh. Thậm chí, một số công ty lữ hành nội địa không đủ điều kiện kinh doanh quốc tế, vẫn xây dựng các tour đi quốc tế, phá giá tour bằng cách cung cấp các dịch vụ không chất lượng… Điều đó, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các công ty lữ hành đang hoạt động chính thống trên địa bàn tỉnh.

Các Website của doanh nghiệp du lịch, lữ hành có nội dung vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Bắc – Tổng Giám đốc Công ty CP lữ hành quốc tế Thái Sơn –Ủy viên BCH Chi hội Lữ hành Nghệ An khẳng định: Những năm gần đây, các công ty lữ hành liên tục thành lập, điều đó có nghĩa ngành Du lịch tỉnh ta đang phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh các công ty hoạt động lành mạnh, đã xuất hiện nhiều công ty hoạt động không có giấy phép, hoạt động thời vụ, hiện tượng chụp giật khách, ăn cắp nội dung tuyên truyền của nhau đã và đang diễn ra…

Các biểu hiện thường là: Website của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành hoạt động trái pháp luật. Sử dụng các thông tin liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty khác. Cụ thể như: Công ty TNHH Thảo Đan – Thảo Đan Travel, có địa chỉ tại xóm 23, xã Nghi Phú, TP Vinh – điện thoại: 038 8602 325 – Mobile: 0915 015 777, Website: www.thaodantravel.com  và DNTN Vận tải thương mại du lịch Hoàng Linh, địa chỉ: 219 Nguyễn Xuân Linh, P. Đông Vĩnh, TP Vinh. Tel: 038 3536 768 – 0913 550 318, Website: www.dulichhoanglinh.com.

Hai doanh nghiệp này đều không có chức năng lữ hành quốc tế theo quy định của pháp luật, nhưng vẫn quảng bá và chào bán các tour đi nước ngoài. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, gây hiểu nhầm cho khách du lịch về sản phẩm dịch vụ, gây hoang mang tâm lý cho khách hàng. Hậu quả của hành vi phạm pháp trên đã từng xảy ra. Mới đây, Công ty lữ hành Travel Life (TP. Hồ Chí Minh) nhận đưa hơn 700 người của Cty Herbalife từ Việt Nam sang Thái Lan dự hội nghị kết hợp với du lịch, nhưng đã không thanh toán sòng phẳng với đối tác Thái Lan nên khách bị bỏ rơi. Đây là công ty lữ hành nội địa, nhưng vẫn tổ chức tour lữ hành quốc tế, hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra.

Giải pháp nào để khắc phục những hiện tượng vi phạm trên, là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý và cho chính những đơn vị lữ hành?

Trao đổi với ông Trần Văn Sánh – Thanh tra Sở VHTT và DL, được biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 202 cán bộ, nhân viên, hướng dẫn viên làm việc trực tiếp trong các đơn vị lữ hành, trong đó có 82 hướng dẫn viên du lịch. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các công ty lữ hành, bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, theo định kỳ mỗi năm 1 lần, Thanh tra sở tổ chức thành lập đoàn kiểm tra. Năm 2010 đã kiểm tra hơn 10 công ty, phát hiện 1 công ty lữ hành nội địa vẫn chào hàng tour lữ hành quốc tế. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính 10 triệu đồng. Năm 2011 kiểm tra 15 đơn vị; năm 2012 kiểm tra 15 đơn vị. Hầu hết, lỗi mà các công ty lữ hành thường mắc phải đó là: không lập hồ sơ lưu trữ các đoàn khách, hướng dẫn viên không ghi nhật ký tour đầy đủ…

Dự kiến, tháng 9 này Thanh tra sở mới kiểm tra định kỳ của năm 2013. Trong khi theo báo cáo của phòng Nghiệp vụ, Sở VHTT và DL, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số công ty lữ hành hoạt động không lành mạnh như: Doanh nghiệp tư nhân vận tải thương mại du lịch Hoàng Linh chỉ đăng ký kinh doanh vận tải, nay kinh doanh cả lữ hành. Trung tâm lữ hành quốc tế Việt Nam số 26 đường Thành Thái, TP. Vinh không có giấy phép kinh doanh quốc tế, vẫn xây dựng, bán tour quốc tế… Riêng đơn kiến nghị của Công ty lữ hành quốc tế Thái Sơn về việc Công ty TNHH Thảo Đan sử dụng những thông tin của Thái Sơn trên trang Websites của Thảo Đan. Thanh tra sở cũng đã vào cuộc xử lý bắt buộc công ty trên phải gỡ bỏ những nội dung không đúng làm ảnh hưởng đến Công ty lữ hành quốc tế Thái Sơn.

Thực ra, trật tự trong lĩnh vực lữ hành, trước hết phải do mỗi công ty lữ hành xây dựng, bằng cách khẳng định “thương hiệu” của chính mình. Công khai, minh bạch về chương trình du lịch, giá tour. Cam kết và thực hiện nghiêm cam kết với khách hàng theo đúng hợp đồng ký kết. Ban Chấp hành Chi hội Lữ hành cần thường xuyên cung cấp thông tin chính xác về hoạt động trong lĩnh vực này cho các cơ quan chức năng. Phòng Quản lý du lịch và Thanh tra du lịch cần phối hợp chặt chẽ với Chi hội Lữ hành, kịp thời kiểm tra khi có thông tin phát sinh, chứ không chỉ kiểm tra theo kế hoạch định sẵn.

Đối với khách hàng, để bảo vệ quyền lợi của mình, trước khi đăng ký tour, du khách cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn các công ty có uy tín, hoạt động có giấy phép, đúng chức năng. Du khách có thể tra cứu thông tin về giấy phép hoạt động của các đơn vị tổ chức tour tại website của Sở VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch. Trong trường hợp du khách gặp, hoặc có thông tin về việc công ty tổ chức du lịch không đảm bảo chất lượng dịch vụ như đã cam kết (chất lượng phòng nghỉ khách sạn, ăn uống, bảo hiểm...) nên báo với Thanh tra du lịch sở tại để tiến hành kiểm tra, can thiệp và xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: Thanh Thủy

Tin mới