Y tế, vệ sinh học đường: "Thiết yếu" trở thành... "thứ yếu"!

(Baonghean) - Phòng học, bàn ghế, nước uống, điện thắp sáng, nhà vệ sinh..., đó là những điều kiện thiết yếu đối với hệ thống các trường học. Thế nhưng, thực tế ở nhiều trường học những điều ấy đang trở nên thứ yếu!

 

Theo chân đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh về công tác vệ sinh trường học trên địa bàn Thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc, chúng tôi không khỏi "giật mình" trước những vấn đề được coi là thiết yếu hàng ngày của học sinh vẫn đang còn... "bỏ ngỏ".

 

Tại trường THCS Vinh Tân (phường Vinh Tân - TP.Vinh), tuy khuôn viên chật hẹp, nhưng được bố trí khá ngăn nắp, gọn gàng với ngôi nhà 2 tầng khang trang. Song, khi bước vào khu vực vệ sinh dành cho học sinh thì... "hết chỗ nói". Nhà vệ sinh được xây dựng ngay sát cổng vào chỉ 2 ngăn, 1 dành cho nam, 1 dành cho nữ (mỗi ngăn chiều rộng khoảng 3m được bố trí 2 hố tiêu và một bồn vệ sinh; trong khu vực vệ sinh không có đèn điện thắp sáng nên tối om, không có giấy vệ sinh. Do chật hẹp, với quy mô 373 học sinh trong khoảng thời gian 5 phút giải lao giữa các tiết học thì không đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Không chỉ chật chội, tối tăm mà còn rất bẩn. Một số học sinh cho biết, do quá bẩn nên các em thường phải "nhịn" đi vệ sinh tại trường. Phía ngoài khu vực vệ sinh chỉ có một vòi nước để rửa tay, không có xà phòng. Trong các phòng học, điện không đủ lượng ánh sáng cho học sinh học tập. Cô giáo Lê Thị Bích Hoài - Phó Hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận: "Do diện tích khuôn viên nhà trường chật hẹp và sắp tới sẽ chuyển đổi nên công trình vệ sinh mặc dù đã được xây dựng hàng chục năm nay vẫn phải dừng lại, không có chủ trương nâng cấp. Riêng điện thắp sáng, do kinh phí hạn hẹp nên nhà trường đã phải tiết kiệm một cách tối đa, kể cả hạn chế về bóng đèn".

 

Ở Trường Tiểu học Lê Mao - đơn vị đạt chuẩn Quốc gia mức độ II, đồng nghĩa là các công trình cơ sở hạ tầng bao gồm cả công trình vệ sinh đã được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa và hiện đại. Thế nhưng khu vệ sinh lại nhếch nhác, hôi hám không kém: không có giấy vệ sinh, không có vòi nước, không có xà phòng rửa tay. Các phòng học quá chật chội, theo quy định chuẩn thì phải 2 em/bàn, nhưng cơ bản bố trí 3 em/bàn, thậm chí nhiều lớp còn kê thêm bàn gần sát tận bảng đen. Bàn ghế không phù hợp cho từng độ tuổi. Hệ thống chiếu sáng không đảm bảo, bóng đỏ, bóng không.

 

Không riêng 2 trường học trên mà tại 11 trường học đoàn khảo sát đến tìm hiểu trên địa bàn Thành phố Vinh và Nghi Lộc, gồm 3 trường THCS, tiểu học, mầm non của xã Nghi Phú; 2 trường THCS và tiểu học phường Vinh Tân; 3 trường THCS, tiểu học, mầm non phường Lê Mao; 3 trường THCS, tiểu học, mầm non xã Nghi Long (Nghi Lộc), công trình vệ sinh chủ yếu đều xây dựng tự hoại nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích; bất cập trong sử dụng (bố trí quá xa phòng học gây khó khăn cho các em, nhất là khi trời mưa); đặc biệt là nhếch nhác và bốc mùi khó chịu, nhiều vết bẩn đóng lâu ngày do không có người chùi rửa (trừ Trường THCS Lê Mao là khá tốt).

 

Việc đảm bảo vệ sinh lớp học, khuôn viên nhà trường cơ bản là sạch sẽ, nhưng nhiều trường chưa có thùng đựng rác để thu gom và đảm bảo vệ sinh, chủ yếu đang tập kết ở góc trường. Hệ thống chiếu sáng, có trường khi đoàn đến mới thông tin cho các giáo viên đứng lớp bật bóng đèn phòng học lên, và lượng ánh sáng cho các phòng học vẫn chưa đảm bảo, nhất là về mùa đông hay khi trời mưa gió các cửa sổ được đóng lại thì càng thiếu. Bàn ghế ngồi của học sinh, chưa đúng quy định theo từng cấp học (chênh lệch giữa tuổi của học sinh và kích thước bàn ghế). Điều đáng nói là ở 13/13 trường học mà đoàn tiến hành khảo sát đều là các trường đạt chuẩn quốc gia, đơn vị văn hóa mà đang còn như vậy thì các trường học chưa đạt chuẩn, chưa được công nhận đơn vị văn hóa thì tình trạng sẽ như thế nào?!

 

Theo kết quả kiểm tra gần nhất cuối năm 2010 của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong tổng số 353 trường (180 trường tiểu học, 145 trường THCS, 28 trường THPT) được ngành tiến hành kiểm tra về các điều kiện vệ sinh học đường, kết quả cho thấy số trường đảm bảo diện tích phòng học đạt tiêu chuẩn chỉ có 60/180 trường tiểu học, 40/145 trường THCS, 26/28 trường THPT; số trường sử dụng bàn ghế đúng quy cách có 90/180 trường tiểu học, 80/145 trường THCS, 26/28 trường THPT; số trường có đủ nước uống cho học sinh đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh có 60/180 trường tiểu học, 50/145 trường THCS, 20/28 trường THPT; số trường có công trình hợp vệ sinh có 40/180 trường tiểu học, 30/145 trường THCS, 15/28 trường THPT... Đặc biệt, kết quả bất ngờ nhất là 100% trường học được kiểm tra đều có hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông gió phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành không đạt tiêu chuẩn!

Theo điều tra, nghiên cứu của các cơ quan chức năng và nhà khoa học do kính thước bàn ghế không phù hợp với chiều cao học sinh, tư thế ngồi, mang vác nặng (theo quy đinh với 40 kg trọng lượng cơ thể thì chỉ nên mang tương đương 1/10, thì nhiều học sinh tiểu học nặng chỉ 25 kg phải đeo cặp sách vở tới 4 kg), thiếu ánh sáng mà tỷ lệ học sinh Việt Nam bị mắc bệnh cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ từ 15 - 25%. Riêng bệnh cận thị học đường, kết quả nghiên cứu tại Thành phố Hà Nội và Hải Phòng thì tỷ lệ học sinh bị cận thị ở 2 địa phương đều có một "mẫu chung" là 36 - 37%. Tình trạng nhịn đại tiểu tiện ở học sinh đang khá phổ biển do nhà vệ sinh quá bẩn sẽ rất dễ mắc các bệnh táo bón, đường ruột và các bệnh liên quan đến đường tiểu và thận...

Mai Hoa

Tin mới