1 năm sau thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon (Hàn Quốc): Nỗi đau chưa thể nào nguôi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Theo hãng thông tấn Yonhap, 1 năm sau vụ chen lấn, giẫm đạp xảy ra ở quận Itaewon, Seoul (Hàn Quốc) khiến 159 người thiệt mạng, những người sống sót và gia đình các nạn nhân xấu số vẫn đang tìm kiếm sự thật đằng sau công tác ứng phó thảm họa và tìm cách khép lại nỗi mất mát.

AEN20231020007800315_04_i_P4.jpg
Tưởng nhớ các nạn nhân của vụ chen lấn, giẫm đạp trong đám đông gây chết nhiều người năm 2022 ở Itaewon, Seoul vào hôm 15/10 vừa qua. Ảnh: Yonhap

Vụ chen lấn, giẫm đạp trong đám đông là sự việc gây chết chóc nhất từ trước đến nay ở Hàn Quốc, xảy ra tại Itaewon - khu vực sôi động về đêm ở Thủ đô Seoul vào ngày 29/10/2022. Đó là một đêm thứ Bảy khi khoảng 100.000 người đổ về khu vực này để tổ chức Lễ hội Halloween.

Các nạn nhân bị chen lấn, giẫm đạp trong một con dốc hẹp có bề rộng chỉ chừng 3,2 mét, khi một đám đông ồ ạt tràn vào và chật kín lối đi, người này chen chúc với người kia. Vụ tai nạn này là thảm họa tồi tệ nhất mà đất nước này từng chứng kiến kể từ vụ chìm phà chở khách Sewol năm 2014 ngoài khơi bờ biển phía Nam khiến 304 người thiệt mạng.

Đối với những người sống sót và các tang quyến, thảm kịch từ 1 năm trước chưa thể nào nguôi ngoai.

Một bàn thờ tập thể treo chân dung của các nạn nhân thiệt mạng vẫn hiện diện ở một góc trên bãi cỏ công cộng trước Tòa thị chính Seoul, trong khi các gia đình của các nạn nhân xấu số tiếp tục kêu gọi thông qua điều luật đặc biệt giải quyết vụ tai nạn chết người.

Lee Jung-min, đại diện các gia đình cho biết: “Đã 1 năm trôi qua kể từ ký ức kinh hoàng ấy, nhưng không một sự thật nào được tiết lộ một cách thỏa đáng, trong khi vẫn chưa có ai bị trừng phạt”. Lee Jung-min cho rằng, thảm kịch đó đang nhanh chóng phai mờ khỏi ký ức của người dân. Lee đã mất đi cô con gái 28 tuổi của mình trong vụ việc đau lòng ở Itaewon.

"Những thứ mà mọi người được tận hưởng trong cuộc sống bình thường hàng ngày như hạnh phúc hay sự ấm áp đều đã không còn nữa đối với chúng tôi", người này cho hay.

AEN20231020007800315_02_i_P4.jpg
Một buổi lễ được tổ chức vào ngày 29/9, tưởng niệm các nạn nhân của vụ giẫm đạp, chen lấn năm 2022 tại trung tâm Seoul. Ảnh: Yonhap

Theo Yonhap, Lee và khoảng 100 gia đình tang quyến khác muốn thông qua luật đặc biệt yêu cầu một cuộc điều tra độc lập của luật sư về những gì đã xảy ra và ai chịu trách nhiệm về vụ việc chết người trước thời điểm cuối năm nay.

Hiện tại, các phiên tòa đang được tiến hành đối với nhiều quan chức cảnh sát, cứu hỏa và văn phòng phường bị truy tố về các tội danh liên quan đến ứng phó sơ cấp cứu và ứng phó thảm họa một cách cẩu thả, bao gồm cả Chánh Văn phòng phường Yongsan Park Hee-young và cựu Cảnh sát trưởng Lee Im-jae.

Các cuộc điều tra đã chỉ ra rằng, phần lớn trong 87 cuộc gọi khẩn cấp tìm kiếm sự giúp đỡ vào đêm xảy ra thảm kịch đã bị bỏ qua và không có biện pháp ngăn chặn thảm họa nào trước đó được thực hiện trong các Lễ hội Halloween đông người vào cuối tuần, cho thấy thảm kịch là "do con người gây ra".

"Chúng tôi hy vọng đạo luật này sẽ được thông qua trong năm nay để tìm ra sự thật đằng sau thảm kịch và giúp các nạn nhân, đặc biệt là những người không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ đáng kể nào, được bồi thường thỏa đáng", Cho In-young - một luật sư ủng hộ các tang quyến cho biết.

Thảm kịch đã khiến Hàn Quốc phải tự vấn về những gì đã xảy ra và những gì nên làm, và kể từ đó, chính phủ nước này đã đưa ra nhiều biện pháp an toàn để ngăn chặn một vụ tai nạn chết người tương tự tái diễn.

Theo các biện pháp nói trên, các chính quyền khu vực mới được yêu cầu đưa ra kế hoạch quản lý an toàn cho các lễ hội hoặc các sự kiện công cộng đông người khác sẽ được tổ chức tại quận của họ.

Nhằm khai thác công nghệ thông tin và truyền thông, một hệ thống giám sát quản lý đám đông cũng sẽ được thiết lập để theo dõi mật độ của đám đông thông qua camera giám sát và thông báo cho cảnh sát và lính cứu hỏa trong trường hợp có bất kỳ nguy hiểm nào.

Đến năm 2027, toàn bộ chính quyền cấp khu vực trên toàn Hàn Quốc sẽ được yêu cầu vận hành phòng tình huống thảm họa 24/7 và thay thế camera giám sát bằng camera AI hỗ trợ có khả năng giám sát đám đông.

AEN20231020007800315_01_i_P4.jpg
Gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đám đông chen lấn năm 2022 mặc niệm tại bàn thờ tập thể ở trung tâm Seoul vào ngày 16/10. Ảnh: Yonhap

Trước khi chính thức tròn 1 năm xảy ra thảm kịch, tuần này, các khách sạn, công viên giải trí và cửa hàng giảm giá đã quyết định từ bỏ hoạt động tiếp thị Halloween năm nay. Nhiều người tham gia Lễ hội Halloween cũng đang có kế hoạch chuyển hoạt động của họ sang một khu giải trí về đêm nổi tiếng khác gần Đại học Hongik thay vì Itaewon.

Chủ nhật tuần tới (29/10), các tang quyến có kế hoạch tổ chức một sự kiện tưởng niệm tập thể tại trung tâm Seoul, trong đó, có một cuộc tuần hành từ Itaewon đến Tòa thị chính Seoul và một cuộc biểu tình đông người vào buổi tối cùng ngày.

Song Hae-jin, mẹ của nạn nhân thứ 159 cho biết, bà muốn nhiều người tham gia lễ tưởng niệm ngày Chủ nhật để “an ủi lẫn nhau và suy nghĩ về những gì chúng ta có thể làm ở để không bị tổn thương lần nữa”.

Con trai của cô, một học sinh 16 tuổi, đã tự kết liễu đời mình trong lúc quá đau buồn trước cái chết của 2 người bạn mà cậu bé đã cùng đi đến Itaewon vào đêm xảy ra thảm kịch.

Lee nói: “Tôi muốn nhiều người hơn nữa đến thăm lại hiện trường vụ tai nạn và tưởng nhớ những người đã qua đời ở đó”.

Tin mới