Ba Lan bị cáo buộc che giấu thông tin về nghi phạm trong vụ nổ Dòng chảy phương Bắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Theo các nhà điều tra châu Âu, giới chức Ba Lan đã từ chối hợp tác trong cuộc điều tra quốc tế về vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc, và không tiết lộ bằng chứng quan trọng. 

ro-ri-khi-dot-8161.jpg
Rò rỉ khí đốt trên tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 ở ngoài khơi Bornholm, phía Nam Dueodde, Đan Mạch, ngày 27/9/2023. Ảnh: Reuters

Theo Ria Novosti, ngày 8/1 tờ Wall Street Journal dẫn lời các nhà điều tra châu Âu cho biết, các quan chức Ba Lan đã che giấu bằng chứng về sự di chuyển trên khắp đất nước của các nghi phạm trong vụ nổ đường ống dẫn khí của Dòng chảy phương Bắc.

"Theo các nhà điều tra, các quan chức Ba Lan đã chậm cung cấp thông tin và che giấu bằng chứng quan trọng về hoạt động trên lãnh thổ Ba Lan của những người bị cáo buộc là kẻ phá hoại" - Wall Street Journal cho hay.

Ấn phẩm cho biết, cuộc điều tra từ lâu đã có xu hướng đi theo kết luận rằng, cuộc tấn công vào các đường ống dẫn khí đốt được thực hiện từ lãnh thổ Ukraine qua Ba Lan. Tuy nhiên, việc Warsaw không hợp tác đã gây khó khăn cho việc xác định, liệu Chính phủ Ba Lan nhiệm kỳ trước có biết sự việc này hay không.

Wall Street Journal thông tin thêm, một số cơ quan an ninh địa phương của Ba Lan đã từ chối chia sẻ đoạn phim điều tra về các nghi phạm từ các CCTV. Ngoài ra, quan chức của một số cơ quan, trong đó có cả cơ quan an ninh nội bộ của Ba Lan "đã không đáp ứng các yêu cầu hoặc cung cấp thông tin mâu thuẫn nhau".

Trong khi đó, các nhà điều tra của Đức đã đợi ít nhất 2 tháng để có được cuộc gặp với các đồng nghiệp Ba Lan. Vì vậy, họ có ấn tượng rằng, người Ba Lan không sẵn lòng, hoặc không thể hợp tác.

Vụ nổ các đường ống dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu - Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy phương Bắc 2, xảy ra vào ngày 26/9/2023.

Sau các vụ nổ lớn đó, các chuyên gia đã phát hiện 4 vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2. Trong số này, hai vị trí nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và hai vị trí nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch. Các nước phương Tây và Nga đã đổ lỗi lẫn nhau về các vụ nổ.

Đức, Đan Mạch và Thụy Điển không loại trừ khả năng hành vi phá hoại có chủ đích. Nhà điều hành Nord Stream AG gọi đây là vụ phá huỷ chưa từng có, và cho biết không thể ước tính được khung thời gian để sửa chữa. Văn phòng Tổng công tố Nga đã mở vụ án hình sự về hành động khủng bố quốc tế./.

Tin mới