Bài 1: Đề án chậm ban hành!

(Baonghean) - Trong thời điểm hiện tại, trước những vấn đề về biến đổi khí hậu, thị trường... quan tâm tới việc phát triển cao su có thể sẽ có những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, phải khẳng định đây là một trong những mục tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh Nghệ An, được thể hiện rõ tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Vì vậy, rất cần được đánh giá chính xác về công tác triển khai thực hiện để rút ra những bài học, kinh nghiệm... Trước hết, có thể khẳng định mục tiêu đề ra của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về phát triển cao su là không thể đạt. Vậy đâu là nguyên nhân?
Gần hết nhiệm kỳ, kết quả thấp
Về các địa phương được quy hoạch phát triển cao su, tại một số vùng thuộc xã Thanh Đức (Thanh Chương), Phúc Sơn, Hoa Sơn, Hội Sơn (Anh Sơn), Tiền Phong (Quế Phong), cây cao su trong thời kỳ kiến thiết đã lên xanh, mở ra những triển vọng mới về phát triển kinh tế. Tại bản Châu Tam, xã biên giới Phúc Sơn, nơi 100% là đồng bào dân tộc Thái và có không ít người đã trở thành công nhân của Nông trường cao su 12 - 9, Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao su. Các chị Nguyễn Thị Kiều, Vi Thị Ba... cho biết: "Người dân chúng tôi từ bao đời nay chỉ làm nương, rãy để kiếm kế sinh nhai chứ biết làm gì hơn. Vì vậy, khi nông trường cần lao động, chúng tôi cũng tham gia để có thêm thu nhập...". Công việc của các chị là tham gia phát cây cỏ, đào hố..., sau mỗi ngày làm việc, họ được nông trường trả bình quân 150.000 đồng, tới đây sẽ được tuyển dụng vào làm công nhân chính thức. Còn theo Đội trưởng đội 3, Nông trường cao su 12 - 9, anh Nguyễn Đình Tùng thì toàn đội có xấp xỉ 50 công nhân, trong đó, 70% là người địa phương. Tất cả cán bộ, công nhân khi vào làm việc đều được ký kết hợp đồng, được hưởng mọi quyền lợi về bảo hiểm theo quy định của pháp luật, với mức lương bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Cây cao su 1 năm tuổi ở bản Na Bón, xã Tiền Phong (Quế Phong).
Cây cao su 1 năm tuổi ở bản Na Bón, xã Tiền Phong (Quế Phong).
Cũng tương tự, tại xã Tiền Phong, nhiều lao động địa phương đã thực sự gắn bó với cây cao su. Theo Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong, ông Lương Hiến Chương thì dự án cao su vào đất Tiền Phong từ năm 2012, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013. Dù có những vướng mắc ban đầu trong quá trình thực hiện, nhưng địa phương rất ủng hộ chủ trương của tỉnh, và người dân nhìn chung rất phấn khởi với dự án. Khi Dự án cao su triển khai, hàng trăm lao động địa phương có việc làm, có thu nhập. Trong số này, đã có trên 30 người được nông trường nhận vào làm công nhân, được hưởng đầy đủ các chế độ do Nhà nước quy định. Cùng cán bộ xã Tiền Phong ngược đỉnh Pù Mai (thuộc địa bàn các bản Tạng, Ná Nhắng, Na Cày) hoặc về các vùng đồi thuộc bản Na Bón, quả thực, cây cao su đang phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn đem lại những kết quả tốt đẹp.
Thực tế cho thấy, lãnh đạo các địa phương đặt niềm tin vào cây cao su, coi đó là cây chiến lược trên địa bàn. Bà Võ Thị Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn khẳng định: Dù có những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay, huyện Anh Sơn đã bàn giao cho đơn vị thực hiện dự án 2.100 ha/3.700 ha theo quy hoạch. Chúng tôi sẽ nỗ lực để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất. Mong muốn nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ trồng mới và quan tâm liên doanh, liên kết với các hộ để mở rộng diện tích cao su...". Ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, huyện đã bàn giao cho nhà đầu tư được 1.500 ha (gồm khu vực đất xã Thanh Đức và khu vực đất thuộc Tổng đội TNXP số 2 quản lý). Trên diện tích này, nhà đầu tư đã trồng được khoảng 600 ha, cây cao su hiện đang phát triển tốt, phần diện tích còn lại đang được phát cây cỏ, đào hố để trồng mới.
Thăm vườn cao su mới trồng của đội 3, Nông trường cao su 12 - 9 Anh Sơn.
Thăm vườn cao su mới trồng của đội 3, Nông trường cao su 12 - 9 Anh Sơn.
Dù triển vọng về cây cao su đã mở ra ở một số địa phương, nhưng diện tích phát triển vẫn chưa đạt như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tại nghị quyết, mục tiêu phát triển cao su đã nêu rõ, phấn đấu đến năm 2015, Nghệ An sẽ có 22.663 ha cao su, đạt sản lượng 8.200 tấn mủ khô/năm. Theo số liệu thống kê của ngành NN&PTNT cung cấp (do đoàn quy hoạch nông nghiệp và thủy lợi lập), đến hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 9.501 ha cao su, trong đó, diện tích kinh doanh là 3.987 ha, sản lượng mủ khô đạt 4.651 tấn. Diện tích cao su tại các địa phương cụ thể như sau: Thị xã Thái Hòa có 1.662 ha, Nghĩa Đàn 2.254 ha, Quỳ Hợp 1.436 ha, Tân Kỳ 2.446 ha, Quỳnh Lưu 48 ha, Thanh Chương 217 ha, Anh Sơn 1.026 ha, Quế Phong 300 ha, Quỳ Châu 108 ha, Yên Thành 4 ha. Trong 6 tháng đầu năm 2014, diện tích trồng mới cao su tăng thêm khoảng 700 ha, trong đó, Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An trồng mới được 670 ha (tại huyện Anh Sơn được 600 ha, huyện Quế Phong được khoảng 70 ha); Công ty TNHH MTV Nông - Lâm nghiệp Sông Hiếu trồng được khoảng 30 ha. Tổng diện tích cao su trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại đạt khoảng 10.200 ha. Để năm 2015 có 22.663 ha cao su, theo Quyết định 4183/QĐ-UBND, dự kiến trồng mới sẽ là 14.220 ha, trong đó, năm 2013 là 2.220 ha, năm 2014 là 6.000 ha, và năm 2015 là 6.000 ha. Với kết quả hiện tại đạt 10.200 ha, diện tích cao su trồng mới trên toàn tỉnh cần thực hiện so với mục tiêu nghị quyết phải là 12.463 ha. Với tiến độ như hiện nay, rõ ràng việc cán đích hoàn thành diện tích trồng cây cao su theo kế hoạch đề ra là điều không tưởng. Phải khẳng định rằng kết quả thực hiện kế hoạch trồng cây cao su trong thời gian qua đạt tỷ lệ rất thấp.
Đề án ra đời muộn!
Lần tìm các văn bản có tính pháp quy được ban hành sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, được biết, cho đến nay UBND tỉnh đã 2 lần ban hành các quyết định liên quan đến việc phát triển cao su. Lần thứ nhất vào ngày 19/9/2013, UBND tỉnh có Quyết định số 4183/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển cao su tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015; Lần thứ 2 vào ngày 17/1/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 193/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cao su tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020. 
Kỹ sư Hoàng Ngọc Luyện: Là một quyết sách đúng đắn của tỉnh. Tuy nhiên, đề án phát triển cao su đã chậm được thực hiện.
Kỹ sư Hoàng Ngọc Luyện: Là một quyết sách đúng đắn của tỉnh. Tuy nhiên, đề án phát triển cao su đã chậm được thực hiện.
Vậy là, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII có từ tháng 10/2010 mà sau gần 3 năm UBND tỉnh mới có đề án để phê duyệt. Tại sao lại có sự chậm trễ này? Theo kỹ sư Hoàng Ngọc Luyện - Phó trưởng đoàn quy hoạch nông nghiệp và thủy lợi (đơn vị chuyên môn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu lập đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cao su), cây cao su đã được Bộ NN&PTNT công nhận là cây trồng đa mục đích, có giá trị kinh tế cao, bền vững, chiếm vị trí quan trọng trong nền nông nghiệp, có thị trường rộng lớn và ổn định. Phát triển cây cao su sẽ góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm ổn định cho nguời lao động, xoá được đói nghèo, vì vậy, đây là một quyết sách đúng đắn của tỉnh. Tiềm năng phát triển cây cao su ở Nghệ An còn rất lớn, tuy nhiên, đề án phát triển cao su đã chậm được thực hiện.
“Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh đã triển khai một loạt đề án, nhưng hầu hết các đề án đều chậm được triển khai. Trong đó, ngành Nông nghiệp có các đề án về chè, cao su, đề án các cây, con chủ yếu ở miền núi..."- ông Luyện cho biết thêm.
Cũng với câu hỏi trên, theo ông Hồ Ngọc Sỹ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT thì đây là lỗi kỹ thuật, bởi trước Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1708/QĐ-UBND ngày 29/4/2009 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cây cao su. Ông Sỹ nói: "Sau Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, ngành NN&PTNT được giao lập một số đề án, trong đó có đề án về phát triển cao su. Thời điểm này tôi chưa về, nhưng sau này được biết, vì ngành thấy đã có đề án rồi, nghĩ vẫn còn giá trị thực hiện nên không cần thiết phải lập lại đề án mới, vì làm mới vừa mất thời gian, lại tốn kém kinh phí. Sau nửa nhiệm kỳ đại hội qua đi, khi tỉnh rà soát lại thì thấy cần thiết cần phải lập đề án cho quy củ, bài bản phù hợp với tinh thần của nghị quyết đại hội nên ngành đã làm lại trên cơ sở đề án cũ...". 
Người dân bản Châu Tam, xã Phúc Sơn (Anh Sơn) đã thực sự gắn bó với cây cao su.
Người dân bản Châu Tam, xã Phúc Sơn (Anh Sơn) đã thực sự gắn bó với cây cao su.
Dù lãnh đạo Sở NN&PTNT đã nói rõ nguyên nhân về việc chậm ban hành Đề án phát triển cao su theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ khóa XVII, nhưng dù gì thì việc chậm ban hành đề án đã ảnh hưởng tới kết quả thực hiện. Bởi, một đề án được ban hành từ nghị quyết đại hội, rõ ràng sẽ có tính sát thực và có tính hiệu lực thi hành cao. Và nếu đề án sớm được thực hiện, các cấp, ngành cùng các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ phải tập trung vào cuộc quyết liệt. Chúng tôi đã có các chuyến công tác tại các địa phương Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quế Phong..., thấy rằng, trong nhiều khó khăn khiến mục tiêu đại hội về phát triển cao su không thể đạt có nguyên nhân bởi hầu hết các giải pháp thực hiện, các cơ chế, chính sách đã đề ra tại Quyết định 4183/QĐ-UBND chưa được thực hiện. Nắm bắt tình hình ở những địa phương này, trong công tác đất đai, vốn, kỹ  thuật đều ít nhiều gặp khó khăn, vướng mắc.
(Còn nữa)
P.V

Tin mới