Bài toán tái thiết Gaza: Không thể chỉ giải quyết "phần ngọn"

(Baonghean) - Hội nghị quốc tế về tái thiết Gaza diễn ra tại Ai Cập (ngày 12/10) với sự tham dự của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki Mun và các quan chức đến từ 30 nước. Đây là cơ hội được trông đợi để khôi phục lại “cuộc sống” tại dải Gaza sau cuộc chiến 50 ngày với  Israen đồng thời tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, hỗ trợ tài chính để tái thiết Gaza chỉ là biện pháp giải quyết “phần ngọn” của vấn đề. 

Công cuộc tái thiết Gaza có thể phải mất hàng thập kỷ. 	Ảnh AP
Công cuộc tái thiết Gaza có thể phải mất hàng thập kỷ. Ảnh AP

Vấn đề tái thiết Gaza đang trở thành mối quan tâm chính sau khi dải đất này ngưng tiếng súng nhờ thỏa thuận ngừng bắn đạt được hôm 26/8 vừa qua. Việc Israel tiến hành chiến dịch không kích mang tên "Bảo vệ biên giới" hôm 8/7 và kéo dài 7 tuần sau đó nhằm vào Dải Gaza, đã thực sự đẩy nền kinh tế nơi đây tới bờ vực sụp đổ hoàn toàn với số người thất nghiệp tăng vọt, nạn đói diễn ra mọi nơi do sản xuất đình đốn trong khi nguồn cung lương thực, thực phẩm không ổn định. Hầu hết cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, đường xá tại Gaza đều đã bị phá hủy. Theo ước tính của Chính phủ Palestine thì công cuộc tái thiết Dải Gaza sẽ tiêu tốn 7,8 tỷ USD. Trước mắt, chính quyền Palestine đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ 4 tỷ USD cho các dự án tái thiết cơ sở hạ tầng cũng như cung cấp hàng cứu trợ cho người dân tại Dải Gaza. Trong bối cảnh như vậy, Hội nghị quốc tế giúp tái thiết Gaza do Mỹ phát động và Ai Cập cùng Na Uy đồng tổ chức thực sự là một hành động cấp thiết.  Hiện, Mỹ đã cam kết hỗ trợ 118 triệu USD để tái thiết Gaza. Ngoài ra các quốc gia châu Âu và Vùng Vịnh cũng sẽ có những đóng góp đáng kể tại hội nghị  lần này. Tuy vậy, khoản tiền tài trợ của quốc tế sẽ giúp người dân Gaza vượt qua “thảm kịch” hiện nay như thế nào và liệu nó có mang lại một cuộc sống bình yên và ổn định cho họ, thì vẫn là những câu hỏi còn nhiều hoài nghi.

Theo tổ chức Oxfam, có thể phải mất hàng thập kỷ thì số tiền đã cam kết tại hội nghị các nhà tài trợ mới đến được tay những người dân Gaza. Bởi lẽ bất kỳ nỗ lực tái thiết nào cũng bị hạn chế từ lệnh phong tỏa của Israel - vốn áp đặt kể từ khi nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas nắm quyền vào năm 2007. Israel hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại, lưu thông đối với người và hàng hóa tại biên giới Gaza, đặc biệt là việc nhập khẩu xi-măng và vật liệu xây dựng vào Gaza, vì sợ rằng các chiến binh sẽ sử dụng chúng để xây dựng bệ phóng tên lửa và củng cố đường hầm vốn bị phá hủy sau các cuộc tấn công xuyên biên giới. Chính vì thế theo Oxfam, nếu những lệnh phong tỏa này không được dỡ bỏ, có thể phải mất hơn 50 năm để xây dựng 89.000 ngôi nhà mới, hơn 200 trường học mới, cũng như các cơ sở y tế, các nhà máy và cơ sở hạ tầng mà mọi người ở Gaza cần. Thực tế cho thấy, 5 năm trước, các nhà tài trợ quốc tế đã tập trung ở Ai Cập, cũng giống như những gì họ làm bây giờ, cam kết viện trợ hàng tỷ đô la để tái thiết Gaza sau cuộc chiến tranh năm 2009. Và 5 năm sau, hơn một nửa trong số những ngôi nhà bị phá hủy vẫn chưa được xây dựng lại do hạn chế mà Israel áp đặt. Một thách thức nữa đặt ra là với dân số 1,8 triệu người, Gaza là dải đất ven biển đông dân cư nông thôn và đất nông nghiệp vốn vẫn còn mang những vết sẹo của những cuộc chiến trước đó. Vì vậy, hầu hết các tòa nhà mới sẽ chỉ bù đắp cho sự thiếu hụt nhà ở hiện tại, chứ không phải để giải quyết thiệt hại từ cuộc chiến vừa qua.
Cũng theo ước tính, nếu như Israel dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa Dải Gaza, thì tiến trình tái thiết cũng phải mất đến 5 năm để hoàn tất. Không ai có thể đảm bảo rằng trong thời gian ấy, chiến sự không nổ ra và Gaza lại trở thành một chiến trường. Nhiều nhà tài trợ thật sự thấy “mệt mỏi” với các hoạt động “ xây lên” rồi lại “ đập đi” tại Gaza. Các nước đều thấy những dự án cơ sở hạ tầng mà họ đã đóng góp cho Gaza trong các cuộc xung đột trước đó, lại tiếp tục bị phá hủy gần đây. Vì thế, giới quan sát cho rằng, viện trợ cho Gaza là cần thiết vào lúc này, nhưng một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, chấm dứt sự phong tỏa, mới mang lại hòa bình lâu dài cho dân thường tại Gaza.
Đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải có những hành động để bảo đảm rằng đây là lần cuối cùng phải xây dựng lại Gaza, và cần có một cách tiếp cận dài hạn nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hàng thập kỷ tại khu vực này. Tuy nhiên, có vẻ như điều này sẽ không dễ thực hiện khi một giải pháp lâu dài và duy nhất để Gaza ổn định và phát triển là một thỏa thuận chính trị giữa Palestin và Israen, nhưng các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian hòa giải này vẫn đang tiếp tục bế tắc.
Thanh Huyền

Tin mới