Báo động hệ thống xử lý môi trường các cơ sở y tế

(Baonghean) - Hiện nay, hệ thống xử lí môi trường của các cơ sở y tế Nghệ An đang xuống cấp trầm trọng, các chỉ số độc hại vượt quá hàng chục lần cho phép.

Hệ thống xử lý nước thải chung của các cơ sở y tế tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa cũ ở phường Hưng Dũng (TP. Vinh) được sử dụng để thu gom, xử lý nước thải cho các bệnh viện: Ung bướu Nghệ An, Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An; Trung tâm Huyết học - Truyền máu và Trung tâm Pháp y. Hệ thống này đang được giao cho Bệnh viện Ung bướu Nghệ An quản lý, vận hành.

Theo đúng quy trình, nước thải bệnh viện được thải ra theo các mương thoát về bể lọc thô để lấy rác, sau đó đến bể sục khí oxy rồi mới chuyển vào 4 bể hợp khối để xử lý bằng vi sinh và cuối cùng nước được chuyển vào bể khử trùng, điều hòa để thải ra hệ thống kênh Bắc. 
Các bể hợp khối thuộc khu xử lý nước thải do Bệnh viện Ung bướu Nghệ An quản lý đã xuống cấp, không đảm bảo chức năng.
Các bể hợp khối thuộc khu xử lý nước thải do Bệnh viện Ung bướu Nghệ An quản lý đã xuống cấp, không đảm bảo chức năng.
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống này đang xuống cấp trầm trọng. Hệ thống thu gom nước thải và nước mặt đang trộn lẫn vào nhau. Một phần thoát nước thải thoát trực tiếp ra hệ thống thu gom nước mặt. Một số vị trí, nước mặt tràn vào hệ thống thu gom của nước thải.
Ngoài ra, hệ thống thu gom nước thải ở đây không có độ dốc đồng đều do quá trình đầu tư không đồng bộ, dẫn đến nước thải nhiều điểm khó chảy.
Bể điều hòa xuống cấp trầm trọng.
Bể điều hòa xuống cấp trầm trọng.
Hố ga cũ ở các bể phốt sâu hơn hố ga mới đầu tư cải tạo năm 2007 dẫn về trạm xử lý nên một lượng chất rắn lơ lửng sẽ đọng lại tại các hố ga, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn do lượng bùn quá lớn ở một số hố ga.
Bên cạnh đó, các thiết bị máy móc xử lý cũng đã xuống cấp. Bể điều hòa được xây chìm bằng bê tông, hông có hệ thống lược rác thô cũng như lược rác tinh dẫn đến tình trạng rác dễ quấn vào bơm làm hỏng bơm.
Hệ thống thoát khí hiện tại của bể bị nứt vỡ. Đặc biệt, tại 4 thiết bị hợp khối cấu tạo bằng thép đen đang trong tình trạng han gỉ, các vách ngăn đã bị ăn thủng, trong tình trạng biến dạng.
Để có thể cố định, giữ nguyên hiện trạng, các thiết bị này được gia cố tăng cứng bằng khung giằng rất tạm bợ. Hệ thống xử lý trong các bể hợp khối – thành phần được xem là “trung tâm” cho cả hệ thống xử lý nước thải bệnh viện không đảm bảo để xử lý. “Đệm vi sinh trong các thiết bị hợp khối đã mục hỏng hoàn toàn, vi sinh bản địa phần lớn đã chết. Do đó, các chất gây ô nhiễm trong thải không bị phân hủy nên nước thải ra không đảm bảo tiêu chuẩn”,  anh Nguyễn Công Khánh, phụ trách Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, cho biết.
Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường, các thông số để đảm bảo chất lượng nước khi thải ra môi trường đều không đảm bảo: chất sunfua (S2) vượt quy chuẩn cho phép 12,87 lần; Amoni (NH4+) vượt quy chuẩn cho phép 14 lần; Phophat (PO43-) vượt quy chuẩn cho phép 10,46 lần. Tổng số vi khuẩn coliforms vượt 22 lần...
Các bể hợp khối bị han gỉ, mục nát.
Các bể hợp khối bị han gỉ, mục nát.
Ông Bạch Hưng Cử, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN – MT cho biết: Nước thải bệnh viện được xả thải ra môi trường xử lý không đạt yêu cầu, các chất độc hại, vi sinh vật gây hại trong nước thải sẽ xâm nhập vào môi trường, tạo thành tác nhân gây nhiều bệnh cho con người như: tiêu hóa, các bệnh ngoài da…
Tiến sỹ Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết: Bệnh viện cũng mong muốn khắc phục hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên gặp khó khăn về kinh phí. Đơn vị đã làm nhiều tờ trình xin ý kiến để giải quyết vấn đề hệ thống xử lý nước thải. Sau khi được phê duyệt kinh phí hỗ trợ, bệnh viện sẽ xây dựng phương án xử lý vấn đề này.
Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An đóng tại phường Nghi Thu (Thị xã Cửa Lò),  Bệnh viện có 5 khoa với  200 giường bệnh nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý rác thải và nước thải.
Ông Bạch Hưng Cử cho biết: “Hiện nay, tỉnh đã trình Bộ TN&MT về danh mục các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng năm 2014. Sau đó, Bộ TN&MT trình Thủ tướng phê duyệt. Trung ương sẽ hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện xử lý môi trường tại các cơ sở trên, góp phần khắc phục khó khăn về kinh phí thực hiện”.
Nhật Lệ

Tin mới