Bất an khi qua sông tại bến đò Phuống (Thanh Chương)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Dù đã từng được cảnh báo nhiều lần, thậm chí đã có trường hợp từng rơi xuống sông Lam, tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn tại bến đò Phuống, huyện Thanh Chương vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Bến đò Phuống, nối 2 xã Thanh Yên và Thanh Giang là một trong những tuyến giao thông đường thủy quan trọng trên địa bàn huyện Thanh Chương. Bến đò này phục vụ nhu cầu đi lại không chỉ người dân 2 xã mà còn các địa phương lân cận như Thanh Lương, Thanh Khai, Thanh Xuân…

Bến đò Phuống là một trong những điểm giao thông đường thủy quan trọng trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh: Q.A

Bến đò Phuống là một trong những điểm giao thông đường thủy quan trọng trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh: Q.A

Hàng ngày, số người qua lại trên bến đò Phuống khá đông, tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, bến đò vẫn còn những tồn tại.

Khi lên thuyền để qua đò, dù trên thuyền có trang bị áo phao nhưng các chủ đò và người qua đò ít hoặc không mặc áo phao. Điều đáng nói, bến đò Phuống còn từng là bến đò từng được Ủy Ban An toàn giao thông quốc gia và Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An làm điểm trong việc phát áo phao miễn phí, phát động người dân đi đò mặc áo phao cứu sinh.

Bên cạnh đó, điểm lên xuống của bến đò chỉ được dựng bằng tấm ván thô sơ, mỗi khi đò cập bến, tấm ván luôn chòng chành, phải cột chặt vào các thanh chống. Người lên xuống đò phải vững tay lái nếu không có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào.

Người dân lên xuống đò chỉ qua một tấm ván thô sơ và hầu như không mặc áo phao an toàn trong suốt quá trình di chuyển. Ảnh: Q.A

Người dân lên xuống đò chỉ qua một tấm ván thô sơ và hầu như không mặc áo phao an toàn trong suốt quá trình di chuyển. Ảnh: Q.A

Ngoài ra, tình trạng sạt lở tại bến đò vẫn chưa được khắc phục. Tuyến đường ra đò trên địa phận xã Thanh Yên vẫn còn lầy lội khi trời mưa gió, không có đèn điện khi lên đò vào ban đêm. Tuyến đường lên xuống đò trên thuộc địa phận xã Thanh Giang dù đã được nâng cấp tuy nhiên có độ dốc lớn, khả năng trơn trượt trong mùa mưa rất cao.

Không những thế, theo quy định, mỗi chuyến đò chỉ được chở tối đa 12 người/chuyến, tuy nhiên theo quan sát, có những thời điểm, số lượng người trên đò gấp đôi con số trên. Điều này khiến con thuyền vượt quá tải trọng.

Thực tế, đã có những trường hợp người và phương tiện rơi xuống sông Lam tại đò Phuống. Trường hợp gần đây nhất vào ngày 19/11/2020, anh T.V.K, xã Thanh Giang, là người lái đò, khi chuẩn bị chở khách qua sông đã bị rơi xuống sông Lam, tử vong.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Hữu Chương - Chủ tịch UBND xã Thanh Yên cho biết: Chính quyền địa phương 2 xã Thanh Yên và Thanh Giang thường xuyên cắt cử lực lượng kiểm tra, nhắc nhở vấn đề đảm bảo an toàn khi đi qua đò, đặc biệt là việc mặc áo phao và chở đúng lượng người theo quy định. Tuy nhiên, có một số thời điểm các chủ đò chưa thực hiện nghiêm túc, địa phương sẽ có biện pháp xử lý vấn đề này.

Tình trạng sạt lở bờ sông Lam, đoạn qua đò Phuống diễn ra liên tục trong những năm qua. Ảnh: Q.A

Tình trạng sạt lở bờ sông Lam, đoạn qua đò Phuống diễn ra liên tục trong những năm qua. Ảnh: Q.A

"Đối với tình trạng đường xuống cấp, cuối năm 2022, xã Thanh Yên đã đề xuất với UBND huyện Thanh Chương hỗ trợ kinh phí để nâng cấp tuyến đường ra đò trên địa bàn. Ngoài ra, để chống sạt lở, hàng năm, địa phương đều tổ chức trồng cây chống xói lở bên bờ sông. Nếu muốn khắc phục triệt để tình trạng này thì phải tiến hành xây dựng bờ kè, tuy nhiên, việc này địa phương không đủ thẩm quyền và kinh phí để thực hiện", ông Chương nhấn mạnh.

Việc nâng cấp, siết chặt các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông qua bến đò Phuống vẫn là mong mỏi của người dân nơi đây./.

Tin mới