Bí thư bản đi đầu phong trào xóa bỏ thói trông chờ, ỷ lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đó là anh Vang Văn Muôn - Bí thư Chi bộ bản Can, xã Tam Thái, huyện Tương Dương. Để làm gương cho đảng viên và bà con, Bí thư bản Can luôn gương mẫu, trách nhiệm cao trong công việc. Anh cũng là người rất được bà con tin tưởng, nghe theo và lan toả mô hình mới, cách làm hay trong đời sống.
Từ cách làm của Bí thư Muôn, người dân bản Can biết tận dụng diện tích đất vườn để trồng các loại rau màu theo từng mùa vụ. Ảnh: May Huyền
Từ cách làm của Bí thư Muôn, người dân bản Can biết tận dụng diện tích đất vườn để trồng các loại rau màu theo từng mùa vụ. Ảnh: May Huyền

Tự thoát nghèo, làm giàu

Hơn 5h, cái nắng cuối hè nơi miền non cao đã sáng cả thung lũng Piêng Pạng. Tiếng máy thái, trộn thức ăn cho vật nuôi trong vườn gia đình Bí thư Vang Văn Muôn đã rộn rã. Tay bám đầy cỏ, gạt mồ hôi lăn trên khuôn mặt, anh Muôn chia sẻ: “Với vai trò là Bí thư chi bộ, tôi luôn đau đáu làm thế nào để từng bước thay đổi thói trông chờ, ỷ lại, chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước của đảng viên và người dân; cổ vũ được tinh thần làm việc, sáng tạo của bà con nhân dân”.

Từ trăn trở đó, cấp ủy, ban quản lý bản nhiều lần họp bàn và thống nhất: Chỉ khi từng cán bộ bản đi đầu, làm trước, sau đó tích cực làm tốt công tác dân vận thì người dân mới có niềm tin để thực hiện theo.

Anh Vang Văn Muôn có 2 ao cá vừa cải thiện bữa ăn cho gia đình, vừa có cá bán ra thị trường và tạo nguồn nước cung cấp tưới tiêu, vệ sinh chuồng trại. Ảnh: May Huyền

Anh Vang Văn Muôn có 2 ao cá vừa cải thiện bữa ăn cho gia đình, vừa có cá bán ra thị trường và tạo nguồn nước cung cấp tưới tiêu, vệ sinh chuồng trại. Ảnh: May Huyền

Nói là làm, năm 2020 anh Vang Văn Muôn đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp VAC, ban đầu cũng lắm khó khăn, nguồn vốn ít, đầu tư nhỏ lẻ, kỹ thuật chăm sóc chưa tốt, nên vật nuôi phát triển chậm, chết vì dịch bệnh, gây thiệt hại nặng nề cho gia đình.

Với quyết tâm “còn người, còn của”, đầu năm 2020 anh mạnh dạn vay Ngân hàng Nông nghiệp 50 triệu đồng, cộng thêm vốn của gia đình đầu tư làm lại chuồng trại, cải tạo vườn theo hướng gia trại, chăn nuôi thương phẩm theo hình thức nuôi nhốt, trồng cỏ, chuối, sắn, lựa chọn rau màu các loại. Sau đó anh ngược xã trên, xuôi bản dưới để học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình.

Gia đình anh Muôn duy trì 35 - 40 con lợn thịt/lứa, 3 lứa/năm. Ảnh: May Huyền

Gia đình anh Muôn duy trì 35 - 40 con lợn thịt/lứa, 3 lứa/năm. Ảnh: May Huyền

Chỉ khi được đến tận nơi, xem những gì anh đã và đang làm mới thấy được nỗ lực “cởi bỏ rào cản trông chờ, ỷ lại” của bí thư Muôn và vì sao anh lại được nhân dân tin yêu.

Chỉ sau một thời gian, hơn 2.000m2 thung lũng cằn cỗi, bỏ hoang được bố trí hợp lý, khép kín, phủ một màu xanh của cỏ voi, hoa màu theo từng vụ mùa. Trong dãy chuồng sạch sẽ của anh luôn duy trì 11 -15 con bò vỗ béo, 2-3 con lợn nái gây giống, 35 - 40 con lợn thịt. Đồng thời, gia đình anh còn mở cửa hàng tạp hóa và chuyên thu mua hàng nông sản do người dân địa phương sản xuất, mỗi năm mang lại thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng.

Lan toả cách làm hay trong cộng đồng

Không chỉ tiên phong gương mẫu trong mọi lĩnh vực, Bí thư Muôn còn được biết đến là một người rất nhiệt tình hỗ trợ bà con dân bản xây dựng mô hình kinh tế hộ.

Chị Lô Thị Tâm phấn khởi cho biết: “Không chỉ gia đình tôi mà một số hộ trong bản cũng học Bí thư Muôn, được bí thư, cán bộ xã, bản đến tận C5 (xê năm - khu sản xuất) của gia đình để hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng cỏ, trồng rau xen canh, trồng sắn... Nay nhiều hộ đã biết chủ động khai hoang, mở rộng diện tích canh tác và chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng sắn, cỏ voi, rau màu, cây ăn quả theo chủ trương của cấp trên, nhiều hộ đã có vật nuôi, rau, quả các loại cải thiện bữa ăn và bán ra chợ phiên của xã”.

Toàn bản Can đã nhân rộng được 50ha sắn cao sản, mang lại thu nhập cho bà con nhân dân. Ảnh: May Huyền
Toàn bản Can đã nhân rộng được 50ha sắn cao sản, mang lại thu nhập cho bà con nhân dân. Ảnh: May Huyền

Sự chỉ đạo quyết liệt từ chi bộ, ban quản lý bản, đặc biệt là những đóng góp của Bí thư Muôn đã tạo sự đồng thuận trong bà con dân bản. Kinh tế của bản ngày một khởi sắc, bà con mạnh dạn tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao kỹ thuật, nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập từ 200-400 triệu đồng/năm. Điển hình như mô hình trồng sắn cao sản với 50ha, trong đó Chi hội phụ nữ bản thực hiện 5 ha; các mô hình nuôi lợn thịt, lợn nái từ 25-40 con của gia đình chị Mạc Thị Thanh, Lô Thị Tâm, Mạc Thị Thủy…

Nhờ các phong trào sản xuất, chăn nuôi, đoàn kết, đổi mới mang lại hiệu quả, 3 năm liền Chi bộ bản Can đạt danh hiệu Chi bộ tiêu biểu xuất sắc. Đồng chí Lang Văn Hiển – Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Thái tự hào nói: “Ghi nhận lớn nhất đối với đồng chí Muôn là đi đầu trong phong trào “xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại” trên tất cả các lĩnh vực. Đồng chí biết lựa chọn những nội dung trọng tâm, những chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân để truyền tải, gợi mở để các đảng viên trong chi bộ mạnh dạn tham gia ý kiến, tạo không khí dân chủ trong các cuộc họp. Nhờ đó, các công việc của bản đều đi đến thống nhất cao, đem lại cách nhìn, cách làm phù hợp góp phần tạo đồng thuận, tạo được niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”.

Tin mới