Bộ Công an đề xuất mở rộng diện cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bộ Công an cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; quy định về thủ tục cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong một số trường hợp đặc biệt cấp bách.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ đưa ra kết luận liên quan đến 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì, trong đó có dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Dự luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung đồng thời với việc xem xét đề nghị bổ sung các dự án này vào Chương trình kỳ họp thứ 5 tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 và phiên họp thứ 23 (tháng 5/2023).

Đề xuất theo quy trình 1 kỳ họp

Theo tờ trình của Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo quy trình một kỳ họp.

Hồ sơ đề nghị xây dựng dự luật này đã được Chính phủ xem xét, thông qua tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 với 4 nhóm chính sách.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/4. Ảnh: Phạm Thắng

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/4. Ảnh: Phạm Thắng

Một là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử.

Hai là tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ba là tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tình hình hiện nay.

Bốn là nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Nộp hồ sơ online, cắt giảm nhiều thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông

Đi vào nội dung cụ thể, dự luật bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với các thủ tục như đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông.

Đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, Bộ Công an đề nghị bãi bỏ quy định nộp bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất và bãi bỏ quy định nộp Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi.

Một nội dung đáng quan tâm khác là dự luật quy định thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm cả thông tin về “nơi sinh”.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, quy định về thủ tục cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong một số trường hợp đặc biệt cấp bách.

Dự luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 về đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn có thêm "người không được phía nước ngoài cho cư trú nhưng không thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về nhận trở lại công dân".

Một điểm mới nữa là dự luật quy định Bộ Công an chủ trì đề xuất đàm phán, ký kết các Điều ước quốc tế, Thỏa thuận quốc tế liên quan đến nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú.

Liên quan đến nội dung này, Bộ Công an đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng đề xuất đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú.

Phương án 2: Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đề xuất đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú.

Nội dung này đã được Văn phòng Chính phủ gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ, theo đó, đã có 17/26 thành viên Chính phủ đồng ý với phương án 1; 4/26 thành viên Chính phủ đồng ý với phương án 2; 5 thành viên Chính phủ chưa có ý kiến tham gia.

Như vậy, đa số thành viên Chính phủ đồng ý với phương án 1 và Bộ Công an đề nghị thực hiện theo phương án 1.

2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật Căn cước công dân (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 theo quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào chương trình.

Tin mới