'Bó hoa đẹp nhất' dành cho cán bộ y tế điều trị bệnh nhân COVID-19

(Baonghean.vn) - Với các cán bộ y tế đang thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch: Tinh thần quyết liệt chống dịch của người dân chính là "bó hoa đẹp nhất" dành cho họ trong ngày lễ 27/2 năm nay.
Mỗi ngày, Trung tâm...Ảnh: Thành Chung
Mỗi ngày, Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An đón rất đông bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch. Ảnh: Thành Cường

Tận lực, tận tâm vì người bệnh

Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An được kích hoạt hoạt động theo Quyết định số 362/QĐ-UBND ngày 15/2/2022 của UBND tỉnh Nghệ An; là tầng 3 theo mô hình điều trị “tháp 3 tầng”, thực hiện nhiệm vụ thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Trung tâm được đặt tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện HNĐK Nghệ An; do Sở Y tế quản lý. Trung tâm được hình thành trên cơ sở bộ máy, con người và kế thừa hoạt động điều trị COVID-19 của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trước đây. Quy mô của Trung tâm hiện tại có 100 giường bệnh với trên 100 cán bộ y tế cùng nhiều trang thiết bị hiện đại. 

Trung tâm quá tải, bệnh nhân phải nằm 2-3 người trên một giường. Ảnh: Thành Cường
Trung tâm quá tải, bệnh nhân phải nằm 2-3 người trên một giường. Ảnh: Thành Cường

Ở thời điểm này, dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trong cộng đồng. Mỗi ngày, Nghệ An ghi nhận trên 2.000 ca mắc; trong đó có những ca bệnh là người đang điều trị các bệnh khác, người có bệnh nền… Vậy nên, số người mắc COVID-19 nặng, nguy kịch là rất nhiều. Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An đang bị quá tải, với trên 230 bệnh nhân đang điều trị tại đây. 

Tại Trung tâm, người bệnh đang phải nằm 2, nằm 3 trên 1 giường. Bệnh nhân phải nằm cả ngoài hành lang. Hệ thống ô xy không đáp ứng đủ, các bác sĩ phải dùng cả bình oxy trực tiếp cho bệnh nhân thở. Tất cả các bệnh nhân khi vào đây đều trong tình trạng nguy kịch. Trong 1 buổi sáng đã có tới 3 bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ phải triển khai các biện pháp cấp cứu, kịp thời cứu sống bệnh nhân… Trong Trung tâm đã quá tải nhưng bệnh nhân từ tuyến dưới, tầng 1, 2 chuyển lên vẫn không ngừng.

Các bác sĩ phải dùng cả oxy bình trực tiếp cho bệnh nhân thở. Ảnh: Thành Cường
Các bác sĩ phải dùng cả  bình oxy trực tiếp cho bệnh nhân thở. Ảnh: Thành Cường

Để điều trị tốt, cứu sống các bệnh nhân, các cán bộ y tế của Trung tâm không một phút ngơi tay. Họ luôn ở trong trạng thái động: Thăm khám, tiêm chuyền, cho bệnh nhân thở máy, phẫu thuật… Vất vả, gian nan không thể nào kể hết. Bệnh nhân này chưa xử lý xong thì bệnh nhân khác cần phải can thiệp. Mỗi ngày, các cán bộ y tế ở đây phải làm việc 2 ca tương ứng 12 giờ, khối lượng công việc gấp 3-4 lần so với những đồng nghiệp ở bên ngoài. Họ thường xuyên tắm mồ hôi trong bộ đồ phòng hộ “nuôi ong”.

Các y bác sĩ luôn tay luôn chân với việc cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: Thành Cường
Các y bác sĩ luôn tay, luôn chân với việc cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: Thành Cường

Tiến sĩ Quế Anh Trâm, Phó Giám đốc Bệnh Nhiệt đới và Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An cho biết: Từ ngày 14/6/2021 đến nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (nay là Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An) đã điều trị cho trên 3.000 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh. Điều đáng mừng nhất là nhiều bệnh nhân rất nặng, tưởng như khó qua khỏi đã được cứu sống, hồi phục sức khỏe. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19 thấp hơn nhiều so với trung bình chung của Việt Nam và Thế giới. Những bệnh nhân tử vong đều là những người mắc bệnh nền, cao tuổi, chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc-xin.

Liên tục xuất hiện các tình huống khẩn cấp, cần sự giúp đỡ của cán bộ y tế. Ảnh: Thành Cường
Liên tục xuất hiện các tình huống khẩn cấp, cần sự giúp đỡ của cán bộ y tế. Ảnh: Thành Cường

Cũng theo Tiến sĩ Quế Anh Trâm: Để đạt được những kết quả điều trị đó là nhờ có sự đầu tư, quan tâm rất lớn từ Tỉnh, Sở Y tế và Bệnh viện; bên cạnh đó còn là sự nỗ lực, cố gắng, hy sinh không biết mệt mỏi của bác sĩ. Tại Trung tâm, có rất nhiều tấm gương về sự tận tâm, tận lực vì bệnh nhân như bác sĩ Kiều Văn Dương (Khoa Nội Thần kinh), Ngô Văn Thiết (Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc), Phan Thanh Sơn (Khoa Sản)... Hay như bác sĩ Lê Văn Tài đang làm việc tại khu Âm (không điều trị cho bệnh nhân COVID-19) đã nằng nặc vác va ly xin vào điều trị ở khu dương để san sẻ, gánh vác mệt nhọc cùng đồng nghiệp mình.

Bác sĩ Bùi Tiến Hoàn bước ra khu điều trị bệnh nhân COVID-19 sau 8 giờ làm việc liên tục tại đây. Ảnh: BVCC
Bác sĩ Bùi Tiến Hoàn bước ra khu điều trị bệnh nhân COVID-19 sau 8 giờ làm việc liên tục tại đây. Ảnh: BVCC

Một trong những tấm gương sáng đó là bác sĩ Bùi Tiến Hoàn, Phó trưởng khoa Vi rút Ký sinh trùng, Trung Tâm Bệnh Nhiệt đới. Gần một năm nay từ khi dịch về Nghệ An, bác sĩ Hoàn hầu như ăn, ngủ tại khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của bệnh viện, giờ là Trung Tâm Hồi sức Tích cực số 1 điều trị COVID-19 Nghệ An. Vốn là một bác sỹ trẻ, đẹp trai, năng động, ham mê thể thao... Anh đã tự nguyện dấn thân từ bỏ đam mê cá nhân, chấp nhận sự “tàn tạ” về mặt ngoại hình. Cứ 3 tháng thì anh được về nhà mấy ngày rồi lại vào. Tất cả chỉ vì nhiệm vụ cao cả chăm sóc sức khỏe, cứu sống tính mạng bệnh nhân.

Và cả những niềm vui và nỗi buồn

Thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An, tất cả những gì là hỉ, nộ, ái, ố… các cán bộ y tế ở đây đều được nếm trải. Không có gì vui hơn khi giành giật được tính mệnh người bệnh từ tay tử thần; không có gì buồn hơn nhìn người bệnh từ từ ra đi dẫu cho mình đã cố gắng hết sức. Trong muôn vàn tình huống, cảm xúc, điều mà các cán bộ y tế ở đây sợ nhất đó là sự hiểu nhầm. 1 bác sĩ của trung tâm chia sẻ: Vất vả, hy sinh, cường độ làm việc cao, tiếp xúc nhiều mối nguy… chẳng là gì hết nếu so sánh với việc bị người bệnh, người dân chê trách, hiểu nhầm.

Rất nhiều bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: Thành Cường
Rất nhiều bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: Thành Cường

Một câu chuyện buồn vừa diễn ra: Có nữ bệnh nhân cao tuổi mắc COVID-19, trước khi vào viện đã cho cháu ngoại chiếc dây chuyền vàng song người nhà không biết. Bệnh nhân này đã không qua khỏi, dẫu các bác sĩ đã cố gắng hết sức cứu chữa. Khi nhận bàn giao di vật của bà, người nhà không thấy chiếc dây chuyền nên cho rằng y bác sĩ đã “lấy” chiếc dây chuyền vàng của bệnh nhân đã khuất…Trong suốt 2 tuần sau đó, các y bác sĩ ở Trung tâm đã lục tung tất cả các ngóc ngách để tìm kiếm, tổ chức họp kiểm điểm liên tục khi để xảy ra sự việc mất dây chuyền. Chuyện chỉ được sáng tỏ khi đứa cháu ngoại báo lại chuyện được bà cho sợi dây chuyền. Người nhà có gọi điện vào xin lỗi y bác sĩ… Thế nhưng lời xin lỗi đó đã không thể xóa hết “vết thương lòng”.

Và đã có những người đã tử vong, dẫu các bác sĩ đã hết lòng cứu chữa. Ảnh: Thành Cường
Và đã có những người đã tử vong, dẫu các bác sĩ đã hết lòng cứu chữa. Ảnh: Thành Cường

Còn rất nhiều câu chuyện buồn khác như việc chăm sóc cho bệnh nhân, y bác sĩ phải mặc đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chắn. Y bác sĩ nói nhỏ thì bệnh nhân không nghe, nói thật to để bệnh nhân nghe được thì bệnh nhân lại bảo “bác sĩ quát tôi à? Nói to thế à?”… Do tính chất dịch bệnh, Trung tâm không thể cho người nhà vào chăm bệnh nhân (ngoại trừ người nhà cũng là F0). Thế nên, câu chuyện gửi đồ tiếp tế, gửi “nhờ bác sĩ quan tâm hơn” cũng rất nhiều áp lực. Có người nhà đã gửi hàng chục kg thức ăn các loại cho bệnh nhân; có người suốt ngày gọi điện “nhờ bác sĩ” nhưng khi bác sĩ bận không thể nghe máy kịp thời thì nhắn tin đe dọa, khủng bố…

Áp lực luôn đè nặng lên các cán bộ y tế. Ảnh: Thành Cường
Áp lực luôn đè nặng lên các cán bộ y tế. Ảnh: Thành Cường

Trao đổi về câu chuyện này, các bác sĩ Trung tâm nhắn gửi: Nhân lực ở trung tâm không nhiều, luôn toàn tâm toàn ý để cứu chữa bệnh nhân. Việc người nhà liên tục gửi đồ vào khiến y bác sĩ mất rất nhiều công sức để vận chuyển. Ở Trung tâm, tất cả các bệnh nhân đều được đối xử công bằng như nhau. Chỉ có bệnh nhân nguy kịch hơn mới nhận được sự ưu tiên chăm sóc hơn. Khi gửi đồ, người nhà chỉ cần gửi 3 vật dụng, thực phẩm thiết yếu đó là “sữa, bỉm và chăn ấm”… Những thứ còn lại là không cần thiết, ở trong khu điều trị đã được Nhà nước, cán bộ y tế lo đầy đủ.

Phẫu thuật bắt con cho thai phụ mắc COVID-19. Ảnh: Thành Cường
Phẫu thuật bắt con cho thai phụ mắc COVID-19. Ảnh: Thành Cường

Đã có những con sâu làm rầu nồi canh; đã có những phút giây các cán bộ y tế Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An phải chạnh lòng vì ánh mắt nhìn của một số người dân đã đánh đồng tất cả. Nhưng rồi nỗi buồn cũng nhanh qua, bởi công việc nối công việc, còn có rất nhiều bệnh nhân cần giúp đỡ. Đại đa số người dân, người bệnh vẫn nhìn người cán bộ y tế với sự kính trọng, yêu thương…

Hàng trăm đứa trẻ đã ra đời an toàn, khỏe mạnh trong khu điều trị COVID-19. Ảnh: Thành Cường
Hàng trăm đứa trẻ đã ra đời an toàn, khỏe mạnh trong khu điều trị COVID-19. Ảnh: Thành Cường

Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam đã cận kề, chắc hẳn rằng những cán bộ y tế đang tận tâm, tận lực với với bệnh nhân COVID-19 của Trung tâm Hồi sức Tích cực số 1 Nghệ An chẳng thể nhận hoa chúc mừng. Và bản thân họ cũng không cần những bó hoa đó. Món quà họ mong mỏi nhất lúc này đó là tinh thần chống dịch của người dân. "Tinh thần quyết liệt chống dịch của người dân chính là bó hoa đẹp nhất" dành cho y, bác sĩ trong ngày lễ trọng.

Tiến sĩ Quế Anh Trâm bày tỏ: Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, mọi người hãy hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nhau. Nếu có tiếp xúc thì phải luôn đảm bảo 5K… Đã có những bệnh nhân cao tuổi bị tai biến mạch máu não, nằm một chỗ. Đáng lẽ cụ an toàn trước COVID-19 thế nhưng khi con cháu về thăm lại cởi khẩu trang ra và hỏi “Mẹ/bà ơi…?”. Thế rồi ít hôm sau, cụ dương tính với COVID-19 và phải vào đây./.

Tin mới