Bồi dưỡng, sử dụng cán bộ miền núi

(Baonghean) - Trong bức thư gửi cuối cùng gửi Đảng bộ, nhân dân Nghệ An ngày 21/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Để làm tốt việc định canh, định cư cho đồng bào dân miền núi, cần chỉ đạo chặt chẽ và có cán bộ tốt người dân tộc để vận động nhân dân”. Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ miền núi, các huyện trong khu vực cũng chủ động thực hiện nội dung này nên đội ngũ cán bộ miền núi đã có chuyển biến về số lượng và chất lượng.

Hướng dẫn bà con tái định cư Thủy điện Bản Vẽ thu hoạch măng bát độ.
Hướng dẫn bà con tái định cư Thủy điện Bản Vẽ thu hoạch măng bát độ.

Miền Tây Nghệ An gồm 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thị xã và 10 huyện, có diện tích 13.745 km2 chiếm 83,3% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, dân số hơn 1,3 triệu người, chiếm 37% dân số cả tỉnh. Vị trí vùng miền Tây cực kỳ quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế tại khu vực này trình độ dân trí nhìn chung còn thấp thua với các khu vực khác, đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế cả số lượng và chất lượng. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khu vực miền núi, đặc biệt là đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, năm 2006, Tỉnh ủy đã ban hành đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Năm 2011, BTV Huyện ủy Quế Phong đã ban hành, chỉ đạo thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cán bộ, công chức huyện Quế Phong giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo”.

Theo đó, Huyện ủy Quế Phong đã quy hoạch được đội ngũ BCH, BTV với tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm trên 55%. Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án, toàn huyện đã mở được 193 lớp bồi dưỡng cho 15.056 lượt cán bộ. Đối với đảng bộ 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn, do ảnh hưởng của công tác di dân tái định cư nên công tác cán bộ cũng có những biến động, huyện đã tập trung xây dựng quy hoạch cụ thể, rà soát có kế hoạch bố trí cán bộ nên hiện nay đã đảm bảo được số lượng, tiêu chuẩn, đội ngũ cán bộ trong vùng dự án phát huy tốt năng lực lãnh đạo, trách nhiệm chăm lo cho đời sống đồng bào. Đồng Chí Kha Văn Tám - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: “Trên cơ sở những kết quả đạt được của đề án, huyện tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung của đề án đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong đó, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có yêu cầu...”. 

Tại huyện Tương Dương, mặc dù còn khó khăn bởi thuộc huyện nghèo đang thực hiện chương trình 30a/CP của Chính phủ, nhưng Ban Thường vụ Huyện ủy đã có chiến lược rõ ràng về con người, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ cơ sở. Huyện ủy ban hành Đề án số 01- ĐA/HU ngày 12/1/2011 về “Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ xã, thị trấn, khối bản giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo”. Nhờ đó, đã có 209 cán bộ/KH 357 người được đào tạo bổ túc THPT, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước; cử 4.477 lượt cán bộ xã, thị, thôn bản tham gia lớp bồi dưỡng ngắn hạn... nhờ đó góp phần khắc phục tình trạng hạn chế về trình độ của cán bộ thôn, bản. 
Từ thực tiễn công tác, nhờ được các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ vùng miền núi, nên đội ngũ cán bộ khu vực này ngày càng tăng về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những tấm gương cán bộ của đồng bào vùng miền Tây “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” xuất hiện, trở thành điển hình, tạo sức lan tỏa để bà con học tập, noi theo. Đó là đồng chí Vừ Chông Pao, người 2 lần được gặp Bác, trở thành Anh hùng, “thủ lĩnh” của đồng bào Mông, có sức hút, sức vận động đối với đồng bào; đó là Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài, nguyên Giám đốc Lâm trường Con Cuông, những kinh nghiệm, bài học quý của ông đã trở thành phương châm, phương kế không chỉ cho đội ngũ cán bộ kế tục, mà còn cho toàn dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng; đó là gương sáng của ông Lữ Tất Thành, bản Huồi Cam, xã Nậm Nhoóng, vừa là đảng viên, vừa là “nhà dân vận” giỏi khi ông cùng với xã, bản vận động nhân dân làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới thành công.
Ông Thành còn là điển hình làm kinh tế giỏi với việc nuôi nhiều trâu bò, chăn nuôi gia cầm, nuôi cá với thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng và điều quan trọng nhất, ông Thành là người Khơ mú đầu tiên trong xã khai hoang trồng lúa nước thành công. Từ mô hình này, bà con các bản trong xã học tập, làm theo nên Nậm Nhoóng cơ bản đã tự túc được lương thực, góp phần bảo vệ tốt rừng đầu nguồn; đó là đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ Đàm Thiên Thương - người đưa cây chanh leo lên vùng đất Tri Lễ thành công, mở ra hướng đi thoát nghèo, làm giàu cho đồng bào. Từ cán bộ tăng cường, nay anh trở thành “người con của bản” với tất cả sự tận tâm. Tâm sự với chúng tôi, đồng chí Đàm Thiên Thương cho biết: Bà con còn hạn chế về kiến thức làm ăn nên rất cần đến mình. Mình giúp bà con, bà con ứng dụng thành công thì đó là niềm vui lớn nhất, niềm vui tâm huyết, trách nhiệm. 
Có thể nói, thực hiện lời di huấn của Người, Đảng bộ Nghệ An luôn coi trọng vấn đề phát triển vùng “dân tộc, miền núi”, coi đây là một trong những vùng chiến lược, nên vấn đề cán bộ được ưu tiên đặc biệt có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng. Miền Tây có thực hiện được mục tiêu thoát nghèo hay không và kinh tế - xã hội có phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế thì điều rất quan trọng tiên quyết là phải có đội ngũ cán bộ toàn vẹn đức, tài đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, thực hiện lời dạy trong thư của Người gửi cho Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà.
Hồng Sơn

Tin mới