'Cẩm nang' của công tác dân vận trong tình hình mới

(Baonghean) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò quần chúng nhân dân đã được thể hiện xuyên suốt trong hoạt động thực tiễn cách mạng của Người. Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và quan điểm về công tác vận động quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lĩnh vực hết sức rộng lớn, được Người đề cập trong nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết khác nhau.

Trong đó tác phẩm "Dân vận" là một bài báo tiêu biểu và có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Có thể nói đây là "Cương lĩnh" về công tác dân vận của Đảng ta trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ảnh trên xuống, trái sang: Bác Hồ gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội (23/5/1957); Bác Hồ chụp ảnh cùng các đại biểu thanh niên tham gia Đại hội Đoàn toàn quốc lần III, tại Hà Nội, năm 1961; Bác Hồ đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở (7/1960). Ảnh tư liệu
Ảnh trái sang, trên xuống: Bác Hồ gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành nông nghiệp và đổi công toàn quốc tại Hà Nội (23/5/1957); Bác Hồ chụp ảnh cùng các đại biểu thanh niên tham gia Đại hội Đoàn toàn quốc lần III, tại Hà Nội, năm 1961; Bác Hồ đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở (7/1960). Ảnh tư liệu

Cách đây 70 năm, vào năm 1949, khi Việt Nam mới giành được chính quyền 4 năm, nhưng đã xuất hiện một bộ phận cán bộ có dấu hiệu quan liêu, xa dân, mất dân chủ; một số nơi chưa quan tâm đến công tác dân vận. Trong bối cảnh đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Dân vận” với bí danh X.Y.Z đăng trên báo Sự thật, số 120 ra ngày 15/10/1949.

Tiêu đề chỉ bằng 2 từ ngắn gọn: “Dân vận”, mở đầu bài báo Bác viết: "Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ, nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại".

Ở đây Bác nói “hiểu thấu” có nghĩa là phải hiểu được bản chất của vấn đề, hiểu cả nội dung lẫn hình thức, suy ra cán bộ đến với dân thì phải thấu hiểu được lòng dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và phải hiểu được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận.

Với 573 từ, bài báo chia thành 4 phần, (phần mở đầu: Nước ta là nước dân chủ; phần thứ hai: Dân vận là gì; phần thứ ba: Ai phụ trách dân vận; phần thứ tư: Dân vận phải thế nào).

Bài "Dân vận" của Bác đã thể hiện một cách toàn diện, đã nêu ra một cách khá đầy đủ nội hàm của khái niệm dân vận, nội dung quy trình của công tác dân vận. Nghiên cứu cả 4 vấn đề đó chúng ta càng hiểu một cách sâu sắc, đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Những vấn đề Bác nêu trong bài báo thực sự dễ hiểu, dễ nhớ, ai cũng có thể tự liên hệ đến trách nhiệm của mình đối với công tác vận động quần chúng.

Bác viết: “Nước ta là nước dân chủ: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra; Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh thăm mô hình trồng bơ của gia đình ông Trần Hưng Đạo, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh thăm mô hình trồng bơ của gia đình ông Trần Hưng Đạo, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Từ luận điểm đó, Bác đặt ra vấn đề đối với người cán bộ cách mạng, dù bất cứ ai nhất thiết phải làm dân vận, phải xem trọng dân vận. Cuối bài, Bác viết hai câu dứt khoát: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.“Việc gì cũng kém” suy ra là thất bại, là sẽ không còn gì nữa; “Việc gì cũng thành công” cũng có nghĩa dân vận tốt là yếu tố thành công của cách mạng.

Từ đó rút ra: Dân vận là vấn đề chiến lược của Đảng, là phương thức vận động, tồn tại phát triển của Đảng. “Dân vận kém” và “Dân vận khéo” quyết định đến vận mệnh mất còn của chế độ.

Lời Bác năm xưa, bây giờ thật sự là một lời cảnh báo nghiêm khắc đối giai đoạn hiện nay! Trên cơ sở những luận điểm đó vấn đề “phải chăng, một thước đo cơ bản hiệu quả của công tác dân vận chính là lòng dân, lòng tin của dân đối với chế độ, đối với Đảng, các cơ quan chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị -xã hội, đối với đảng viên, cán bộ viên chức gắn với thái độ, năng lực hành xử công việc, với phẩm chất đạo đức cá nhân”, chứ không phải chủ yếu là những thành tích, những con số vượt chỉ tiêu này nọ.

Hội thảo 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Hội thảo 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhìn vào thực trạng hôm nay, không phải không thiếu gì những cái tốt được nhân dân ghi nhận - chứng tỏ thành quả của công tác dân vận của toàn hệ thống chính trị, nhưng cũng có những sự việc khiến lòng dân bất bình.

Bởi thế nên mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với dân bị tổn thương. Nạn tham nhũng, quan liêu lãng phí, nạn chạy chức, chạy trường, chạy điểm, chạy án… đang hoành hành khiến dân sa sút niềm tin.

Chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nông dân trong vấn đề đền bù, bồi thường đất đai hay quy hoạch dự án, dự án treo khiến người dân không đồng tình. Một khi lòng dân không yên, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị, xã hội với dân giảm sút thì không thể nói dân vận tốt được.

Trong bài viết, Bác nêu một câu hỏi mang tính thời sự: “Ai làm công tác dân vận?”. Bác cũng giải đáp ngay: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh...) đều phải phụ trách dân vận”. Nghĩa là toàn hệ thống chính trị phải làm dân vận.

Phân tích, thấy nổi rõ 2 vấn đề:

Thứ nhất: tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, không trừ một ai, trong hệ thống chính trị đều phải phụ trách (làm) dân vận. (Đảng lúc bấy giờ không ra công khai, nên đảng viên được hiểu ngầm dưới danh nghĩa là cán bộ đoàn thể).

Thứ hai: Tuy Bác không đặt vấn đề ai phụ trách chính, còn ai phụ, nhưng không phải vô tình hay ngẫu nhiên, Bác nêu cán bộ chính quyền trước tiên. Bởi lẽ cán bộ chính quyền nếu không chú trọng làm công tác dân vận trong thực hiện chức năng quản lý kinh tế - xã hội của mình, hoặc quan liêu tham nhũng, gây phiền hà dân, hoặc ra nhiều chủ trương, chính sách không hợp lòng dân, thì cho dù đoàn thể có ra sức làm dân vận, thì công tác này của toàn hệ thống chính trị vẫn không hiệu quả.

Bác phê bình cán bộ cách đây 70 năm mà tưởng chừng như đối với chúng ta ngày nay: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to rất có hại".

 Bác nêu: “Cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng cùng nhau chia công việc rõ rệt…”. “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.

Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc rút kinh nghiệm, phê bình khen thưởng”.

Với những ý Bác nêu trên, có thể khái quát và đúc kết thành phương thức, phương châm tổng quát về công tác dân vận trong điều kiện Đảng cầm quyền: Đó là sự phối hợp đồng bộ nhất quán giữa quản lý nhà nước của chính quyền với công tác tuyên truyền vận động phong trào quần chúng của các đoàn thể chính trị nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng lợi ích, quyền lợi của nhân dân theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận đều phải theo lời Bác dạy: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Lãnh đạo phường Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai) trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân khối 9. Ảnh tư liệu: P.V
Lãnh đạo phường Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai) trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân khối 9. Ảnh tư liệu: P.V

Để làm tốt công tác dân vận trong thời gian tới cần giải quyết tốt 3 vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về công tác chính trị, tư tưởng phải làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức tầm quan trọng chiến lược của công tác dân vận theo những luận điểm tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải tạo ra cơ chế buộc mọi cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận, xử lý nghiêm khắc mọi hành vi, việc làm phản dân vận.

Thứ hai, phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", cán bộ phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, luôn vì lợi ích của nhân dân; luôn đi đầu trong các phong trào, trong đó có phong trào thi đua "Dân vận khéo”. Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.

Thứ ba, phong trào thi đua "Dân vận khéo” phải đứng trên quan điểm, lợi ích của nhân dân, đó là yếu tố quan trọng để phát huy nội lực trong nhân dân và làm nên sức sống bền vững của phong trào.

Phương pháp dân vận phải tốt, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để giải quyết những vấn đề phát sinh, bức xúc, nổi cộm từ cơ sở.

Chú trọng công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; cả hệ thống chính trị vào cuộc, có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện ở từng địa phương, đơn vị. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng trong phong trào thi đua "Dân vận khéo”.

Tin mới