Căn bệnh 'đoàn kết xuôi chiều'

(Baonghean.vn) - Mặc dù Đảng ta đã đổi mới lề lối, phong cách làm việc theo hướng khoa học, sát thực tế, mở rộng dân chủ nhưng hiện tượng “đoàn kết xuôi chiều” vẫn còn phổ biến. Đó là căn bệnh đáng báo động trong tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên hiện nay.

Đoàn kết xuôi chiều là hiện tượng im lặng, không dám đấu tranh hoặc do nể nang, né tránh, “thỏa hiệp”, phụ họa theo ý kiến của lãnh đạo, của người đứng đầu, không dám thể hiện chính kiến của mình, sợ mất lòng, sợ va chạm, sợ bị đánh giá là không ủng hộ cấp trên. Có khi biểu quyết đạt tỷ lệ 100%; tưởng chừng như “đoàn kết, thống nhất rất cao” nhưng thực sự đó chỉ là theo ý kiến của lãnh đạo hoặc người đứng đầu, không phải là ý kiến thực chất của cả tập thể.

Mặc dù Đảng ta đã đổi mới lề lối, phong cách làm việc theo hướng khoa học, sát thực tế, mở rộng dân chủ nhưng hiện tượng “đoàn kết xuôi chiều” vẫn còn phổ biến. Đó là căn bệnh đáng báo động trong tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên hiện nay.

Có những cuộc sinh hoạt, những vụ việc thiếu dân chủ, thiếu bàn bạc kỹ lưỡng trước khi thống nhất, quyết định... Từ đó dễ nảy sinh các hiện tượng như: Thiếu thống nhất, chạy theo thành tích, mất đoàn kết nội bộ, tiềm ẩn hình thành nhóm lợi ích, tác động tiêu cực đến tư tưởng và tâm lý xã hội.

Trong thực tế, có nhiều khi sự đoàn kết xuôi chiều rất nguy hiểm và tai hại. Khi làm quy hoạch, đề bạt, luân chuyển cán bộ, khi quyết định một vấn đề quan trọng, nhạy cảm, thấy không ổn mà vẫn “im lặng là vàng”, chiều lòng lãnh đạo. Điều này rất nguy hiểm, nhất là những địa phương, đơn vị có người đứng đầu thiếu tâm đức, thiếu minh bạch, vụ lợi. Có những vị còn dùng đủ các “thủ thuật” rất tinh vi: Những vấn đề “nhạy cảm” thường sắp xếp đưa ra khi hội nghị sắp kết thúc, nội dung đưa ra vắn tắt, không đầy đủ, chọn người phát biểu đầu tiên biết chắc là “ăn theo, nói leo” để người sau ngại nếu nói sai khác, hoặc vì lý do nào đó, những người hay phát biểu thẳng thắn vắng mặt, hoặc lấy “sự chặt chẽ của quy trình” để hợp thức hóa, áp đảo, hoặc biểu quyết bằng cách giơ tay thay vì bỏ phiếu kín,... Thực chất đó là “dân chủ giả hiệu”, thâu tóm quyền lực, độc đoán, chuyên quyền, là sự lừa dối có mục đích.

Ai cũng biết đoàn kết tạo ra sức mạnh vô địch. Nhưng đó là đoàn kết đoàn kết thực sự. Muốn có đoàn kết thực sự thì phải phát huy dân chủ, thực hiện tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc. Trong đó, những ý kiến nêu lên đều xuất phát từ thực tiễn, có tính chất xây dựng và được tôn trọng.

Trong Quy định số 37-QĐ/TW được ban hành ngày 25-10-2021, với 19 điều đảng viên không được làm, có hai điều hoàn toàn mới, là Điều 3 và Điều 13. Trong đó Điều 3 quy định đảng viên không được "phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng". Như vậy, những thành viên cấp ủy, thành viên lãnh đạo cũng chịu phần trách nhiệm trong việc thiếu đoàn kết, xây dựng, đấu tranh để bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, thỏa hiệp với những cá nhân cơ hội, trục lợi.

Căn bệnh “đoàn kết xuôi chiều”, thực chất là dân chủ hình thức, nó làm suy yếu, được ẩn dưới vỏ bọc “đúng quy trình”, “đúng quy định”, “dân chủ”, làm tổn hại đến sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nó cũng chính là căn nguyên dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, làm xói mòn và giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Để khắc phục “bệnh đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”, trong Đảng phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao năng lực làm chủ và trách nhiệm đối với hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng, tích cực đầu tư suy nghĩ, bàn bạc, xây dựng chủ trương, nghị quyết, tránh tư tưởng vô cảm, bàn quang, xuôi chiều, chiếu lệ.

Cần có những quy định cụ thể về người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, đề cao trách nhiệm nêu gương, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; tự phê bình và phê bình; khuyến khích, cầu thị, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, kể cả những ý kiến trái chiều. Tạo ra không khí tranh luận thẳng thắn, xây dựng.

Đối với những công việc hệ trọng, cần công khai, minh bạch, tôn trọng ý kiến của quần chúng nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đoàn kết là sức mạnh vô địch của Đảng ta. Trong Di chúc, trước hết Bác nói về Đảng và giành phần nhiều nhất, trong đó, Người tập trung vào hai vấn đề lớn là đoàn kết của Đảng và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Có thể gọi đó là những điều cốt tử.

Tin mới