Cần hơn sự đồng hành, thấu hiểu với cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Vào đầu tháng 8/2023 này, Thường trực Tỉnh ủy sẽ tổ chức gặp mặt, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền 460 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Báo Nghệ An ghi lại 1 số ý kiến của cán bộ cơ sở trước thềm đối thoại này. 

Ý kiến - Nguyễn Văn Khiêm-mobile.png

Nghi Kim là xã ven đô của thành phố Vinh. Trong định hướng phát triển đối với các xã ven đô, trong đó có xã Nghi Kim, đó chính là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa, cung ứng cho thị trường thành phố Vinh và các khu công nghiệp xung quanh. Đồng thời, tạo những “vành đai”, “lá phổi” xanh cho thành phố, vừa tạo sự cân bằng về sinh thái, vừa thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế du lịch sinh thái, trải nghiệm canh nông, thương mại, dịch vụ.

Hiện nay, toàn xã Nghi Kim có gần 180 ha đất nông nghiệp, trong đó, có gần 30 ha bàu sâu không sản xuất được. Muốn phát huy lợi thế về diện tích nông nghiệp và bàu sâu, sớm hiện thực hóa quy hoạch phát triển xã ven đô Nghi Kim, nếu chỉ dựa vào “thực lực” của xã thì rất khó, vì vậy, đề nghị tỉnh cùng thành phố Vinh đồng hành, hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng giao thông kết nối, hệ thống tưới tiêu, điện phục vụ sản xuất; gắn với thu hút các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các mô hình du lịch sinh thái, canh nông trải nghiệm…

bna_ MH Lãnh đạo xã Nghi Kim, Thành phố Vinh động viên người dân đầu tư mở rộng, phát triển mô hình kinh doanh hoa, cây cảnh. Ảnh Mai Hoa.jpg
Lãnh đạo xã Nghi Kim (thành phố Vinh) động viên người dân đầu tư mở rộng, phát triển mô hình kinh doanh hoa, cây cảnh. Ảnh: Mai Hoa

Cùng với đó, tỉnh cũng cần nghiên cứu đầu tư xây dựng hồ điều hòa trên gần 30 ha bàu sâu nhằm tạo điểm nhấn về cảnh quan, vừa điều hòa không khí cho thành phố vừa xử lý tốt nguồn nước thải từ phía Bắc thành phố đổ về.

* * * * *

Ý kiến - Đặng Văn Thân -mobile.png

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những yếu tố khó khăn riêng về điều kiện tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, đây là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế riêng; đặc biệt, độ che phủ rừng lớn với hệ sinh thái cùng với bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số đặc sắc (từ trang phục, tập quán sinh hoạt, sản xuất, không gian văn hóa, ẩm thực, yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc rất riêng…). Đây là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế du lịch.

Song hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn. Dù có nhiều tiềm năng du lịch, như ở xã Môn Sơn, ngoài hệ sinh thái rừng, sông, suối, bản sắc văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số, còn có đập Pha Lài, Khu Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Nhà cụ Vi Văn Khang (nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên vùng miền Tây tỉnh Nghệ An), có dòng sông Giăng chảy qua, có tộc người Đan Lai sinh sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát… và các sản phẩm nông nghiệp, thủ công truyền thống đa dạng, phong phú; nhưng thời gian qua cơ bản chưa khai thác, phát huy để phục vụ phát triển kinh tế du lịch.

Cùng với nguyên nhân hạ tầng giao thông yếu kém, thì việc đầu tư đang mang tính tự phát, nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình và chủ yếu đang khai thác “thô”, sử dụng tài nguyên sẵn có, hướng đến mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, mà chưa có đầu tư mang tính chuyên nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên khá - giàu từ du lịch.

bna_1.JPG
Bản Búng, xã Môn Sơn. Ảnh: H.T

Từ thực tiễn, đề nghị tỉnh nghiên cứu có giải pháp căn cơ “vực dậy” vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở lợi thế vùng. Cụ thể, đối với xã Môn Sơn, đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối; thu hút các nhà đầu tư đủ mạnh gắn với có cơ chế hỗ trợ các hộ dân phát triển du lịch bền vững; đồng thời, tháo gỡ “rào cản”, cho phép đưa một số diện tích vùng đệm Vườn Quốc gia Pù mát vào phục vụ phát triển kinh tế du lịch.

Khi có chiến lược và cách làm cụ thể, quyết liệt trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương gắn với liên kết vùng, chắc chắn sẽ tạo ra bước thay đổi và bước phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

* * * * *

Ý kiến - Nguyễn Công Sơn -mobile.png

Thứ nhất, hiện nay, yêu cầu về trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng cao và nhiệm vụ cũng đang khá nặng; trong khi đó, việc sắp xếp, tinh giản đội ngũ tiếp tục đặt ra. Bởi vậy, thực tiễn đang đặt ra một số vấn đề đề nghị tỉnh tháo gỡ cho cơ sở. Cụ thể, Quyết định số 80/QĐ-UBND, ngày 28/12/2021 của UBND tỉnh về quy định cơ cấu chức danh công chức xã, phường, thị trấn; trong đó có quy định số lượng công chức đối với đơn vị hành chính xã loại 2 như xã Quỳnh Văn tổng là 8 công chức và chức danh công chức văn hóa - xã hội được bố trí 1 người. Với xã địa bàn rộng hơn 1.500 ha và quy mô dân số hơn 16.000 dân mà chỉ bố trí 1 chức danh, khó để công chức hoàn thành nhiệm vụ do khối lượng công việc lớn.

Thứ hai, bên cạnh bố trí cơ cấu chức danh công chức bất cập, để “đi tắt, đón đầu” việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và xã giai đoạn 2023 - 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương tạm dừng việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức và bổ sung cấp ủy, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với cấp huyện và cấp xã. Điều này dẫn đến một số cơ sở đang thiếu một số chức danh, số lượng cán bộ, công chức như xã Quỳnh Văn chưa thể bổ sung. Bởi vậy, đề nghị tỉnh sớm hoàn thiện đề án sắp xếp, bố trí lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã để các địa phương có cơ sở kiện toàn, bổ sung cấp ủy và các chức danh cán bộ, công chức còn thiếu, hoàn thiện bộ máy hoạt động.

Cùng với đó là quan tâm có chính sách nâng chế độ đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và khối, thôn, xóm.

Cuối cùng, việc ban hành Quy định 08-QĐ/TU, ngày 15/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là một chủ trương đúng đắn, đã từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tuy nhiên, qua 02 năm triển khai thực hiện, vẫn còn một số bất cập, nhất là đối với chi bộ nông thôn như việc chấm điểm theo thang quy định ở một số nội dung chưa phù hợp, mang tính hình thức. Đề nghị Tỉnh ủy nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại chi bộ nông thôn./.

bna_anh_1__viet_hung6399950_472020.JPG
Người dân xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) vào mùa thu hoạch cà gai leo. Ảnh: Việt Hùng

Tin mới