Cảnh giác với luận điệu của tổ chức Phóng viên không biên giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đến hẹn lại lên, đầu tháng 5/2023, tổ chức Phóng viên không biên giới (tiếng Pháp: Reporters sans frontières, viết tắt là RSF) đã đưa ra cái gọi là Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2023 .

Theo đó, các nước như: Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nga, Iran, Syria… tiếp tục bị xếp ở đáy bảng xếp hạng. Đây là điều dường như hiển nhiên vì RSF là tổ chức phi chính phủ luôn có cái nhìn định kiến đối với các quốc gia không thân Mỹ và phương Tây.

Bảng xếp hạng quy chụp, thiếu thực tiễn

Theo đó, RSF xếp thứ hạng của Việt Nam tiếp tục ở nhóm cuối và là “hiện đang thuộc nhóm các quốc gia cần nâng mức độ cảnh báo cao về tình hình tự do báo chí”. RSF cũng đưa ra khuyến cáo các nước cần đề nghị Việt Nam phải có lộ trình cải thiện tình hình “tự do tôn giáo” như một điều kiện bắt buộc nếu muốn tham gia hoặc tham gia sâu vào các lĩnh vực mà chúng ta có nhu cầu, thế mạnh.

Tuy nhiên, những nhận định của RSF đưa ra lại hoàn toàn phiến diện, quy chụp, thiếu thực tế. Tổ chức này không đưa ra được bất cứ bằng cứ có tính xác thực nào ứng với các tiêu chí được họ đưa ra. Vẫn chỉ là những quy kết vô căn cứ như nhiều năm trước. Những người được tiếp cận để công bố thông tin thường chỉ là một nhóm người có những bất đồng với nhà nước sở tại về quan điểm, đường hướng hoạt động báo chí hoặc đã, đang bị bắt, xử lý vì hành vi vi phạm liên quan. Đó cũng là lý do khiến các bản thông cáo hàng năm của RSF ít gây chú ý tới và được đánh giá là “bài cũ soạn lại”, nhằm mục đích tấn công, hạ bệ chính giới nào đó chứ không phải đưa ra những chỉ số khách quan, trung thực. Tất cả chỉ là những dữ liệu mang tính những suy đoán, phỏng đoán và sai lệch.

Bản đồ xếp hạng năm 2023 của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF).

Bản đồ xếp hạng năm 2023 của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF).

Trong khi đó, diện mạo và thực tiễn đời sống báo chí, tự do báo chí tại Việt Nam đang phản ánh những bước tiến đáng ghi nhận. Việt Nam đã, đang tham gia và nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình về vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị định, hiệp ước quốc tế, khu vực liên quan trên nền tảng đó.

Việt Nam đã chủ động, sáng tạo và đầy trách nhiệm trong việc cụ thể hóa quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng bằng văn bản pháp lý. Tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tại Việt Nam, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân. Đảng, Nhà nước ta luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để quyền tự do báo chí được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Thực tế, chỉ có ở Việt Nam, mọi người dân được thoải tham gia các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, TikTok… mà không gặp bất cứ sự cản trở nào. Mỗi người được tiếp cận các nguồn thông tin một cách đa chiều và khách quan bày tỏ quan điểm của mình trên các nền tảng thông tin truyền thông. Lợi dụng sự “thoải mái” này, không ít cá nhân đã đăng tải, đưa các thông tin sai sự thật lên mạng xã hội gây hoang mang trong dư luận, quần chúng nhân dân. Trong đó, có những kẻ gây phương hại cho an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, vi phạm luật pháp Việt Nam. Những trường hợp như thế đều phải đấu tranh, xử lý theo quy định pháp luật.

Khác với nhiều quốc gia khác, người dân Việt Nam không bị hạn chế khi tham gia các mạng xã hội.
Khác với nhiều quốc gia khác, người dân Việt Nam không bị hạn chế khi tham gia các mạng xã hội.

Nâng cao cảnh giác để không bị lợi dụng

Thực chất, RSF và nhiều tổ chức “dân chủ”, “nhân quyền” khác đều là những "tổ chức ngoại vi" của Mỹ và phương Tây với mục đích khuấy đảo nền chính trị của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các tổ chức này tự cho mình là tiếng nói của toàn cầu, để đánh giá và “hạ bệ” các nước không theo phương Tây hoặc có chiều hướng đối lập về tư tưởng.

Thông qua các “bảng xếp hạng” hàng năm, các thế lực thù địch triệt để sử dụng chiêu trò “nội công, ngoại kích”. Một mặt, chúng tuyển lựa, đào tạo, hỗ trợ các “con buôn dân chủ” trong nước tiến hành những hoạt động công kích Đảng, Nhà nước, các cơ quan chính quyền dưới vỏ bọc “nhà báo tự do”, “phóng viên tự do”. Mặt khác, các thế lực bên ngoài thường xuyên rêu rao về tính tuyệt đối của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, kích động các giá trị dân chủ quá đà “nhân quyền cao hơn chủ quyền” và đồng thời, gây sức ép, đưa ra các bản báo cáo, phúc trình, xếp hạng có nội dung sai sự thật về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam; vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam, cho rằng, Việt Nam không có tự do báo chí, không có tự do ngôn luận.

Việc xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam nói chung và việc thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận nói riêng không phải là mới. Đây là kịch bản cũ thường xuyên được các cá nhân, tổ chức chống đối thực hiện. Thông qua việc vu cáo Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, các thế lực thù địch đã tìm cách hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Thực chất, đây là một thủ đoạn trong cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin.

Các nhà báo đang tác nghiệp. Ảnh minh họa: Tư liệu
Các nhà báo đang tác nghiệp. Ảnh minh họa: Tư liệu

Hiện nay, nhiều tờ báo, đài ở nước ngoài chống phá Việt Nam đang duy trì hoạt động. Cùng đó, nhiều tổ chức, cá nhân thù địch còn lập ra hàng ngàn trang web để lan truyền những thông tin sai trái, độc hại. Mỗi ngày có hàng trăm bài viết, hình ảnh, video clip xuyên tạc, bóp méo, bôi đen về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, thời gian gần đây, các thế lực dùng trí tuệ nhân tạo để "sáng tạo" các bài viết, hình ảnh xuyên tạc; sau đó, triệt để lợi dụng các hội, nhóm trên mạng xã hội để lan truyền thông tin xấu, độc. Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm mà cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn và người dân cần nâng cao cảnh giác.

Trước thực tế đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá để tuyên truyền, giải thích cho người thân và nhân dân hiểu rõ bản chất sự việc. Từ đó, hình thành thói quen chọn lọc, phân tích mỗi khi tiếp nhận thông tin để không bị lợi dụng biến thành cái “loa” của các thế lực thù địch./.

Tin mới