'Cây sáng kiến' của ngành may Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Được làm việc, phát triển trong một môi trường lao động luôn tôn vinh, khuyến khích sự rèn luyện, sáng tạo, anh Phạm Văn Kiên - đoàn viên Công đoàn Công ty CP May Minh Anh (Đô Lương) đã nỗ lực vươn lên, trở thành một điển hình lao động giỏi.

Từ thợ may vươn lên trưởng nhóm công nghệ

Trong 5 năm làm việc tại Công ty CP may Minh Anh (Đô Lương), anh Phạm Văn Kiên - Trưởng nhóm công nghệ và cải tiến đã luôn mày mò, nghiên cứu và cho ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần giảm chi phí, đem lại năng suất cao trong sản xuất.

Hầu như sáng nào cũng vậy, anh Phạm Văn Kiên luôn là một trong những người đến sớm nhất công ty. Trước giờ vào ca, anh tranh thủ kiểm tra nội dung công việc trong ngày, phân công công việc cho từng người trong nhóm, sau đó mới bắt tay làm việc cùng mọi người.

Anh Phạm Văn Kiên là một trong những lao động sáng tạo tiêu biểu của Công ty Cp May Minh Anh Đô Lương. Ảnh: Lê Lai
Anh Phạm Văn Kiên là một trong những lao động sáng tạo tiêu biểu của Công ty Cp May Minh Anh Đô Lương. Ảnh: Lê Lai

Sinh năm 1989, ở xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, học hết cấp 3, anh Kiên ở nhà làm ruộng, năm 2015, sau khi học may, anh vào làm ở Công ty CP may Minh Anh Kim Liên. Năm 2017, anh chuyển về làm ở công ty cổ phần may Minh Anh Đô Lương.

Thông minh, cần cù, chịu khó trong công việc, từ một thợ may, anh Kiên được chọn đi đào tạo sau đó về làm ở nhóm công nghệ, chuyên về mẫu mã và cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Trong quá trình làm việc, anh luôn xuống tận các tổ, các phân xưởng để nắm bắt, lắng nghe ý kiến của mọi người, nghiên cứu quy trình làm việc của máy móc, từ đó để nghiên cứu, cải tiến khắc phục những tồn tại, hạn chế, làm lợi cho người lao động và công ty.

Thời điểm hiện tại, anh Kiên đang cùng mọi người trong nhóm tập trung nghiên cứu, cải tiến công đoạn gá túi, dán nắp túi và chắp phối ngang thân trước. Cải tiến công đoạn này không chỉ giúp công nhân tiết kiệm được thời gian, mà còn nâng cao chất lượng, độ thẩm mỹ của các sản phẩm...

Cách đây không lâu, chính anh cũng đã mày mò, nghiên cứu, cải tiến công nghệ hãm chun bằng máy kansai, một công đoạn mà các nhà máy may khác đều phải làm bằng thủ công, lắp chun vào sản phẩm bằng tay, làm rất tốn thời gian, không có tính thẩm mỹ. Việc cải tiến công nghệ hãm chun bằng máy kansai đã giúp rút ngắn được thời gian, giảm số lượng người làm, các sản phẩm lại có độ đẹp và chính xác hơn.

Chị Nguyễn Thị Hằng ở Tổ may 6 cho biết: Từ khi công nghệ hãm chun bằng máy kansai được áp dụng, chị và mọi người ở đây đỡ vất vả rất nhiều, các sản phẩm được hoàn thiện một cách nhanh chóng, đều và đẹp.

Trong 5 năm làm việc tại công ty, anh Phạm Văn Kiên đã có nhiều sáng kiến, cải tiến công đoạn trong quy trình sản xuất như: “cữ gá sắt 2 trong 1” vừa chắp, viền hàng áo chần bông, cải tiến công đoạn “gá dán túi tròn áo mưa” sử dụng “máy lập trình”; cải tiến công đoạn may nhám và quay lộn nẹp thân trước; cải tiến công đoạn gá túi, dán nắp túi, chắp phối ngang thân trước...

Ngoài ra, anh còn tham gia đội, nhóm, tạo ra nhiều cải tiến khác với giá trị tiết kiệm lên đến hàng trăm triệu đồng; tham gia Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động...

Khi được hỏi về bí kíp sáng tạo, anh khiêm tốn: “Để có được sáng kiến tốt, bản thân phải luôn tâm huyết với công việc, gắn bó, coi công ty là nhà của mình, từ đó trăn trở, suy nghĩ từ thực tế sản xuất để tìm ra cái được và cái chưa được, rồi từ đó sáng chế, cải tiến tính năng, công dụng của từng máy móc. Mỗi khi có được một sáng kiến cải tiến được áp dụng, tôi lại cảm thấy rất vui vì mình đã góp phần mang lại sự tiện lợi, năng suất làm việc cho công nhân, đồng thời, đem lại lợi nhuận cho công ty”.

Để có được những thành tích đáng nể trên, ít ai biết rằng, anh Kiên đã phải rất nỗ lực. Nhà cách công ty 12 km, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại còn phải chăm con còn nhỏ, không phải ai cũng có thể cùng lúc sắp xếp công việc gia đình ổn thỏa và đảm bảo nhiệm vụ ở công ty như anh.

Anh Kiên làm việc cùng các đồng nghiệp. Ảnh: Lê Lai
Anh Kiên làm việc cùng các đồng nghiệp. Ảnh: Lê Lai

Chị Lê Thị Hà - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP may Minh Anh Đô Lương cho biết: “Mặc dù không được đào tạo bài bản, nhưng với nghị lực, tính thông minh, chịu khó học hỏi, tìm tòi, anh Phạm Văn Kiên đã nghiên cứu cải tiến được nhiều công đoạn trong sản xuất, góp phần làm lợi cho công ty rất lớn. Ngoài ra, đồng chí luôn tích cực tham gia các phong trào do công ty, công đoàn phát động như phong trào văn nghệ, thể thao, phong trào thiện nguyện…”.

Yêu nghề, luôn tận tụy và sáng tạo trong công việc, hòa đồng, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ mọi người, hàng năm, anh Phạm Văn Kiên đều được lãnh đạo công ty khen thưởng, ghi nhận. Những ngày cuối năm 2022 này, anh có thêm một niềm vui lớn: Anh là 1 trong 30 cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì “Đã có nhiều thành tích trong lao động, sản xuất năm 2022”, được chọn đi dự Chương trình “Ngày hội công nhân - Chào Xuân Quý Mão 2023” do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức nhân dịp “Tết Sum vầy 2023. Với những gì đã và đang làm, anh hoàn toàn xứng đáng với sự vinh danh này.

Xây “nôi” cho sự sáng tạo

Chia sẻ về “bí kíp” của sự sáng tạo, anh Phạm Văn Kiên khẳng định thêm: “Trong công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày, muốn tiến xa hơn, nhanh hơn thì nhất định phải cố gắng nỗ lực học hỏi từ đồng nghiệp, cấp trên. Thành quả mà tôi có được một phần lớn là vì tôi được cống hiến trong một tập thể luôn tôn vinh sự sáng tạo, khích lệ, động viên người lao động vươn lên, vượt qua chính mình”.

Một buổi đào tạo nội bộ của Công ty CP may Minh Anh Đô Lương. Ảnh: CSCC
Một buổi đào tạo nội bộ của Công ty CP may Minh Anh Đô Lương. Ảnh: CSCC

Quả thật, tại Công ty CP may Minh Anh Đô Lương, phong trào lao động giỏi, lao động, sáng tạo rất được lãnh đạo và công đoàn công ty quan tâm, hỗ trợ. Chị Lê Thị Hà - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP may Minh Anh Đô Lương cho biết: “Công ty nói riêng và tập đoàn nói chung thường xuyên tổ chức các khóa nâng cao tay nghề, các cuộc thi tay nghề giỏi và sẵn sàng tạo điều kiện cho người lao động học hỏi thêm một cách vô tư nhất. Phong trào này được xây dựng nhiều năm nay và năm nào chúng tôi cũng tìm ra được những nhân tố mới để khen thưởng, tôn vinh. Sự sáng tạo đó không chỉ mang về lợi ích cho doanh nghiệp mà còn là niềm tự hào, là cơ hội cho người lao động. Không chỉ tôn vinh vào các dịp tổng kết, lễ, Tết, người lao động còn được biểu dương, thưởng nóng ngay tại thời điểm hoàn thành sáng chế”.

Cũng theo chia sẻ của chị Hà, 2 năm gần đây Công đoàn công ty còn tổ chức Hội thi “Tôi là số 1” để tạo sân chơi cho những đoàn viên, người lao động có tay nghề giỏi. Nếu như lao động, sáng tạo tôn vinh những đoàn viên nhiều sáng chế như anh Kiên thì hội thi tay nghề sẽ tôn vinh những lao động chăm chỉ, thành thạo, năng suất cao.

Người lao động sôi nổi so tài trong cuộc thi "Tôi là số 1". Ảnh: CSCC
Người lao động sôi nổi so tài trong cuộc thi "Tôi là số 1". Ảnh: CSCC

“Sự tôn vinh, ghi nhận người lao động một cách phù hợp, kịp thời sẽ là động lực để người lao động nỗ lực hơn trong lao động, sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải thừa nhận sự tôn vinh này mới rầm rộ ở phạm vi doanh nghiệp.

Thời gian tới, Công đoàn công ty sẽ chú trọng hơn việc trong việc hỗ trợ người lao động xây dựng hồ sơ, tham gia các phong trào thi đua, tôn vinh của công đoàn cấp trên và các ban, ngành tổ chức. Chúng tôi hy vọng có thể biến nhà xưởng trở thành “chiếc nôi” của sự sáng tạo và tình yêu lao động, để công nhân nào cũng có thể trở thành lao động giỏi, lao động sáng tạo” – chị Lê Thị Hà chia sẻ thêm.

Tin mới