Chi bộ nơi 'đầu sóng ngọn gió'

(Baonghean) - Một trong những nhiệm vụ của các cấp ủy thị xã Hoàng Mai chỉ đạo là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Theo đó, các chi bộ cơ sở vùng ven biển đã có nhiều cách làm linh hoạt, phù hợp đặc thù địa phương, khẳng định được vai trò là hạt nhân chính trị cơ sở. 

Bàn việc thiết thực, dân cần 

Về khối Ái Quốc, một làng biển của phường Quỳnh Phương, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước khu chợ nhộn nhịp, bến cá tấp nập, đường đi lối lại được bê tông hóa, điện đường thắp sáng khắp các khu dân cư. Dẫn chúng tôi đi thăm khối, Bí thư Chi bộ Hồ Ngọc Hòa cho biết, khối Ái Quốc có 230 hộ dân với 1.200 khẩu, kinh tế chủ lực trên địa bàn là khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trong các kỳ họp chi bộ, đảng viên thường xuyên hai việc phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Thời gian gần đây, xung quanh khu chợ Càn của khối xuất hiện chợ cóc mua bán thủy, hải sản dưới lòng đường, không chỉ khiến cho khu vực trở nên lộn xộn, mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân trong chợ truyền thống.

Trước tình hình đó, trong buổi sinh hoạt định kỳ, chi bộ đã đưa ra họp bàn, thống nhất và xin chủ trương lắp camera an ninh và loa tại chỗ, nhằm theo dõi, nhắc nhở những hộ buôn bán tại chợ cóc tập trung vào chợ chính. Nhờ đó, việc buôn bán đi vào nề nếp, đúng nơi quy định.

Hay như, chi bộ đã ban hành nghị quyết xây dựng đường giao thông và nhận được sự đồng thuận của nhân dân, cụ thể như tuyến đường từ Cầu Đá đến nhà văn hóa đã huy động mỗi hộ đóng góp 5 triệu đồng để xây mương và nâng cấp đường, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Ông Hồ Ngọc Hòa - Bí thư Chi bộ khối Ái Quốc, phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) tìm hiểu tình hình kinh doanh tại chợ Càn. Ảnh: Mỹ Nga
Ông Hồ Ngọc Hòa - Bí thư Chi bộ khối Ái Quốc, phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) tìm hiểu tình hình kinh doanh tại chợ Càn. Ảnh: Mỹ Nga


Trên đây chỉ là hai trong nhiều nội dung mà Chi bộ Ái Quốc đã lãnh đạo sát, đúng, mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Có được kết quả đó, đồng chí Hồ Ngọc Hòa cho biết, trước mỗi kỳ họp, chi bộ đều tranh thủ ý kiến của Đảng ủy phường để xây dựng nội dung sinh hoạt khoa học hơn; dự thảo báo cáo và kế hoạch cũng được gửi đến từng đảng viên. Trong sinh hoạt chi bộ, những thông tin quốc tế, trong nước, địa phương được lựa chọn và trình bày ngắn gọn, súc tích; thời gian còn lại cho đảng viên thảo luận, góp ý xây dựng kế hoạch, nghị quyết sát thực tế để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. 

Cũng thuộc Đảng bộ phường Quỳnh Phương, Chi bộ Thân Ái đã phân chia 31 đảng viên theo 10 cụm, mỗi cụm 3 - 4 đảng viên có nhiệm vụ bám sát, nắm bắt sát sao tình hình cơ sở. Do đó, nội dung các buổi sinh hoạt chi bộ sát thực với thực tiễn cuộc sống, xây dựng nghị quyết bám sát thực tiễn nhiệm vụ phát triển của khối. “Qua đó, chúng tôi khắc phục được tình trạng trước đây, nội dung sinh hoạt đơn điệu, nặng về phổ biến, bàn những vấn đề chung chung, nhiệm vụ của chi bộ lại không đi sâu vào phân tích”, Bí thư Chi bộ khối Thân Ái Hồ Hải Sơn chia sẻ.

Ái Quốc hay Thân Ái đều là những chi bộ có đảng viên là ngư dân trực tiếp tham gia lao động sản xuất trên biển, nên khó nhất là tập hợp sinh hoạt. Phó Bí thư Đảng ủy phường Quỳnh Phương Nguyễn Văn Chương cho biết, nhằm đưa sinh hoạt chi bộ và nền nếp, Đảng ủy đã xây dựng lịch riêng cho những chi bộ có nhiều đảng viên đi biển là vào những ngày sáng trăng (từ 13 - 18 âm lịch, thường vào khoảng 4 - 9 dương lịch), khi đảng viên ngư dân nghỉ đi biển. Nhờ đó, các buổi sinh hoạt số lượng đảng viên dự đạt 95%. 

Những “cánh sóng cả”

Phường Quỳnh Lập có 40 đảng viên trực tiếp tham gia đi biển, chiếm 1/5 tổng số đảng viên của Đảng bộ phường. Như chi bộ Đồng Tiến hiện có 3/10 đảng viên trực tiếp tham gia đi biển. Với đặc thù đó, chi bộ giao cho mỗi đảng viên có trách nhiệm bám tàu, nắm bắt và định hướng tư tưởng, tuyên truyền, vận động bà con nắm vững chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.

“Việc giao trách nhiệm cụ thể cho đảng viên - ngư dân đã giúp họ trở thành những “cánh sóng cả” giữ vai trò tiên phong trong thực hiện và đưa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với bà con; lãnh đạo quần chúng giữ nghề truyền thống của cha ông, vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Bí thư Nguyễn Văn Mai khẳng định. 

Phó Bí thư đảng uỷ phường Quỳnh Phương trao đổi nội dung sinh hoạt với bí thư chi bộ Ái Quốc và Thân Ái. Ảnh: Mỹ Nga
Phó Bí thư đảng uỷ phường Quỳnh Phương trao đổi nội dung sinh hoạt với Bí thư chi bộ Ái Quốc và Thân Ái. Ảnh: Mỹ Nga


Việc thường xuyên làm tốt công tác thông tin, từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời ngư dân trong mỗi chuyến vươn khơi cũng luôn là nhiệm vụ và trách nhiệm của đảng viên - ngư dân. Điển hình, thời gian qua, các chi bộ vùng ven biển đã tập hợp, kêu gọi người dân bám biển đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, tạo nên phong trào có sức hút mãnh liệt, nêu cao nhận thức đây là ngư trường truyền thống, không chỉ là “ruộng lúa”, “nương dâu” mà còn là “lối đi” trên biển để ngư dân đến những vùng biển xa hơn của Tổ quốc. Năm 2017, chỉ riêng phường Quỳnh Lập đã kêu gọi được 41 tàu địa phương vươn khơi tạo những “cột mốc sống” thiêng liêng nơi Hoàng Sa. 

Có thể nói, đối với những chi bộ vùng biển, khó khăn nhất là phần lớn đảng viên và quần chúng ưu tú thường xuyên phải ra khơi bám biển dài ngày. Do đó, để hỗ trợ, chia sẻ, Thị ủy Hoàng Mai đã phân công các huyện ủy viên phụ trách địa bàn ít nhất một tháng sinh hoạt luân phiên với chi bộ phụ trách một lần, báo cáo kết quả sinh hoạt hàng tháng nhằm đánh giá, tổng hợp tình hình hoạt động của các chi bộ và kịp thời chỉ đạo, khắc phục những hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN

Tin mới