Chọn nghề từ tình yêu dành cho thú cưng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Cùng với sự phát triển của xã hội, các dịch vụ chăm sóc thú cưng đang được xem là một thị trường ngách đầy tiềm năng với nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, để đứng vững trong nghề này, cần rất nhiều tâm huyết, kỹ năng và tình yêu động vật.

Những thú cưng “thượng lưu”

Mục sở thị một “spa” dành cho thú cưng trong một chiều hè oi bức cuối tháng 6, tôi khá bất ngờ trước số lượng nhân viên cũng như “khách hàng” ở đây. Trong căn phòng điều hoà sạch sẽ, khoảng 20m2, 8 nhân viên thú y đang miệt mài làm đẹp cho những “vị khách” là 4 chú chó cảnh lông xù. Trung bình, mỗi “vị khách” đặc biệt sẽ được phục vụ bởi 2 người, một người ôm, giữ, một người thực hiện các thao tác cắt móng, tỉa lông, gỡ rối… Theo đó, tất cả các thao tác đều sử dụng các thiết bị chuyên dụng một cách cầu kỳ, nhân viên viên spa để ý và chăm chút cho từng kẽ bàn chân, chải chuốt cho từng sợi lông, săm soi từng góc cạnh của “khách hàng". Điểm chung của những nhân viên là sự nhẹ nhàng, tỉ mẩn trong từng thao tác. Có lẽ vì vậy nên thái độ của những “vị khách 4 chân” có vẻ rất hài lòng, tuyệt nhiên trong phòng không có tiếng kêu, sủa inh ỏi như tôi hình dung trước đó.

Làm đẹp cho thú cưng là dịch vụ đang ngày càng được ưa chuộng. Ảnh: Diệp Thanh

Làm đẹp cho thú cưng là dịch vụ đang ngày càng được ưa chuộng. Ảnh: Diệp Thanh

Bên phải của phòng spa là phòng chờ với khoảng 10 chú chó nữa đang ngoan ngoãn tận hưởng sự mát mẻ, yên tĩnh trong lồng để chờ đến lượt được tân trang nhan sắc. Sau cùng là phòng tắm với diện tích nhỏ hơn, vừa đủ để kê một bồn tắm inox và một bàn sấy. Anh Phạm Văn Đạt - nhân viên thú y đang tắm cho một chú chó Poodle thuần chủng màu nâu cho biết: “Hầu hết các bạn thú cưng đến đây đều đã quen với việc sử dụng dịch vụ nên rất hợp tác. Tuy nhiên, vì bản tính của mèo là sợ nước nên việc tắm cho các bạn mèo, nhất là mèo con sẽ khó hơn, đòi hỏi phải hết sức nhẹ nhàng, bình tĩnh. Trong trường hợp khó quá thì phải sử dụng đến lồng tắm để cố định tư thế”. Sau khi được tắm táp, cắt tỉa, những chú cún trở về với gia đình trong diện mạo mới, sạch sẽ, thơm tho với bộ lông bông tơi, được cắt tỉa gọn gàng.

Giới thiệu về các dịch vụ mà spa cho thú cưng, bác sĩ thú y Trần Đình Tùng cho biết: “Dịch vụ phổ biến mà chủ nhân của những thú cưng này thường lựa chọn là tắm rửa và cắt tỉa. Trong đó, phí dịch vụ tắm là 60 nghìn đồng/lần, phí combo cắt tỉa là 200-300 nghìn đồng/lần, bao gồm tắm sạch, rửa ráy, cạo bàn chân, cắt móng, mài móng, nhổ lông trong tai, vệ sinh tai. Thông thường, những chú chó, mèo được tắm sau khoảng 4-6 ngày và được cắt tỉa sau 2 đến 4 tháng, tuỳ nhu cầu. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, giá dịch vụ có thể đắt gấp đôi. Ngoài ra, nhiều khách hàng có thể yêu cầu thêm một số dịch vụ khác như nhuộm lông, dũa móng… nếu muốn”.

Những chú chó "đỏm dáng" với bộ lông bông tơi, rực rỡ. Ảnh: NVCC

Những chú chó "đỏm dáng" với bộ lông bông tơi, rực rỡ. Ảnh: NVCC

Ngoài dịch vụ spa, chi phí cho thức ăn và thăm khám, tiêm chủng cho những thú cưng này cũng rất đắt đỏ, đủ từ mức giá tầm trung đến cao cấp.

Chị Lê Thu Hà - chủ một cửa hàng bán đồ ăn, đồ dùng cho thú cưng tại TP. Vinh chia sẻ: “Nhiều khách hàng sẵn sàng chi từ 3-5 triệu đồng/tháng cho các sản phẩm ăn uống của thú cưng, bao gồm các loại hạt, pate, bánh thưởng… Chưa kể các sản phẩm chăm sóc đi kèm như balo, đồ chơi, dây xích, cát vệ sinh, sữa tắm, tinh dầu cho lông… cũng tốn kém không ít. Dịch vụ tiêm chủng lẫn khám, chữa bệnh cũng được người nuôi đầu tư, quan tâm”.

Các sản phẩm dành cho thú cưng phong phú về mẫu mã, đa dạng về nhu cầu. Ảnh: Diệp Thanh

Các sản phẩm dành cho thú cưng phong phú về mẫu mã, đa dạng về nhu cầu. Ảnh: Diệp Thanh

Nếu như trước đây, nhiều cơ sở kinh doanh kết hợp nhiều dịch vụ tại một địa điểm thì hiện nay, chiều theo tâm lý khách hàng, các cơ sở phân chia dịch vụ spa và chữa bệnh tách biệt nhau. “Trước đây chúng tôi cũng kết hợp khám chữa bệnh và spa, lưu trú trong một cửa hàng. Nhưng như thế dẫn đến rủi ro lây nhiễm các bệnh hô hấp, tiêu hoá, nấm… cao, nên bây giờ chỉ tập trung vào spa và bán hàng. Những cửa hàng muốn cung cấp cả 2 dịch vụ cũng phải chia ra các cơ sở khác nhau thì khách hàng mới yên tâm sử dụng” - chị Hà chia sẻ.

Với sự tiến bộ của khoa học và nhu cầu của khách hàng, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho thú cưng ngày càng được nâng cấp. Ảnh: NVCC

Với sự tiến bộ của khoa học và nhu cầu của khách hàng, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho thú cưng ngày càng được nâng cấp. Ảnh: NVCC

Anh Trần Đình Tùng cho biết, với những khách hàng đã nuôi thú cưng, họ không tiếc tiền cho các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, miễn là uy tín, chất lượng. “Những bệnh lý phổ biến ở chó mèo thường liên quan đến hô hấp, tiêu hoá. Ngoài ra các trường hợp bị thương như mổ đẻ, lồi mắt, lòi ruột, gãy xương… do tai nạn hoặc cắn nhau cũng rất nhiều. Chi phí điều trị nội trú tại phòng khám giao động từ 150 - 250 nghìn đồng/ngày đêm, chưa kể thuốc men. Chi phí đắt đỏ nhất có lẽ là đóng đinh nội tuỷ trong trường hợp gãy xương với mức phí lên đến 8 triệu đồng/ca”.

Cơ hội phát triển từ tình yêu động vật

Sự đa dạng của các dịch vụ cùng giá thành cho thấy cơ hội phát triển của dịch vụ này là rất lớn. Lý giải sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ này, anh Trần Đình Tùng nói: “Gần đây, đối tượng khách hàng là các bạn trẻ và những người trung niên ngày càng nhiều. Các bạn trẻ được bố mẹ thưởng hoặc tặng thú cưng vì muốn con hạn chế tiếp xúc với thiết bị công nghệ, rèn luyện cảm xúc, kỹ năng chăm sóc… Những người lớn tuổi ở các gia đình neo người, con cái đi làm ăn xa cũng chọn nuôi cho thú cưng để bầu bạn”.

Người làm nghề chăm sóc thú cưng phải quen với những đôi tay đầy sẹo và rủi ro lây nấm từ chó, mèo. Ảnh: Diệp Thanh

Người làm nghề chăm sóc thú cưng phải quen với những đôi tay đầy sẹo và rủi ro lây nấm từ chó, mèo. Ảnh: Diệp Thanh

Những khách hàng tìm đến dịch vụ spa, theo dõi sức khoẻ cho thú cưng thường là những người xem thú cưng như một thành viên trong gia đình, không tiếc tiền để sử dụng những dịch vụ phù hợp. “Khách hàng có thể khác nhau về gia cảnh, đến từ các tỉnh, các huyện khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau về tình yêu dành cho động vật. Tôi từng gặp một người khách ăn mặc rất giản dị đi từ huyện Con Cuông xuống TP. Vinh, ôm theo một chú chó trong chiếc bao tải gạo. Vì dịch Covid-19, vợ chồng chị và chú chó đã cùng nhau hồi hương từ miền Nam trở về. Khi biết chú chó của mình phải ở lại điều trị nội trú, chị đã nghỉ việc, ngủ lại tại phòng khám suốt những ngày đó, trên ghế xếp, cạnh chuồng của nó với lý do: Tôi không muốn nó có cảm giác bị bỏ rơi” - anh Tùng kể.

Hay như câu chuyện của bác sĩ thú y Lê Thu Hà, cùng khách hàng gõ cửa hàng chục nhà thuốc lúc nửa đêm để tìm vật tư y tế cho một ca sinh mổ. Mẹ con nhà cún được cứu, gia chủ xem chị Hà như ân nhân lớn của cuộc đời. “Để làm nghề này, ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên ngành thì tình yêu đối với động vật là điều không thể thiếu. Có yêu động vật thì mình mới có thể đồng cảm, chia sẻ với khách hàng, mới có thể chấp nhận những khi chẳng may bị các bạn mèo cào, các bạn chó cắn, thậm chí bị lây nấm từ các bạn ấy, mới sẵn lòng dọn dẹp vệ sinh cho các bạn ấy hàng ngày…” - chị Hà chia sẻ.

Chăm sóc thú cưng là công việc có cơ hội phát triển cao ở những thành phố lớn. Ảnh: Diệp Thanh.
Chăm sóc thú cưng là công việc có cơ hội phát triển cao ở những thành phố lớn. Ảnh: Diệp Thanh.

Ngoài những kiến thức chuyên môn được học trong trường lớp, những cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc chó, mèo phải không ngừng cố gắng trau dồi nghề nghiệp, cập nhật công nghệ, kỹ năng mới. Đầu tư khóa học spa cho chó mèo với giá 20 triệu đồng trong 2 tháng, chị Nguyễn Thị Kim Tuyến chia sẻ: “Chăm sóc các bạn chó, bạn mèo cũng giống như chăm con nít vậy. Sẽ có lúc các bạn ấy không hợp tác, nghịch ngợm, cáu bẳn và mình cần phải kiên nhẫn đứng cả buổi, trực cả đêm, bình tĩnh làm quen, cẩn thận từng thao tác, lắng nghe khách hàng… Đòi hỏi cầu kỳ hơn nhưng so với chăm sóc gia súc, gia cầm nhưng công việc chăm sóc thú cưng cho tôi mức thu nhập tương đối cao và cơ hội được sống, làm việc tại các khu vực trung tâm”.

Tin mới