Sinh hoạt tư tưởng:

Chống bệnh kiêu ngạo

(Baonghean.vn) -Kiêu ngạo là một tính cách của con người. Thực chất là do họ tự tin thái quá, chủ quan rồi đâm ra dương dương tự đắc, tưởng mình chi cũng giỏi hơn người.
Ranh giới giữa sự tự tin và kiêu ngạo rất gần nhau, họ luôn “mặc định” rằng những việc mình làm, những lời mình nói đều đúng và bắt mọi người phải làm theo. Trong cán bộ, đảng viên của chúng ta còn có những người mắc chứng kêu ngạo. Họ không hiểu sức mạnh của Đảng chính là ở sự tập trung thống nhất.
Bác Hồ từng vạch rõ: “Họ không tin ở lực lượng và trí tuệ của tập thể. Họ sống và làm việc thiếu đoàn kết và hợp tác với người khác. Trong tác phẩm “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn”, Bác chỉ ra hậu quả khôn lường của nó: “Kiêu ngạo là: Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình. Xa tránh những người tính trực, nói thẳng... Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: Thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khi có đôi chút hiểu biết, đôi chút thành công thì tự cao, tự đại, vênh vang kiêu ngạo, tự cho mình tài giỏi hơn người. Ở cương vị phụ trách thì tự cho mình có quyền hơn hết thảy, định đoạt mọi việc; Ở ngành nào, địa phương, đơn vị nào thì coi đó như một giang sơn riêng, không biết đến lợi ích toàn cục. Họ coi thường những quyết định của tổ chức, họ là những "ông quan liêu", chỉ thích dùng mệnh lệnh đối với đồng chí và nhân dân”.

Họ ăn diện hàng hiệu, trau chuốt, xúng xính, mượt mà, luôn muốn nổi trội trong đám đông. Họ đi đứng khệnh khạng, vung tay khuềnh khoàng, “mỗi bước đi lại nhún nhảy những cẳng chân, cho ra vẻ là con nhà võ” – giống như Dế Mèn vậy! Họ thích chìa tay hờ hững cho nhiều người khác bắt như sự ban phát ân sủng. Có những vị thủ trưởng biến cơ quan thành như vườn trẻ, xung quanh “vâng, dạ”, “tiền hô hậu ủng”. Họ ăn tiêu xả láng cho ra vẻ có “đẳng cấp”, “tầm cỡ” khác người,... Họ thích xuất hiện với những mệnh lệnh tưởng chừng như “hô phong hoán vũ”,...
Bác Hồ từng phê phán: Họ không nhận thức vì sao họ có địa vị, được hưởng thụ. “Do đó mà họ mắc những sai lầm: Kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền, bát gạo là mồ hôi, nước mắt của nhân dân”. Lâu nay, ta từng chứng kiến có những “thái tử” – con ông cháu cha, “thăng tiến thần tốc”, tưởng chừng như mình là những “hạt giống đỏ”, sớm chễm chệ quyền cao, chức trọng thì ai cũng nể trọng. Nhưng họ là những “trái chín non” nhờ nhào nặn “thần bí” của quy trình rồi cũng sớm thể hiện là chua chát, rơi rụng.
Lại có những vị từng “vào sinh ra tử”, thậm chí đã nghỉ hưu mà vẫn mang trong mình máu công thần, luôn luôn muốn thiên hạ “có biết tao là ai không?”. Thực tình, nhiều khi nhìn họ mà những người tử tế, những người có hiểu biết rất “ngượng mặt”. Cái người ta cần ở người cán bộ là cần cái chất, cái đức, cái tâm, cái tầm. Người ta cần trong cái đầu bóng lộn kia một bộ óc thông thái, mẫn tiệp, biết suy nghĩ, biết hành động, xứng đáng với niềm tin của muôn dân; người ta cần trong lồng ngực vạm vỡ ấy một trái tim nhân hậu, biết rung động trước thế thái nhân tình, người ta cần cái thiết thực, hiệu quả,...
Sự “hào quang” của dáng vẻ, sự oai vệ, vung vẩy trong mỗi bước đi, sự “chém gió đanh thép” nhưng “nói một đàng, làm một nẻo” thì càng xa rời với quần chúng nhân dân.
Cần phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn. Mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra. Trong đoàn thể thì phải giữ vững dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, phải mở rộng tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên trên… Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi” – Lời dạy ấy của Bác Hồ từ khi chính quyền còn non trẻ, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. 

Tin mới