Chuyện đi làm công nhân để viết tiếp ước mơ vào đại học của hai Thủ khoa, Á khoa học hệ GDTX

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Không trúng tuyển vào lớp 10 công lập, phải học GDTX, hai nữ sinh đã nghĩ mình sẽ làm công nhân. Nhưng sau này, chính những khó khăn, vất vả lại buộc các em thay đổi suy nghĩ và kiên trì để thực hiện ước mơ vào đại học.

Đó là câu chuyện của hai học sinh Nguyễn Thị Nhung, Phan Thị Huyền Vy - Thủ khoa, Á khoa của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đô Lương. Trong đó, Nguyễn Thị Nhung là học sinh hệ GDTX duy nhất được điểm 10 môn Lịch sử.

Trở thành thủ khoa sau 2 tháng ôn luyện cấp tốc

Nguyễn Thị Nhung - học sinh lớp 12D - Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương là nữ sinh duy nhất ở hệ GDTX đạt điểm 10 môn Lịch sử tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ngoài ra với điểm Ngữ văn đạt 8,75 điểm, Địa lý 8 điểm, Nhung đạt tổng điểm 26,75 điểm và trở thành thí sinh có điểm thi cao nhất của trung tâm.

Em sẽ đăng ký vào đại học, nguyện vọng 1 em đăng ký vào Học viện Báo chí và tuyên truyền, nguyện vọng 2 em đăng ký vào trường sư phạm - qua điện thoại Nhung vui mừng chia sẻ quyết định của mình.

z4543664964126_800c6934c2c7d6cc6217ee8fd5ad3168.jpg
Hoàn cảnh khó khăn, từ năm lớp 10, Nguyễn Thị Nhung đã phải đi làm thêm ở các quán cà phê. Ảnh: NVCC

3 năm trước, chỉ vì điểm toán quá thấp nên Nguyễn Thị Nhung thiếu điểm để trúng tuyển vào Trường THPT Đô Lương 1. Tuy nhiên, với mong muốn học xong cấp III, Nhung dường như không đắn đo khi quyết định nhập học theo nguyện vọng 2 vào trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương. Hai ngôi trường chỉ cách nhau một con đường nhưng những ngày đầu vào học ở một trung tâm chủ yếu chỉ dành cho những học sinh thi trượt, học sinh cá biệt, Nhung không tránh khỏi những mặc cảm. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ làm nông và có đến 4 người con nên khi đó Nhung chỉ nghĩ đơn giản học xong em sẽ đi làm công nhân hoặc đi xuất khẩu lao động.

Những năm học THPT, Nhung vẫn tin rằng đó là lựa chọn duy nhất của mình. Đó cũng là lý do vì sao, ba năm lớp 10, 11, 12, Nhung không dành toàn tâm cho việc học. Thay vào đó, một buổi em đi học ở trường, một buổi học thêm nghề nấu ăn, các buổi tối Nhung đi bưng bê ở một quán cà phê gần nhà. Dấu mốc quan trọng khiến Nhung thay đổi quyết định của mình bắt đầu từ giữa tháng 5 của năm học này. Khi ấy, trong lần thi thử thứ 3 của trường Nhung trở thành thí sinh có điểm thi thử tốt nghiệp THPT cao nhất trong khối 12. Sau đó, được các giáo viên động viên, thay vì chỉ thi để lấy kết quả tốt nghiệp, Nhung quyết tâm ôn thi để tìm cơ hội vào đại học.

Đó cũng là thời điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bước vào giai đoạn “tăng tốc”. Vì vậy, việc tìm một lớp học thêm thực sự khó khăn. Để có thể theo kịp chương trình, ngoài việc học và ôn tập với giáo viên ở trường, thời gian còn lại Nhung tự học ở nhà hoặc tự ôn tập qua mạng. Nữ sinh này cũng chia sẻ một bí quyết khá đặc biệt bởi trong thời gian ôn tập, em dành phần lớn chỉ để xem các clip trên mạng: Từ khi bắt đầu quyết định ôn thi đại học, em nghỉ làm thêm buổi tối. Song song với việc luyện đề, em tự học nâng cao bằng cách xem các clip ôn thi ở trên TikTok hoặc trên YouTube. Nhiều người cho rằng, nếu xem các clip sẽ sa đà vào mạng xã hội nhưng quả thực thời gian đó, em không có thời gian để giải trí. Toàn bộ tâm huyết em dành cho kỳ thi tốt nghiệp.

z4543682995645_68edee076b5b43273f815c2f871c74f5.jpg
Nguyễn Thị Nhung là nữ sinh duy nhất trong toàn tỉnh hệ GDTX đạt điểm 10 môn Lịch sử. Ảnh: NVCC

Nói về Nhung, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương - giáo viên dạy môn Lịch sử rất ấn tượng về em bởi đây là học sinh đầu tiên của chị đạt điểm 10 ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong quá trình học, Nhung là một học sinh ham học hỏi, chịu khó vươn lên: Tôi dạy Nhung lớp 12 và rất bất ngờ về năng lực của em. Vì vậy, khi biết em không thi đại học, tôi rất tiếc và động viên em cố gắng để có tương lai tươi sáng hơn sau này.

Quả thực, với một học sinh hệ GDTX nhưng các em thi chung đề với học sinh hệ THPT là điều rất khó khăn. Nhưng em đã cố gắng xuất sắc để trở thành 37 học sinh có điểm thi lịch sử cao nhất tỉnh - cô giáo Thu Hương nói thêm.

Với gần 27 điểm, đến thời điểm này, cánh cửa vào đại học đang mở ra rất gần với Nhung. Biết trước những khó khăn phía trước, nhưng Nhung đã tự lên kế hoạch cho bản thân và em tin rằng với việc có bằng nghề và có 3 năm kinh nghiệm đi làm thêm, em sẽ không ngừng cố gắng để vượt lên hoàn cảnh.

Ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, Nhung cũng đã bắt chuyến xe đêm để ra Bắc Ninh xin vào làm công nhân thời vụ tại một nhà máy điện tử ở Khu công nghiệp Bắc Ninh.

Vì chỉ dự kiến làm trong một thời gian ngắn nên Nhung không được sắp xếp ở trong công ty mà phải đi thuê nhà trọ ở ngoài. Một ngày Nhung làm việc 8 - 10 tiếng, công việc dù vất vả nhưng Nhung bảo em đã quen với cường độ này bởi từ năm lớp 10, Nhung đã xin vào các khu công nghiệp để làm thêm vào dịp hè.

Hoàn cảnh của Nhung rất khó khăn bởi bố mẹ làm nông, Nhung là con đầu và sau em còn có 3 em nhỏ. Ngày trước, cũng bởi hoàn cảnh gia đình nên Nhung luôn nghĩ rằng học xong sẽ đi làm ngay để có tiền đỡ đần trang trải giúp bố mẹ. Hiện tại, bố mẹ Nhung rất vui bởi khi biết con đạt điểm cao, bố mẹ em đều ủng hộ việc Nhung vào đại học.

Viết tiếp giấc mơ vào đại học

Đồng hành với Nhung trong chặng đường tìm kiếm tương lai còn có người bạn thân Phan Thị Huyền Vy lớp 12A. Ở Kỳ thi vừa qua, Vy là á khoa của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương với đạt 26 điểm, trong đó Ngữ Văn 9,25, Lịch Sử 8,75 và Địa lý 8 điểm. Hoàn cảnh của Vy còn đáng thương hơn bởi không chỉ khó khăn về kinh tế, bố mẹ Vy còn phải trả giá cho những sai lầm nên không được ở với các con. Từ cuối những năm cấp II trở lại đây, có giai đoạn chị em Vy phải mỗi người mỗi ngả, Vy ở với bác, chị và em thì ở với bà. Vy cũng chia sẻ rằng: Em không đậu lớp 10 công lập là một lẽ dĩ nhiên vì những năm lớp 8, lớp 9 em không lo học hành gì cả, lên lớp chỉ ngủ thôi.

z4549473731911_a038059e160b226da36220c3097b0aa0.jpg
Phan Thị Huyền Vy là học sinh của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương. Kỳ thi vừa qua em đạt 26 điểm và là Á khoa của trường. Ảnh: NVCC

Trượt lớp 10 công lập, Vy vào học ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương. Vì hoàn cảnh lúc bấy giờ nên trong quá trình học, Vy vừa đi học vừa đi làm thêm. Dịp hè thì Vy cùng Nhung ra Bắc Ninh làm việc. Công việc nặng nhọc nhưng vì là lao động thời vụ, lại làm chui (vì cả hai chưa đủ tuổi), một phần lương lại phải trả cho người môi giới, một phần chi trả tiền trọ nên số tiền dành dụm còn lại không đáng là bao.

Những ngày đi làm công nhân, Vy cũng nhận ra, không có trình độ, không có năng lực thực sự thiệt thòi. Vì thế, từ sau Tết của năm lớp 12, Vy quyết định dừng làm thêm để dành thời gian ôn thi đại học: Ở lớp thì có tổ trưởng, tổ phó. Ở nhà máy cũng vậy. Những người này, họ được học hành tốt hơn nên công việc không nặng nhọc, thu nhập cũng cao - Vy chia sẻ về lý do quyết tâm của mình.

z4543612117596_b574bb6ce7549c4a93049479b718c294.jpg
Hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nhung và Vy bắt chuyến xe đêm để đi làm công nhân ở Bắc Ninh. Ảnh: NVCC

Đặt mục tiêu vào đại học, từ một học sinh khá mải chơi, Vy thay đổi thái độ học tập. Ngoài học trên lớp, ở nhà Vy còn tự luyện thêm đề, xem các bài giảng ở trên YouTube. Trước ngày Vy bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT, mẹ Vy cũng được trở về, em có thêm động lực cố gắng vì muốn mẹ được vui lòng.

Ngay sau khi hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Vy và Nhung cùng nhau bắt chuyến xe đêm để ra Bắc Ninh làm việc. Hôm báo kết quả, cả hai vừa đi làm xuyên ca đêm về. Sáng sớm, biết thông tin có điểm nhưng vì mạng yếu cả hai không xem được và đành nhờ cô giáo chủ nhiệm. Nhận được số điểm thi cao ngất ngưởng, cả hai hét toáng lên khiến bà chủ phòng trọ cũng hốt hoảng. Với số điểm này, Vy hiện đã đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Ngữ văn - Đại học Đà Nẵng với lý do ngành học này sẽ giúp em bớt được phần nào chi phí học tập. Hơn nữa em mong rằng, vùng đất mới, môi trường học tập mới sẽ tiếp thêm sức mạnh để em bắt đầu lại cuộc sống của mình.

bna_Trong căn phòng trọ nhỏ ở Khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Nhung và Vy đang nỗ lực từng ngày để nuôi ước mơ vào đại học. Ảnh - NVCC.jpg
Trong căn phòng trọ nhỏ ở Khu công nghiệp Bắc Ninh, Nhung và Vy đang nỗ lực từng ngày để nuôi ước mơ vào đại học. Ảnh: NVCC

Trong những chặng đường đã qua, nhìn lại những khó khăn, vất vả, Vy cũng chưa bao giờ phiền lòng, em cũng chưa từng trách bố, trách mẹ. Ngược lại, Vy nói rằng, nếu không có những gian nan, nếu không có những trở ngại thì em đã không thể tiến bộ, không thể tốt đẹp như ngày hôm nay. Vy còn mong sau này nếu được làm cô giáo, đứng trên bục giảng và gặp những học sinh có hoàn cảnh như mình em sẽ bảo các học trò đừng nản lòng, đừng rơi ý chí. Và hãy cố gắng, hướng về tương lai để thay đổi bản thân, thay đổi cuộc đời mình.

Tin mới