Chuyện kể ở Mỹ Sơn

(Baonghean) - Sự thực là tôi đã đến Mỹ Sơn (Đô Lương) rất nhiều lần, nhiều đến mức không cần đến bảng chỉ dẫn, mà mỗi lần chiếc xe gồng ga cố vượt lên dốc Ba Cấp dài ngót cây số rưỡi, vào đúng lúc hàng thông bạt ngàn reo trên triền đồi nghiêng nghiêng nắng, là mủm mỉm vui vì biết ngay đã đến thấu mảnh đất bán sơn địa ấy rồi. Thế mà, những ngày se lạnh cuối tháng Mười này, vẫn không ngăn được bước chân mình tìm về nơi ấy- nơi mỗi tấc đất, ngọn cỏ, nhành cây... đều mang một câu chuyện, hồn cốt riêng, đêm ngày rì rầm linh thiêng vọng về từ đất Mẹ...

Mảnh đất bán sơn địa đẹp đến nao lòng ấy, đã rất gần và rất xa tôi ngay cả trong những giấc mơ. Vẻ đẹp nhuốm màu hư ảo đến mức, dẫu đã viễn du đường trường khắp làng trên, xóm dưới, thăm thú cả những Triều Dương, Ngọc Mỹ, Ngọc Luật, Trung Thôn- bốn ngôi làng theo cách phân chia địa giới hành chính hàng trăm năm trước của đất Mỹ Sơn nay, thì tôi vẫn chưa thực thấm thía, chưa thật “đã” cái cảm quan đất và người chốn này. Nhiều bậc trưởng lão mẫn tiệp Hán văn xưa vẫn còn truyền nhau câu chuyện, hàng trăm năm trước, có ông thầy địa lý thông tường đi ngang qua, cảm cái mỹ miều thuần phác của đất và người mà ban cho quẻ Càn- Khôn, đoán định thế đất, mạch sông hội tụ bao linh khí trời đất. Chuyện đã trở thành truyền thuyết, mà truyền thuyết thì đúng hay sai, thực hay hư, thế hệ hậu bối như tôi chẳng thể nào biết được, chỉ tấm tắc rằng, nay, chen giữa ngời ngợi sắc diện thời đại mới, mảnh đất Mỹ Sơn vẫn còn luyến lưu vẻ đẹp sơn thôn ẩn chứa lung linh tầm vóc lịch sử. Sừng sững qua bao dâu dể thời gian, vẫn còn vẹn nguyên những mái chùa, đình, nhà thờ các dòng họ... chở bao giá trị lịch sử, văn hóa và cách mạng, góp phần làm dày lên thêm nền tảng truyền thống của đất này.
Cụ Đặng Văn Sơn tự hào về lịch sử dòng họ Đặng Văn thể hiện qua các sắc phong.
Cụ Đặng Văn Sơn tự hào về lịch sử dòng họ Đặng Văn thể hiện qua các sắc phong.
Ở Mỹ Sơn, tôi có người quen cũ là cụ ông Đặng Văn Sơn (xóm 3). Như những bắt đầu đậm đà khác, bát chè xanh xứ Nghệ lại đưa đẩy những chuyện trò của người xa ngái lại gần nhau hơn. Cụ là dân gốc Mỹ Sơn, hơn nữa, đã suốt 27 năm có lẻ, cụ bền bỉ với vai trò là Trưởng hội đồng gia tộc họ Đặng Văn - một trong những dòng họ bền rễ nhiều chi nhất nhì xã này. Nói chuyện với cụ rất thú, vì cụ có lối ví von hình ảnh và hóm hỉnh lắm! Cụ bảo, 80 năm gắn bó với Mỹ Sơn là 80 năm cụ trọn vẹn ấm êm trong cái nôi làng mộc mạc, chưa một thời khắc nào có ý định rời xa. Mà không chỉ có cụ, nhiều thế hệ con cháu có học hành tấn tới nơi phương trời xa ngái, rồi cũng nuối về cội cũ mà trở lại đóng góp cho quê hương.
Chẳng nói đâu xa, ngay trong dòng họ đông đúc Đặng Văn, chiếu theo tộc phả thì tính đến nay đã là 667 năm “đứng chân” trên đất này, trải qua 8 thế kỷ với bao dâu bể thời cuộc, đã có 16 đời với hơn 500 hộ dân nối nhau sinh cơ lập nghiệp, kiến thiết, mở mang đất này. Ngần ấy tháng năm và biết bao thế hệ sinh sôi, dòng họ Đặng Văn vẫn bảo nhau giữ gìn được gia sản quý giá. Ấy là ngôi nhà thờ dòng họ với những hàng cột lim bóng màu lưu niên, các họa tiết tứ linh chạm trổ tinh xảo vẫn còn sắc nét hiển hiện trên long nhãn. Chỉ tiếc, ngôi nhà thờ dòng họ tọa trên thế đất trũng thấp, vào mùa mưa, khoảng sân gạch đỏ phía trước lấp xấp nước, phần nào nhạt đi vẻ trang nghiêm của chốn phụng thờ.
Cụ ông Đặng Văn Sơn dấn bước đi đầu, tôi nhón gót theo sau, cúi người đi qua những vì, kèo, xà, cột, nhìn quanh không gian mà đắm chìm trong câu chuyện vang vọng của cụ Sơn: “Bao đời nay, người dân Mỹ Sơn nói riêng và con cháu dòng họ Đặng Văn nói chung, đều trung trinh truyền thống yêu nước, cách mạng. Nhiều ngôi nhà thờ dòng họ khác, trong đó có họ Đặng Văn, đã trở thành cơ sở cất giấu vũ khí, khí tài và là nơi náu mình an toàn của nhiều cán bộ, chiến sỹ qua các thời kỳ kháng chiến”.
Chuyện này, trong lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã còn chép rõ, rằng Ủy ban Lâm thời xã Nhân Luật (năm 1946, đổi tên gọi thành xã Nhân Mỹ và sau này, theo Quyết định phân chia địa giới hành chính của Chính phủ, tách thành 2 xã Nhân Sơn và Mỹ Sơn) bấy giờ đã có mấy năm liền đóng trụ sở tại nhà thờ dòng họ Đặng Văn. Con cháu dòng họ cũng theo cái nếp nghiêm cẩn, trung trinh ấy mà một lòng với cách mạng. Qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, biết bao người con dòng họ Đặng Văn, đã hòa vào dòng thác căm hờn xâm lược, mà đi giữ đất quê hương. 26 liệt sỹ là con em dòng họ Đặng Văn trong số 89 liệt sỹ xã Mỹ Sơn đã ngã xuống cho khát vọng ngày toàn thắng. Nay, ngôi nhà thờ dòng họ còn trang trọng bảng vàng lưu danh những người con họ Đặng Văn, như khắc ghi bài học và sự tri ân đến muôn đời.
Với đất và người Mỹ Sơn, dẫu tiếp cận dưới góc độ nào, thì câu chuyện vẫn cứ quay về với niềm tự hào truyền thống cách mạng và yêu nước. Cụ ông Đặng Văn Sơn rành rẽ hướng dẫn tôi đường đến nhà bà Đặng Thị Quế - nguyên Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn giai đoạn 1967-1970, mà theo lời ông, là người sẽ kể cho tôi nghe nhiều chuyện thú vị về đất lửa Mỹ Sơn thời bom đạn chiến tranh. Vị nữ chủ tịch xã một thời, nay đã là bà Quế giản dị và thân thương của láng giềng chòm xóm, nhà ở khuất sau ngõ vào loanh quanh rợp bóng cây xanh. Tỏ ra bất ngờ vì “lâu lắm, không có người tìm đến hỏi mấy chuyện ngày xưa”, bà Quế kê vội xách vài chiếc ghế ra trước khoảnh sân thoáng đãng, dúi vội vào tay tôi trái ổi đào thơm ngọt còn dâm dấp hơi sương, hồn hậu chân chất như biết bao người dân mộc mạc khác tôi đã gặp trên đường. Nghe tôi trình bày ý muốn được biết, được hiểu thêm về một Mỹ Sơn kiên trung trong lửa đạn, bà Quế thoắt bỗng trầm ngâm...
Bà bảo, đã gần 40 năm đất trời quê hương liền một dải, sự thanh bình đã trải dài khắp bờ bãi xóm thôn, nhưng dưới mỗi tấc đất, mạch sông của Mỹ Sơn này, vẫn còn đó vẹn nguyên nỗi âm ỉ đau thương và khốc liệt, ẩn sau niềm tự hào và hạnh phúc ngày toàn thắng, là vết sẹo im lìm của những năm tháng đạn bom. Bà Đặng Thị Quế là cán bộ xã đúng vào thời điểm khốc liệt nhất của giai đoạn chống đế quốc Mỹ. Vẫn còn đó trong ký ức, là thăm thẳm đêm ngày sáng pháo dù giặc Mỹ, là những buổi đào hầm, hào chạy quanh trong những rẻo chân đồi, chân núi; và quên sao được, những tinh mơ mờ sương giữa hai đợt thả bom chết chóc, cán bộ và nhân dân xã lại gióng kẻng ra đồng, tranh thủ làm mùa, đảm bảo quân lương chuyển vào cho miền Nam ruột thịt.
Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa học tập, rèn luyện, trong gian khổ tột cùng, những con người Thời đại Hồ Chí Minh vẫn sáng ngời phẩm chất và đức hy sinh cho sự nghiệp chung. Những địa danh như dốc Kỳ Lợn, dốc Truông Bồn, núi Mồng Gà, núi Cột Cờ... và vô số các lèn, các khe... ấn tượng mãi trong tâm trí người dân Mỹ Sơn bởi sự khốc liệt tột cùng của đạn bom giặc Mỹ. Đặc biệt, nút giao thông Truông Bồn nằm trên con đường chiến lược 15A, được xem là tọa độ lửa, có chiều dài chỉ vẻn vẹn 5km, nối các nút giao thông như Mốc số 0, Quốc lộ 1A, đường 7 và đường 34, không ngày nào ngơi tiếng đạn bom cày xới. “Gian khổ rứa, nhưng nỏ khi mô nghe thấy than van khóc lóc, vẫn rộn rã tiếng nói, tiếng cười, động viên nhau phấn đấu làm tốt hơn nữa. Không chỉ nhân dân xã nhà, mà cả bộ đội, TNXP về đóng quân trên địa bàn cũng đều chung ý chí. Quân với dân keo sơn như anh em, cháu con một nhà.”- bà Đặng Thị Quế hồi tưởng. 
Và rồi, lặng lẽ chấm những giọt nước mắt nhớ thương, bà Quế bảo, nhắc đến thời điểm đó, làm sao quên được cái dấu ấn ngày cuối cùng của tháng Mười năm 1968. Bấy giờ, bà đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn. Buổi sáng hôm đó, bà đang cùng các cán bộ khác xuống các thôn, xóm kiểm tra tình hình thu hoạch và đào hầm, hào dân sự của bà con. Bỗng, tiếng nổ thất thanh liên tiếp vang lên từ phía trọng điểm Truông Bồn. Tiếng bom! Mọi người hét to, đánh kẻng gióng giả báo động cho nhân dân chạy vào hầm trú ẩn. Loạt bom sáng ngày 31 hôm ấy, trong trí nhớ bà Quế, là loạt bom khá kỳ lạ so với diễn biến đánh phá thường nhật của không quân giặc. Thông thường, bom và rốc két được thả liên tiếp, thành trận địa bom khổng lồ, nhanh đến và nhanh qua.
Nhưng sáng ngày 31, loạt bom đầu tiên nổ ầm ào vào đúng 6h10’ sáng. Sau đó độ mươi phút, khi những đội dân công hỏa tuyến, TNXP và nhân dân xã chưa kịp chạy ra hiện trường kiểm tra thương vong, thì loạt bom thứ hai, thứ ba... mới tiếp tục được thả xuống. Bà Quế và vô vàn người khác, đã câm lặng nỗi đau trong những căn hầm nhỏ, bởi đoán biết được rằng, hy vọng sống của tiểu đội thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ ngoài kia là rất mong manh. Dứt tiếng bom, mọi người chạy ào ra. Và trên hoang tàn đổ nát, là vụn vỡ tiếng tiếng thét gào tuyệt vọng. Đang ơi, Vinh ơi, Hòa ơi, Hạp ơi... Đâu rồi nụ cười tươi, ánh mắt sáng, đôi bàn tay ấm áp? Và chùm bồ kết nồng hương đất Mẹ còn phơi trên chái bếp, mảnh gương soi còn sáng lấp lánh nét thanh xuân? Tất cả, đã hòa vào đất Mẹ yêu thương...
Giờ đây, mọi chi tiết về buổi sáng ngày 31 tháng 10 năm ấy đã được làm rõ, lịch sử đã dành riêng cho 13 chàng trai, cô gái hy sinh trên chiến địa Truông Bồn những dòng đẹp nhất. Còn với bà Đặng Thị Quế và bao người dân Mỹ Sơn, tuổi thanh xuân của họ đã được định danh cho mạch nguồn sức vươn tươi trẻ của mảnh đất này. Truông Bồn và Mỹ Sơn, những niềm riêng tư đã hòa thành điều linh thiêng chung. Ai có đi qua, về lại trên mảnh đất này, xin hãy thật khẽ bước chân, để thấy vọng vào lòng mình những rì rầm chuyện kể xưa, trong đồng vọng trong trẻo của bầu trời tháng Mười xanh ngăn ngắt!
Bài, ảnh: Phương Chi - Nguyễn Lê

Tin mới