Chuyến thăm của Tổng Bí thư Tập Cận Bình sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ Việt-Trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần tạo điều kiện hết sức thuận lợi và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12-13/12.

313480921-540420168088509-2970110523191078145-n-4992-1701998527761554028898.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 30/10-01/11/2022. Ảnh: TTXVN

Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm chuyến thăm, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn nhấn mạnh, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, cùng với chuyến thăm lịch sử và rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc (tháng 10/2022), sẽ tạo điều kiện thuận lợi và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam, Trung Quốc thiết lập khuôn khổ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2008, khuôn khổ quan hệ đối ngoại cao nhất mà Việt Nam thiết lập với các đối tác, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển với xu thế rất tích cực, toàn diện, thực chất và có nhiều điểm sáng.

Theo Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn, tính toàn diện chính là điểm nhấn xuyên suốt trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, thể hiện qua việc hai bên thường xuyên duy trì các chuyến thăm, trao đổi cấp cao trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc… Hai đồng chí Tổng Bí thư hai Đảng thường xuyên duy trì trao đổi chiến lược với nhiều hình thức và biện pháp linh hoạt, giao lưu hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực.

Quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai bên không ngừng được tăng cường, củng cố, hợp tác về quốc phòng, an ninh đã trở thành trụ cột trong quan hệ song phương, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đều có bước phát triển rất tích cực, trao đổi, giao lưu nhân dân diễn ra sôi động với nhiều hình thức phong phú, thiết thực.

Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn nhấn mạnh, Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc, coi đó là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại. Phía Trung Quốc cũng xác định quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. Hai bên hết sức coi trọng và phát huy vai trò định hướng chiến lược của quan hệ hai Đảng trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam-Trung Quốc.

Thời gian qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc duy trì đà phát triển tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên, nổi bật là chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2022 cùng các chuyến thăm và trao đổi cấp cao trong năm 2023 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai...

Giao lưu, hợp tác kênh Đảng, Quốc hội Việt Nam/Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam/Chính hiệp Trung Quốc và giữa các bộ, ngành, đoàn thể nhân dân, địa phương hai nước không ngừng được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu; các lĩnh vực hợp tác thực chất đạt được nhiều tiến triển đáng khích lệ, chất lượng ngày càng được nâng cao.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và lớn thứ 4 trên thế giới xét theo tiêu chí quốc gia.

Đáng chú ý, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2023; vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng, hai bên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh; hoàn tất đàm phán nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, trong đó có Kế hoạch hợp tác thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với Sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Tại phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc vừa qua, hai bên đã đi sâu trao đổi và xác định một số trọng tâm công tác: Tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; triển khai hiệu quả các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, Quốc hội và Nhân đại toàn quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc; phát huy vai trò quan trọng của hai Bộ Ngoại giao trong việc điều phối, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác; triển khai tốt các cơ chế giao lưu quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật.

Hai bên nhất trí tiếp tục áp dụng các biện pháp hiệu quả, thực chất để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển bền vững, lành mạnh; tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong các dự án tồn đọng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án viện trợ không hoàn lại tại Việt Nam.

Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường, giao thông vận tải, nông nghiệp, y tế; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân; tăng cường ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.

Hai bên cũng trao đổi ý kiến thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung cấp cao, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển đạt tiến triển thực chất./.

Tin mới