Cơ hội tiếp cận tín dụng cho hộ cận nghèo

(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh có số hộ cận nghèo khá lớn với trên 109.000 hộ. Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình tín dụng hộ cận nghèo đã giúp người dân tỉnh nhà phát triển kinh tế, nâng mức thu nhập, cải thiện đời sống.

Từ ngày được Ngân hàng CSXH Cửa Lò cho vay 20 triệu đồng vốn hộ cận nghèo, chị Nguyễn Thị Liên ở khối 3, phường Nghi Thuỷ (TX.Cửa Lò) đã mua được 1 chiếc tủ cấp đông để bảo quản cá nên ngày nào cũng có hàng đem đị chợ bán. Bây giờ, hàng ngày chị phải thuê thêm 2 người làm phụ giúp khâu chế biến cắt rửa cá, nướng cá. Chị Liên khoe: “Nhờ có chương trình tín dụng hộ cận nghèo của Chính phủ, nhà tôi được vay 20 triệu đồng, tuy chưa nhiều nhưng vô cùng ý nghĩa với chúng tôi. Ngày trước chưa có tủ đông, kinh doanh thiếu ổn định, bởi còn phụ thuộc vào biển. Nay có tủ cấp đông, những ngày biển lặng tôi mua nhiều cá về bảo quản để khi trời mưa gió hay biển động thì vẫn chủ động được nguồn hàng bán thường xuyên, tăng thu nhập cho gia đình.

Hộ chị Nguyễn Thị Liên ở phường Nghi Thuỷ (TX.Cửa Lò) chế biến hải sản.
Hộ chị Nguyễn Thị Liên ở phường Nghi Thuỷ (TX.Cửa Lò) chế biến hải sản.
Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Ngân hàng CSXH Cửa Lò cho biết: Hiện nay, Cửa Lò là đơn vị có dư nợ tín dụng hộ cận nghèo cao nhất tỉnh, đến hết tháng 10, đã giải ngân gần 20 tỷ đồng cho 768 hộ vay, mức vay bình quân 25,9 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn này cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của hộ cận nghèo trên địa bàn. Vốn vay được người dân đầu tư phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm và kinh doanh hải sản khô, tươi sống, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho mỗi hộ dân, giúp họ từng bước cải thiện cuộc sống.
Thanh Chương là huyện miền núi thấp, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nên còn nhiều khó khăn. Toàn huyện hiện có 13.258 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 22,5%, trong đó 10.029 hộ có nhu cầu vay vốn. Sau khi có Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương đã tham mưu cho huyện gửi công văn tới 40 xã, thị trấn trên toàn địa bàn để điều tra về nhu cầu vay vốn hộ cận nghèo. Khi chương trình này được triển khai, người dân rất phấn khởi.
Chị Nguyễn Thị Nhung ở thôn Long, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) được vay 10 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo, gia đình chị đầu tư làm hầm biogas, nuôi 10 con lợn thịt và 2 lợn nái. Chị Nhung chia sẻ: Là hộ nông dân, cuộc sống gắn với 3 sào ruộng, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chỉ đủ lương thực để ăn, cuộc sống rất chật vật. Nhờ được vay vốn, gia đình đầu tư phát triển chăn nuôi, kết hợp tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp nên giảm được chi phí mua thức ăn. Nếu thuận lợi, mỗi năm xuất chuồng 3 - 4 lứa lợn thịt, sau khi trừ chi phí có lãi khoảng 10 triệu đồng/năm, tạo thêm nguồn để nuôi 3 đứa con ăn học.
Chị Trần Thị Nhung, cán bộ Hội Phụ nữ huyện Thanh Chương cho biết: Đến  tháng 10, có 276 hội viên phụ nữ trên địa bàn được vay vốn hộ cận nghèo với số tiền hơn 6,3 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn của hội viên  rất lớn, nhưng nguồn chưa đáp ứng đủ. Từ khi có Quyết định 15 ra đời, người dân rất mong được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế gia đình, hướng đến thoát nghèo bền vững. Đời sống của nhân dân Thanh Chương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nếu chỉ trồng trọt thì không đủ phục vụ cuộc sống, người dân rất cần vốn để phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập nên họ rất mong muốn được vay thêm vốn. Trong điều kiện nguồn vốn còn hạn chế, chúng tôi phải cân đối phù hợp để tạo điều kiện cho nhiều chị em được sử dụng vốn.
Trước đây, hộ cận nghèo ở Thanh Chương chẳng có nguồn nào cho vay, nay được vay vốn người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Nguồn vốn này đã tác động tích cực đối với những hộ mới thoát nghèo chưa bền vững, bởi ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mong manh, chỉ cần gặp một đợt thiên tai là hộ cận nghèo dễ trở thành hộ nghèo.
Ông Lê Hữu Sửu – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương khẳng định: Đến hết tháng 10, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân 18 tỷ đồng với gần 800 hộ cận nghèo được vay vốn, bình quân mức vay 23 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, để đồng vốn cho vay hộ cận nghèo phát huy hiệu quả, công tác định hướng việc làm, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn cách thức làm kinh tế cho các hộ vay vốn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm để nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trở thành động lực, giúp cho những hộ cận nghèo nâng cao đời sống, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Bên cạnh đó, trong quá trình cho vay, ngân hàng và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức hội thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hiệu quả sử dụng nguồn vốn ở từng hộ, đồng thời hướng dẫn các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Hộ cận nghèo có sức lao động nên họ có điều kiện để sử dụng đồng vốn hiệu quả.
Đến đầu tháng 11, cùng với Thị xã Cửa Lò, huyện Thanh Chương, nhiều địa phương trong tỉnh đã đồng loạt giải ngân nguồn vốn hộ cận nghèo như Hưng Nguyên dư nợ 17,7 tỷ đồng, Đô Lương 19 tỷ đồng, Diễn Châu 18 tỷ đồng, Yên Thành 17 tỷ đồng, Quỳnh Lưu 14 tỷ đồng… Tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh 246 tỷ đồng, với 10.671 hộ vay vốn, bình quân mỗi hộ được vay 23 triệu đồng. Tuy nhiên, tỷ trọng của nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo còn rất nhỏ so với các chương trình khác, chỉ chiếm trên 4% tổng nguồn vốn của các chương trình cho vay của chi nhánh Ngân hàng CSXH Nghệ An, và chỉ bằng 12,3% so với nguồn vốn cho vay hộ nghèo. Mặc dù Chính phủ rất quan tâm đến đối tượng hộ cận nghèo, tuy nhiên trong thời gian chưa phải là dài, điều kiện nguồn vốn có hạn của Trung ương, việc đầu tư cho Nghệ An với mức trên cũng không phải là nhỏ so với bình quân chung của cả nước. 
Ông Hoàng Sơn Lam - Trưởng phòng nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng CSXH Nghệ An cho biết: Theo chỉ đạo của Trung ương, địa phương nào nhu cầu cho vay hộ nghèo đã bão hoà (trên cơ sở rà soát thực tế và được sự nhất trí của Trưởng ban đại diện HĐQT cấp huyện) thì có thể xem xét chuyển một phần nguồn vốn cho vay hộ nghèo để cho vay hộ cận nghèo. Do nguồn vốn còn hạn chế, việc xem xét giữa các đối tượng được vay trước cũng được cân nhắc cẩn trọng. Năm 2013, dự kiến cho vay hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh là 745 tỷ đồng, đến hết tháng 10 mới đáp ứng được 33% nhu cầu vốn của người dân. Từ nay đến cuối năm, chi nhánh Ngân hàng CSXH Nghệ An đề nghị với Ngân hàng CSXH Việt Nam cấp thêm 34 tỷ đồng, và chi nhánh tỉnh cân đối 15 tỷ đồng để tiếp tục giải ngân vốn kịp thời cho người dân. Song trong điều kiện hiện tại, nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo chưa thể đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. 
Trước đây, trong khi các hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi về tín dụng, thì các hộ cận nghèo lại không được hưởng ưu đãi về vay vốn dù cuộc sống của họ cũng chẳng khá hơn các hộ nghèo là bao, nên khi được tiếp cận nguồn vốn, các hộ cận nghèo có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, nâng mức thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện nay, lãi suất cho vay hộ cận nghèo đã được Chính phủ cho phép điều chỉnh giảm xuống còn 0,78%/tháng, tạo điều kiện thuận lợi hơn để hộ cận nghèo giảm chi phí vốn vay, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất tạo ra nhiều giá trị vật chất cho gia đình và xã hội.
Gia Trang

Tin mới