Còn đâu, phố sách cũ?

(Baonghean) - Đường Nguyễn Văn Cừ, Thành phố Vinh, không còn là “thiên đường sách cũ” nữa. Các hiệu sách thưa thớt, nhỏ bé giữa những quán hàng sôi động và tấp nập. Nếu như vài năm trước, đường còn được gọi bằng cái tên thân mật là “phố sách cũ”, thì nay hình ảnh những hiệu sách nằm kề nhau chỉ còn trong ký ức… Hầu hết các hiệu sách đều đã đóng cửa để kinh doanh các loại dịch vụ mới. 
Tôi còn nhớ rõ cảm giác phân vân, do dự khi phải chọn một điểm đến cho mình trong rất nhiều hiệu sách quanh đó. Rồi những khi, hiệu sách đông khách đến mức mọi người phải len lỏi, luồn lách giữa khoảng trống chật hẹp của kệ sách để tìm được cuốn sách ưng ý. Thế mà nay, không khí nhộn nhịp ấy cứ nhẹ dần rồi gần như ngưng hẳn…
Bạn đọc tìm mua sách tại hiệu sách cũ Sỷ Thủy trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh). Ảnh: Lâm Tùng
Bạn đọc tìm mua sách tại hiệu sách cũ Sỷ Thủy trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh). Ảnh: Lâm Tùng
Tìm đến nhà sách Hương Thơ hỏi chuyện, chúng tôi mới vỡ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một của phố sách. Đầu tiên là bởi ngày nay, khoa học công nghệ phát triển mạnh, mạng internet trở thành công cụ đắc lực cung cấp nguồn thông tin vô hạn cho con người nên họ “lười” tìm sách. Giả như bạn đang nấu ăn và quên mất cách làm, thật đơn giản khi bên cạnh có chiếc điện thoại để lên mạng tìm kiếm. Cuốn sách dạy nấu ăn chẳng còn cần thiết. Bên cạnh đó, kinh doanh sách cũ thu lợi nhuận thấp mà chi phí duy trì hoạt động cao, vì thế nhiều người bỏ nghề, chuyển sang công việc khác. Chỉ tính riêng tiền thuê mặt bằng kinh doanh hiện nay đã vào khoảng 8 – 10 triệu đồng (cao gấp bốn đến 5 lần so với các năm trước). Không chi trả được buộc các hiệu sách phải đóng cửa.
Vài tiệm sách còn mở cửa buôn bán thường trong tình trạng thiếu khách. Cả buổi sáng chỉ có dăm ba người ghé thăm, mà chưa hẳn đã tìm được cuốn sách đúng sở thích. Chủ hiệu sách Hương Thơ cho biết, mỗi năm chỉ có 2 dịp là tầm tháng 3, 4 khi các sỹ tử đổ xô đi tìm tài liệu ôn thi và tháng 7, 8 là lúc phụ huynh chuẩn bị cho con em đi học là đông khách, còn lại trong năm buôn bán cầm chừng. 
Để tồn tại với nghề, các hiệu sách tập trung vào các đầu sách được thị trường ưa chuộng và nhập sách theo nhu cầu của khách hàng. Cuốn sách nào đang “hot” được độc giả yêu thích thì nhập số lượng lớn hơn. Tài liệu ôn thi đại học, tiểu thuyết,... là những đầu sách được ưa chuộng. Thời điểm  các nước Nhật Bản, Hàn Quốc mở cửa đón lao động nước ngoài thì các loại từ điển, sách dạy ngoại ngữ tiêu thụ mạnh. 
Bạn Nguyễn Linh (sinh viên ĐH Vinh) chia sẻ: “Đã mấy năm nay, mình không đến hiệu sách. Bây giờ trên mạng thông tin gì cũng có và tiện tìm kiếm để đọc. Mua sách tốn kém và không tiện bằng việc mình đọc trên điện thoại”. Sách cũ nói riêng và thị trường sách báo nói chung đang chịu sự “ghẻ lạnh” của độc giả! Sách cũ đang “chết dần” nhưng chưa “tắt” hẳn. Vẫn còn có những người gắn bó, tâm huyết với nghề. Nhà sách Hương Thơ là một trong những hiệu sách cũ đầu tiên trên đường Nguyễn Văn Cừ. Anh bắt đầu bán sách cũ trên vỉa hè từ năm 2000. Năm 2001, anh chính thức thuê mặt bằng kinh doanh. Tính đến nay, gia đình anh đã có hơn 14 năm trong nghề. Đối với anh, sách là tài sản vô cùng quý giá đối với nhân loại. Bán sách là đem tri thức đến với mọi người. Hơn nữa, sách cũ phù hợp với túi tiền của nhiều người, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên công việc của anh cũng xem như đang giúp đỡ cho nhiều người. 
Có thể chẳng bao lâu nữa, đường Nguyễn Văn Cừ sẽ thành phố thời trang, ẩm thực... tấp nập, đông đúc. Ít ai còn nhớ trước đây nó từng nổi tiếng với các hiệu sách cũ. Chỉ còn lại vài ba hiệu sách, điểm đến cho những ai yêu, cần sách cũ và biết trân trọng những giá trị xưa…
Hà An

Tin mới