Đặc sản 'quê Nghệ' và chuyện khởi nghiệp của Vũ

Đặc sản 'quê Nghệ' và chuyện khởi nghiệp của Vũ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Không sinh ra ở Nghệ An nhưng “duyên số” đưa Vũ trở thành một công dân của thành Vinh. Từ bỏ công việc xuất, nhập khẩu và kênh phân phối đã dày công xây dựng ở Đà Nẵng, Vũ về Vinh khởi nghiệp với ước vọng làm cầu nối lan tỏa đặc sản Nghệ An xuất khẩu đi muôn nơi…

Thổi “luồng gió mới” cho gian hàng OCOP

bna-ghep-3-5159.jpg
Chân dung Đào Quang Vũ và cửa hàng đặc sản xứ Nghệ. Ảnh: T.P

Sinh năm 1991 trong một gia đình ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), từ nhỏ, Đào Quang Vũ được gia đình gửi sang học tập ở TP. Vinh (Nghệ An), tốt nghiệp Học viện Tài chính, Vũ vào Đà Nẵng làm cho một công ty xuất, nhập khẩu.

Năm 2015, Vũ mở công ty riêng của mình cũng chuyên về lĩnh vực này. Thường xuyên làm việc với các đối tác Lào, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… Vũ nhận thấy tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam rất rộng mở, và anh quyết định về Nghệ An khởi nghiệp với mong muốn đưa nông sản Nghệ An vươn xa.

“Duyên số” theo như Vũ nói, là vào năm 2019, Vũ lấy vợ người Nghệ An. Đó chính là động lực để Vũ trở về “quê Nghệ”. Rồi cũng là cơ duyên, khi cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương ở TP. Vinh đang cần một người “đứng mũi chịu sào” vực dậy có hiệu quả, Vũ nhận ngay vai trò đó.

bna-vu-952.jpg
Đào Quang Vũ (áo xám, thứ 3 từ trái qua) luôn đồng hành cùng các chủ thể OCOP trong trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: NVCC

Vũ gắn “Cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Nghệ An” với một cái tên gần gũi và thân quen: “Cửa hàng đặc sản xứ Nghệ”. Vũ thuyết phục những người liên quan bằng chiến lược 5 năm với hành trình đưa đặc sản xứ Nghệ vươn xa. Cẩn trọng và tâm huyết, bằng khát vọng đưa sản phẩm OCOP xứ Nghệ vươn xa, Vũ đang dần hiện thực hóa chiến lược.

Vũ đưa cửa hàng trở thành một không gian mở, vừa giới thiệu, vừa bày bán sản phẩm và vừa là nơi tham quan, mua sắm và trải nghiệm. Cửa hàng dần trở thành điểm đến của du khách và là địa chỉ quen thuộc của người tiêu dùng, riêng trong năm 2023 đã đón 40 đoàn khách quốc tế, 200 đoàn khách nội địa và hàng chục nghìn lượt người tiêu dùng. Cửa hàng cũng đã góp phần rất lớn trong hỗ trợ các nhà sản xuất sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An xây được kênh phân phối và chiếm được thị phần ổn định.

bna-trai-ngiem-527.jpg
Vũ xây dựng một không gian trải nghiệm ngay tại cửa hàng đặc sản xứ Nghệ để thu hút khách. Ảnh: T.P

Vũ chia sẻ: “Thuật ngữ “xuất khẩu tại chỗ” mà Thái Lan sử dụng đã giúp quốc gia họ xuất khẩu rất nhiều sản phẩm đi rất nhiều nước trên thế giới. Tôi muốn áp dụng nó cho việc quảng bá sản phẩm OCOP Nghệ An thông qua kênh du lịch và từ đó các sản phẩm sẽ dần lan rộng ra các tỉnh, thành và các quốc gia khác. Con đường đó giúp các nhà cung cấp đỡ chi phí xây kênh phân phối và rất hiệu quả”.

Kinh nghiệm 5 năm làm trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu nông sản, so sánh lợi thế cạnh tranh với Thái Lan, Vũ nhận thấy rằng, nông sản Nghệ An có rất nhiều ưu thế để xuất khẩu: chất lượng, mẫu mã, sản lượng… Tuy nhiên, điểm yếu cũng khá nhiều. Đó là quy trình sản xuất đạt chuẩn, là mã số vùng trồng, là chiến lược giá, là hệ sinh thái về truyền thông, về bao bì, về thương mại điện tử…

bna-goc-trung-bay-5126.jpg
Theo Vũ, để "xuất khẩu tại chỗ" các sản phẩm OCOP thì ngoài chất lượng, mẫu mã sản phẩm rất quan trọng. Ảnh: T.P

Vũ cho hay: “Các sản phẩm OCOP Nghệ An muốn xuất khẩu thì phải xác định được lợi thế sản phẩm; phải lồng vào sản phẩm câu chuyện về vùng, miền, lồng vào đó giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, phải nắm bắt được thị hiếu, thói quen tiêu dùng của mỗi quốc gia.

Chẳng hạn, các nước có thói quen tiêu dùng nhanh nên đóng gói đơn giản, tiện lợi nhất; các nước Nhật Bản, Trung Quốc lại cầu kỳ về hình thức nên bao bì cũng phải thể hiện được sự tỉ mỉ, công phu; các nước tiên tiến lại ưu tiên tiêu dùng xanh… Với kinh nghiệm bản thân tích lũy được, tôi sẵn sàng chia sẻ với các doanh nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ hệ sinh thái để xuất khẩu, tư vấn các thủ tục, chính sách cho các chủ thể”.

Hiện thực hóa giấc mơ thu ngoại tệ từ đặc sản Nghệ An

bna-vu-dang-co-y-dinh-mua-lai-cac-cay-tra-co-thu-o-huoi-tu-de-bao-ton-4395.jpg
Vũ lặn lội lên huyện Kỳ Sơn, tìm mọi cách để bảo tồn những cây chè Shan tuyết cổ thụ. Ảnh: NVCC

Và trên “hành trình” đó, vừa đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm OCOP vươn xa, xuất khẩu sang các nước, Vũ cũng đi đầu trong hiện thực hóa mục tiêu “thu ngoại tệ từ đặc sản địa phương”. Vũ chọn sản phẩm gừng Kỳ Sơn và chè Shan tuyết Huồi Tụ (Kỳ Sơn) để chế biến sâu thành những sản phẩm vừa mang tính đặc trưng, được thị trường các nước đón nhận vừa có giá trị xuất khẩu cao.

Đặc tính của gừng dé Kỳ Sơn là dược tính cao, nóng, thơm có thể chế biến thành các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như: thanh lăn thảo dược; túi lọc ngâm chân, xịt khử giày… Hiện tại, sản phẩm thanh hít thảo dược đã có mặt trên thị trường, được đưa đi chào hàng ở các nước hàn đới như Đức, Áo,… và nhận được sự phản hồi tích cực từ khách hàng.

bna-tra-shan-tuyet-huoi-tu-5340.jpg
Sản phẩm trà hướng đến xuất khẩu đang mở ra hướng đi mới cho vùng chè Shan tuyết Kỳ Sơn. Ảnh: T.P

“Nếu sản phẩm chế biến sâu từ gừng xuất khẩu thành công thì không những đa dạng hóa các mặt hàng từ một đặc sản địa phương có chỉ dẫn địa lý, mà còn giúp người dân tiêu thụ gừng nguyên liệu dễ dàng hơn với mức giá cao hơn”, Vũ chia sẻ.

Một trong những sản phẩm tâm huyết nữa của Vũ là phát triển trà Shan tuyết Huồi Tụ thành dòng trà đẳng cấp và khác biệt. Bởi theo Vũ, bản thân giống cây chè Shan tuyết đã là một điều đặc biệt, ít nơi có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để trồng. Ở Việt Nam, chè Shan tuyết có mặt ở một số địa phương như Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An… Và mỗi nơi, với đặc trưng khí hậu, với thổ nhưỡng khác nhau, nên sản phẩm trà vì thế cũng khác nhau.

bna-vu-va-cong-su-mang-tra-shan-tuyet-huoi-tu-tham-gia-le-hoi-tra-tai-dai-loan-5206.jpg
Đào Quang Vũ (trái) và cộng sự đưa sản phẩm trà Shan tuyết Kỳ Sơn đi tham gia Hội trà quốc tế tại Đài Loan. Ảnh: NVCC

“Chè Shan tuyết Huồi Tụ có một hương vị riêng rất ít vùng khác có được. Đó là sản phẩm trà đẹp, dư vị ngọt kéo dài. Đặc biệt, cây chè Shan tuyết Huồi Tụ gắn với đời sống của đồng bào Mông, với bản tính siêng năng, cần cù, đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng. Do đó, sản phẩm trà Shan tuyết Huồi Tụ mang đậm giá trị văn hóa vùng, miền. Hiện chúng tôi đã cho ra đời 2 dòng trà chế biến từ những cây chè Shan tuyết Huồi Tụ, đó là lục trà và hồng trà”, Vũ cho biết.

Để đưa sản phẩm trà Shan tuyết vươn xa thì bản thân Vũ đã cất công tìm hiểu về đặc tính của cây chè Shan tuyết Kỳ Sơn; cùng ăn, cùng ở, cùng chăm sóc, thu hái chè với đồng bào Mông; khoác ba lô đi đến tất cả các vùng trà cổ thụ tại Việt Nam; lặn lội sang các nước có văn hóa trà đặc sắc như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,… để học tập, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.

bna-dao-quang-vu-gioi-thieu-tra-shan-tuyet-huoi-tu-o-pho-di-bo-vinh-2619.jpg
Vũ đưa trà Shan tuyết tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ... để quảng bá sản phẩm. Ảnh: T.P

Quá trình tìm hiểu, Vũ nhận thấy rằng, cơ hội xuất khẩu trà Shan tuyết có dư địa lớn và mang lại giá trị cao. Tuy nhiên, lộ trình đến đích còn dài, còn phải có những trải nghiệm và hoàn thiện. Nhưng khi lục trà và hồng trà chế biến từ chè Shan tuyết Huồi Tụ đã trở thành vật phẩm làm quà tặng của nhiều đơn vị; được tham gia Lễ hội trà ở Đài Loan 2023, là “bước tiến dài” trong việc đưa cây chè Shan tuyết Huồi Tụ ra thị trường thế giới.

Tin mới