Đảm bảo quyền lợi cho người lao động trước yêu cầu tăng năng suất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Tăng năng suất lao động là một yêu cầu tất yếu của bất cứ lĩnh vực sản xuất nào. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, yêu cầu này lại càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, chỉ số này cần “tỷ lệ thuận” với việc đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Thực trạng năng suất lao động tại Nghệ An

Giai đoạn 2016 - 2020, doanh nghiệp Nghệ An phát triển nhanh về số lượng, hoạt động đa dạng ở các ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đến cuối năm 2021, Nghệ An có 14.050 doanh nghiệp đang hoạt động, đứng thứ 9 cả nước và thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025 Nghệ An phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 30.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 20.000 doanh nghiệp hoạt động.

Năng suất lao động tỉnh Nghệ An vẫn còn thấp, chỉ bằng 64,28% bình quân của cả nước. Ảnh: CSCC
Năng suất lao động tỉnh Nghệ An vẫn còn thấp, chỉ bằng 64,28% bình quân của cả nước. Ảnh: CSCC

Tính đến ngày 30/6/2022, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã thành lập được 542 Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp với tổng số đoàn viên là 80.572 người. Trong đó, 37 công đoàn cơ sở là doanh nghiệp FDI, chiếm 6,8%; Công đoàn tại các công ty cổ phần là 225 Công đoàn cơ sở, chiếm 41,5 %; Công đoàn tại các công ty trách nhiệm hữu hạn là 112 Công đoàn cơ sở, chiếm 20,6%, còn lại là các loại hình khác.

Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ yếu của tỉnh đạt mức khá so với cả nước, tốc độ đổi mới công nghệ/thiết bị của Nghệ An đạt 15%. Năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao đạt 20%. Năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc đạt 66,4%, trong đó văn bằng chứng chỉ có 26,3%. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn nhiều hạn chế, trình độ tay nghề, kỷ luật lao động chưa cao, tác phong công nghiệp, ngoại ngữ của người lao động còn hạn chế.

Nhìn chung, nhiều chỉ tiêu đánh giá về doanh nghiệp của tỉnh chưa bằng mức bình quân chung của cả nước (mật độ doanh nghiệp/1.000 dân trong độ tuổi lao động mới bằng 43,5% mức bình quân chung của cả nước, thu nhập bình quân lao động chỉ bằng 65% mức bình quân chung cả nước...). Quy mô các doanh nghiệp nhỏ (97,03% số doanh nghiệp của tỉnh là siêu nhỏ và nhỏ), vốn ít, công nghệ lạc hậu, thiếu lao động kỹ thuật, trình độ quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, hiệu quả thấp và chưa có nhiều thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế; môi trường làm việc còn nhiều hạn chế. Vì vậy, năng suất lao động tại các doanh nghiệp Nghệ An chưa cao, chưa có tính cạnh tranh.

Việc tăng năng suất lao động hết sức cần thiết, thể hiện được sức hút đầu tư, đóng góp thêm được nhiều nguồn thu cho địa phương. Dưới góc độ của một nhà đầu tư việc tăng năng suất lao động lại càng cần thiết, vì nó đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp trong khi chi phí bỏ ra ít hơn. Tuy nhiên, dưới góc độ của một người lao động, họ sẽ tự hỏi, tăng năng suất lao động, người công nhân sẽ được gì? Hay họ sẽ phải làm thêm giờ nhiều hơn để làm ra nhiều sản phẩm hơn, trong khi các khoản tiền lương, làm thêm giờ không cao bởi mức lương tối thiểu vùng còn thấp?

Đại diện Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Tập đoàn An Hưng chia sẻ về năng suất lao động. Ảnh tư liệu: Công Kiên
Đại diện Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Tập đoàn An Hưng chia sẻ về năng suất lao động. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Tổ chức ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) chỉ ra rằng, tăng năng suất lao động đóng vai trò quan trọng đối với việc tăng lương thực tế và cải thiện mức sống của người lao động về dài hạn. Khi mức giá trị gia tăng bình quân trên mỗi người lao động tăng lên, doanh nghiệp có thể có khả năng trả lương cao hơn trong khi vẫn duy trì khả năng cạnh tranh.

Còn theo PGS.TS. Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, khi năng suất lao động cao thì người lao động được trả lương cao, ngược lại, tiền lương, thu nhập có tác động trở lại đến năng suất lao động.

Như vậy, quan điểm về tăng năng suất lao động sẽ có các cách hiểu khác nhau giữa người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp. Vì vậy, rất cần có sự giải thích, tuyên truyền để người lao động thấy được lợi ích khi năng suất lao động tại doanh nghiệp được tăng lên. Đồng thời, cũng phải làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động để tăng năng suất lao động. Đây là một trong những trách nhiệm, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Trách nhiệm của tổ chức Công đoàn

Để bảo đảm hài hoà trong mối quan hệ lao động khi tăng năng suất lao động, cán bộ Công đoàn cần thay đổi quan điểm của người lao động về tăng năng suất lao động, cũng như kiến nghị với chủ doanh nghiệp những cơ chế hỗ trợ đi kèm để tăng năng suất lao động, chứ không phải tăng năng suất lao động theo hướng giảm thiểu các chi phí và yêu cầu người lao động làm thêm giờ nhiều hơn để tăng số lượng sản phẩm. Để thực hiện điều đó, các cấp Công đoàn cần tiến hành triển khai nhiều giải pháp tích cực.

Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Toạ đàm với chủ đề "Thực trạng và giải pháp công đoàn trong nâng cao năng suất lao động tại các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay". Ảnh tư liệu: Công Kiên
Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Toạ đàm với chủ đề "Thực trạng và giải pháp công đoàn trong nâng cao năng suất lao động tại các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay". Ảnh tư liệu: Công Kiên

Một là, các cấp Công đoàn cần kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng chính quyền địa phương xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, có các cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp có công nghệ cao đầu tư, có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, tay nghề cao.

Hai là, các cấp Công đoàn cần tuyên truyền, giải thích cho người lao động về năng suất lao động và kết quả của tăng năng suất lao động. Người lao động sẽ nhận được những ưu đãi tốt hơn từ việc doanh nghiệp tăng năng suất lao động, như việc làm ổn định, thu nhập tăng thêm, điều kiện lao động được cải thiện. Từ đó, vận động người lao động khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay về ý thức tác phong công nghiệp, kỹ năng trình độ tay nghề, ý thức chấp hành kỷ luật, quy trình các bước để khiếu nại giải quyết những bất đồng trong quan hệ lao động, tránh đình công trái pháp luật. Bên cạnh đó, Công đoàn cần tổ chức các đợt tuyên truyền để người lao động hiểu được trách nhiệm của cá nhân trong việc tự học tập nâng cao trình độ để giữ ổn định chỗ làm việc. Tăng năng suất lao động đi liền với tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao, kết hợp hiệu quả giữa lao động và máy móc theo từng công đoạn sản xuất… thì nguy cơ bị đào thải, mất việc làm của người lao động sẽ cao.

Ba là, phải ổn định sản xuất, hạn chế các tranh chấp lao động và đình công trong quá trình tăng năng suất lao động. Công đoàn và người sử dụng lao động cần đảm bảo dân chủ, đối thoại thường xuyên tại doanh nghiệp để hạn chế đình công. Để thực hiện nhiệm vụ này thì Công đoàn chủ động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Bên cạnh đó, đề xuất ban hành các quy chế dân chủ, trả lương, thưởng, công khai một số kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

Tổ chức Công đoàn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người lao động trước yêu cầu tăng năng suất lao động. Ảnh: Diệp Thanh

Tổ chức Công đoàn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người lao động trước yêu cầu tăng năng suất lao động. Ảnh: Diệp Thanh

Bốn là, Công đoàn cần thương lượng với người sử dụng lao động quan tâm cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, hạn chế tác động xấu của môi trường tự nhiên vào quá trình làm việc của công nhân lao động, quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, bởi khi có tay nghề cao người lao động mới nâng cao được năng suất lao động.

Tin mới