Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Lý luận phải gắn với thực tiễn

(Baonghean) - Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có vai trò quan trọng trong công tác cán bộ, nhất là việc xây dựng và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Với quan điểm đó, trong những năm qua, Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, đề án, và các cơ chế, chính sách, các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ tỉnh đến huyện được củng cố; thực hiện việc liên kết đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa và nâng cao trình độ, chất lượng, năng lực thực hiện nhiệm vụ, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Hiện nay, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong thời gian qua vẫn còn có những hạn chế cần được quan tâm như việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở một số nơi chưa đồng bộ giữa số lượng với chất lượng và cơ cấu chưa sát với quy hoạch, chưa gắn với nhu cầu sử dụng cán bộ của cơ quan, đơn vị; chương trình, tài liệu còn chậm đổi mới, thiếu cập nhật thông tin, kiến thức mới, đặc biệt là nội dung đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu cân đối giữa việc trang bị trình độ lý luận chính trị với kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, trong đào tạo còn nặng nề về lý thuyết, kiến thức thực tiễn chưa nhiều, nhất là kiến thức quản lý chuyên ngành, lĩnh vực, các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng hành chính, thái độ ứng xử, làm việc...

Cán bộ Trường Chính trị tỉnh tìm hiểu thực tế ở Phúc Thành (Yên Thành). Ảnh: Trần Thiều quang
Cán bộ Trường Chính trị tỉnh tìm hiểu thực tế ở Phúc Thành (Yên Thành). Ảnh: Trần Thiều Quang
Trong công tác lãnh đạo, quản lý điều hành của một bộ phận cán bộ, nhất là cơ sở vẫn còn gặp khó khăn: Năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là kỹ năng, nghề nghiệp còn hạn chế; khả năng tập hợp vận động quần chúng chưa đáp ứng được yêu cầu; kỹ năng thực hành, xử lý tình huống ở một số đồng chí còn yếu... Đây chính là vấn đề đặt ra cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của tỉnh nhà trong thời gian tới.
Thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-TƯ ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý, Trường Chính trị Nghệ An và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành, thị cần tăng cường phối hợp với các cấp ủy, ban, ngành, dựa trên cơ sở quy hoạch, xác định rõ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của từng bộ phận, từng chức danh để tiến hành các loại hình đào tạo bồi dưỡng phù hợp. Đồng thời quan tâm phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ trong quá trình tuyển sinh, mở lớp đào tạo và sử dụng cán bộ sau đào tạo.
Để làm được như vậy, đòi hỏi phải đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức; chú ý bồi dưỡng kiến thức kỹ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết tình huống cụ thể. Cùng với việc tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ trong quy hoạch, cán bộ trẻ, cán bộ dự nguồn, đảm bảo cân đối giữa loại hình đào tạo tập trung và đào tạo tại chức. Thực hiện chế độ bắt buộc cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp tham gia bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới theo quy định của Trung ương; Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên; tăng cường các hoạt động hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, chọn mô hình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn ở cơ sở...
Ngày 26/5/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TƯ về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nghị quyết chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.
2. Ðổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng chức danh cán bộ.
3. Tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.
4. Kiện toàn hệ thống cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu, tham mưu về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.v

Cùng với đó, tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu, tham mưu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thực tế cho thấy, xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành, thị có phẩm chất chính trị, có đạo đức, lối sống trong sạch, có niềm tin, có kiến thức mới gắn với kinh nghiệm thực tiễn, là nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo. Xây dựng đội ngũ giảng viên tại Trường Chính trị tỉnh có trình độ chuyên môn cao, với hình thức gửi đi đào tạo, nghiên cứu sinh, thạc sỹ theo các chuyên ngành, các lĩnh vực, tăng cường tham gia tập huấn, bồi dưỡng theo các chuyên đề. Tổ chức cho giảng viên tham gia đảm nhận các đề tài nghiên cứu khoa học, nghiên cứu , tổng kết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Hàng năm, có kế hoạch đưa một số giảng viên đi nghiên cứu thực tế, tham gia các hoạt động quản lý tại các địa phương, tích lũy vốn sống kinh nghiệm thực tế để vận dụng vào các bài giảng. Đây chính là điều kiện để chuyển từ “dạy cái giảng viên có sang dạy cái học viên cần” với phương pháp dạy học tích cực.

Đồng thời, cần quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các chuyên gia, các nhà khoa học, nghiên cứu thực tiễn... tham gia báo cáo các chuyên đề trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Quan tâm, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang, thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học viên. Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng thì việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang, thiết bị cho việc dạy và học tại Trường Chính trị tỉnh, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành, thị có vai trò hết sức quan trọng. Thực tế đã cho thấy, cùng với việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên thì không gian, môi trường, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu như hội trường, phòng học đa chức năng, thư viện điện tử, hệ thống máy chiếu..., điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của học viên cũng cần được quan tâm đúng mức, làm cho mỗi cán bộ, công chức khi tham gia quá trình đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo là một quá trình tích lũy, chiêm nghiệm, quá trình tự hoàn thiện mình để tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới.
Th.sỹ Nguyễn Thanh Hiền 
(Tỉnh ủy viên, Hiệu Trưởng Trường Chính trị Nghệ An)

Tin mới