Để Ngày hội hoa hướng dương không 'sớm nở tối tàn'!

(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội hoa hướng dương.
- Thưa ông, theo kế hoạch, ngày 25/12 tới, tại huyện Nghĩa Đàn tổ chức Ngày hội hoa hướng dương gắn với Đêm hội sắc Xuân miền Tây. Mặc dù chưa diễn ra, nhưng sự kiện trên đang thu hút sự quan tâm theo dõi của người dân trong và ngoài tỉnh. Xin ông thông tin thêm cho bạn đọc Báo Nghệ An về sự kiện này? 
- Bắt đầu từ năm 2012, Tập đoàn TH đưa vào trồng cây hoa hướng dương để bổ sung nguồn thức ăn cho bò sữa. Từ đó, cánh đồng hoa hướng dương đã có sức thu hút rất lớn đối với du khách và nhân dân từ khắp mọi miền đất nước. Mỗi dịp hoa nở, hàng ngày cánh đồng hướng dương thu hút hàng ngàn lượt người đến tham quan, thưởng ngoạn và chụp ảnh lưu niệm. 
Du khách thăm quan  cánh đồng hoa hướng dương
Du khách thăm quan cánh đồng hoa hướng dương.
Hiệu ứng lan tỏa từ hoa hướng dương đã thúc đẩy một số dịch vụ phát triển như: Dịch vụ ăn uống, giải khát, trông giữ xe, cho thuê thang chụp ảnh,… Bên cạnh đó, cảnh đẹp cánh đồng hoa hướng dương được các kênh truyền thông, nhất là trang mạng xã hội giới thiệu, đưa tin đã có tác dụng rất lớn đến việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Nghệ An nói chung, miền Tây nói riêng cũng như trong nước và quốc tế. 
Đáng nói, thứ nhất điểm nhấn của Ngày hội hoa hướng dương 2016 là gắn với khai mạc Đêm hội sắc Xuân miền Tây với sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quần chúng các huyện, thị miền núi tỉnh Nghệ An (Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, TX Thái Hòa, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong, Anh Sơn) và đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Điểm nhấn nữa là Cuộc thi người đẹp Ngày hội hoa hướng dương với đối tượng dự thi là nữ có độ tuổi từ 18 đến 27, là người Nghệ An đang sinh sống, học tập, công tác, lao động trong tỉnh, trong nước.
Ngoài ra còn có những hoạt động khác như: Thi, triển lãm ảnh đẹp về cánh đồng hoa hướng dương và đất nước, con người vùng miền Tây Nghệ An; tổ chức các hoạt động thể thao; tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản vật miền Tây Nghệ An; tổ chức các chương trình tham quan các tuyến, điểm du lịch Nghệ An và vùng miền Tây của tỉnh.
- Việc tổ chức Ngày hội hoa hướng dương sẽ được duy trì như thế nào khi mà việc trồng loài cây này phụ thuộc vào thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - cụ thể là Công ty CP chuỗi thực phẩm TH. Ví như năm nay, công ty có thể trồng vùng này nhưng năm sau phải trồng khu vực khác?
- Tôi xin lưu ý một điều là năm nay Nghệ An tổ chức Ngày hội hoa hướng dương, chứ không phải lễ hội. Hai khái niệm này có phần giống nhau, nhưng cũng có những nội dung khác nhau. Lễ hội cần có tính ổn định, cả về địa điểm, thời gian và các yếu tố khác. Còn ngày hội thì linh hoạt hơn. Như thế, việc tổ chức Ngày hội hoa hướng dương năm nay cũng là bước thử nghiệm đầu tiên. Nếu thành công sẽ chuyển giao cho UBND huyện Nghĩa Đàn và Tập đoàn TH tổ chức hàng năm.
- Thưa ông, miền Tây Nghệ An có rất nhiều sản vật đặc trưng, đơn cử như cam Vinh - là loại cây ăn quả có quy mô, diện tích lớn nhất và chất lượng đứng đầu cả nước. Liệu trong tương lai chúng ta có thể xây dựng một ngày hội dành riêng cho cây cam giống như hoa hướng dương hay không?
-  Tôi cũng hy vọng như vậy. Nhưng đây sẽ là cả một “câu chuyện dài”. Trước mắt chúng ta phải tổ chức tốt Ngày hội hoa hướng dương, từ đó rút kinh nghiệm và xem xét về nhiều mặt rồi mới tính đến việc điều chỉnh bổ sung, duy trì, hay nhân rộng.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đào Tuấn
(Thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới