Để nụ cười con sáng mãi sau cánh cửa

(Baonghean.vn) - Chị Trần Thị Duyên - mẹ liệt sỹ Nguyễn Anh Duy thổn thức: "Giờ con hy sinh, quần áo của cháu tôi giữ lại hết. Đêm nào cũng ôm những chiếc áo xanh bộ đội vào lòng, gối lên đầu để nguôi nỗi nhớ thương, để nụ cười của con sáng mãi sau cánh cửa”…

Rạng sáng ngày 18/10/2020 vụ lở núi nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4.

22 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh do đất đá vùi lấp. Trong số 22 người hy sinh, có 4 sỹ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sỹ, trong đó có 8 cán bộ, chiến sỹ là người Nghệ An.

Trước đó, ngày 13/10, vụ lở núi tại Trạm Kiểm lâm 67 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã khiến 13 sỹ quan, cán bộ, chiến sỹ hy sinh, trong đó Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4. Và tại đây cũng có 4 cán bộ, chiến sỹ người Nghệ An hy sinh.

Sau 2 vụ việc, tỉnh Nghệ An có 12 cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Giữa thời bình máu các anh đã hòa vào lòng đất Mẹ để mảnh đất miền Trung gánh hai đầu đất nước mãi là vùng phên dậu vững bền.

Lễ di quan, đưa các liệt sỹ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 về quê mai táng. Ảnh tư liệu: Trọng Kiên
Lễ di quan, đưa các liệt sỹ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 về quê mai táng. Ảnh tư liệu: Trọng Kiên

NỖI LÒNG NGƯỜI MẸ

Chúng tôi có mặt tại gia đình chị Trần Thị Duyên sau 9 ngày Trung sỹ Nguyễn Anh Duy hy sinh. Trong buổi sáng mùa Thu, sau đợt mưa bão của trung tuần tháng 10, bầu trời đã quang, nắng đã ấm áp hơn trong ngôi nhà nhỏ nằm giữa xóm Nam Kẻ Gai, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên.

Từ hôm Anh Duy mất, mỗi ngày, gia đình chị Duyên vẫn liên tiếp đón các đoàn khách từ khắp nơi đến thắp hương, tưởng niệm người chiến sỹ - liệt sỹ tuổi đời vừa mới đôi mươi.

Nguyễn Anh Duy tặng hoa cho mẹ nhân sinh nhật; Anh Duy cùng mẹ (giữa) và người thân trước giờ nhập ngũ. Ảnh: GĐCC
Nguyễn Anh Duy tặng hoa cho mẹ nhân ngày sinh nhật; Anh Duy cùng mẹ (giữa) và người thân trước giờ nhập ngũ. Ảnh: GĐCC

Trên di ảnh, sau làn khói hương, chàng trai Nguyễn Anh Duy vẫn giữ nụ cười tươi trẻ, ánh mắt như vẫn ngời lên niềm tin thường thấy của người chiến sỹ. Nhưng mẹ của Anh Duy vẫn lâng khâng như bước trên dây, cho đến lúc này chị vẫn không tin con mình đã ra đi mãi mãi: “Vào hôm thứ Sáu, trước khi xảy ra vụ sạt lở 2 ngày, cháu còn gọi điện về hỏi: - Mẹ ơi ở nhà trời mưa có can chi không? Rồi lại trấn an: - Đơn vị con ở trên đồi không việc chi, mẹ yên tâm, đừng lo. Vậy mà...”.

Người mẹ ấy đưa tay lên ngực để cố xoa dịu cơn nghẹn ngào chực trào lên: “Anh Duy mất cha năm 2016. Sau khi chồng tôi mất, cháu bảo: - Kể từ nay Anh Duy không để mẹ khổ. Anh Duy nuôi mẹ suốt cả cuộc đời. Và cũng kể từ đó, không bao giờ nó xin mẹ một đồng. Trước khi đi bộ đội, nó đã làm sinh nhật cho mẹ. Vào ngày 8/3 nó lặng lẽ mua một bông hoa hồng, về trao cho mẹ rồi còn ôm mẹ mà thơm. Cũng kể từ khi cha mất, mỗi ngày lễ con đều mua hoa tặng mẹ. Trong tâm hồn trong sáng, nhạy cảm ấy, cháu thấu hiểu được sự mất mát ghê gớm mà tôi trải qua và con muốn làm tất cả để thay cha bù đắp cho mẹ...

Còn nhớ năm 2019 khi con trai được gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, chị Trần Thị Duyên ngỏ ý với Anh Duy: “Mẹ thường xuyên đau ốm, hay là để xin các anh, các chú miễn cho. Duy trả lời: "Nếu ai cũng xin như thế thì còn ai đi bộ đội nữa mẹ ơi. Mẹ yên tâm, 2 năm nghĩa vụ chỉ như một giấc ngủ. Vụt một cái Anh Duy lại về với mẹ ấy mà". Chồng mất, tôi vẫn giữ lại những bộ quần áo của anh ấy, khi nào nhớ quá thì úp mặt tìm hơi ấm từ tấm áo cũ. Giờ con hy sinh, quần áo của cháu tôi giữ lại hết. Đêm nào cũng ôm những chiếc áo xanh bộ đội vào lòng, gối lên đầu để nguôi nỗi nhớ thương, để nụ cười của con sáng mãi sau cánh cửa”…

“Trong 3 đứa con, nó là út, sống rất giàu tình cảm. Khi còn ở nhà, không bao giờ nó để mẹ phải rửa bát.  Lợn, gà nó cũng giành làm thay giúp mẹ. Tháng 6 vừa rồi cháu được đơn vị thưởng phép. Về đến nhà nó gọi người đến dập ruộng (gặt đập lúa) rồi tự trả tiền. Trước khi vào lại đơn vị, nó còn đưa cho tôi 1 triệu đồng rồi bảo: “Con chỉ cần tiền xe vào đơn vị là được. Con rượu không uống, thuốc không hút, tiền chỉ là lá "da" (đa)”...

Bộ quân phục của con trai chị Duyên vẫn giữ để nguôi nỗi nhớ. Ảnh: Đào Tuấn
Bộ quân phục của con trai chị Duyên vẫn giữ để nguôi nỗi nhớ. Ảnh: Đào Tuấn

MỘT LỜI KHÔNG THỂ NÓI HẾT

Trong số 22 liệt sỹ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh, Trung sỹ Nguyễn Anh Duy là 1 trong 3 người trẻ nhất. Anh sinh ngày 04/01/2000. Và đặc biệt hơn, Anh Duy là người theo đạo Công giáo.

Từ khi gia đình chị Duyên nhận tin dữ, mọi việc đều cậy vào sự lo lắng, sắp đặt của những người thân. Đó là người anh chồng, bác ruột của liệt sỹ Nguyễn Anh Duy, ông Nguyễn Văn Thảo và người em gái của chị Duyên. Ông Thảo nói rằng, nỗi đau dù không ai ngờ đã bất ngờ ập đến. Điều an ủi lớn nhất đối với gia đình là Anh Duy đã vì quê hương, vì đất nước, vì thực hiện nhiệm vụ cứu đồng bào lũ lụt miền Trung mà hy sinh.

“Sự hy sinh của cháu so với nhiều người khác chỉ là hạt cát bé nhỏ, nhưng điều khiến gia đình chúng tôi rất đỗi tự hào và biết ơn là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, của các cơ quan ban, ngành, đoàn thể, Nhân dân dành cho cháu” - ông Nguyễn Văn Thảo bày tỏ. Ông còn cho biết, từ khi nhận được tin liệt sỹ Nguyễn Anh Duy hy sinh, gia đình đã nhận được sự quan tâm hết sức chu đáo, hết lòng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị,…

ông Nguyễn Văn Thảo - bác ruột liệt sỹ Nguyễn Anh Duy

Lễ an táng 22 liệt sỹ được tổ chức trang nghiêm, thiêng liêng với sự có mặt chia buồn, động viên của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Đoàn của tỉnh Nghệ An có ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vào dâng hoa, dâng hưởng tưởng niệm và đón các liệt sỹ quê hương về với đất mẹ.

“Một lời không thể nói hết lòng biết ơn của gia đình. Như huyện Hưng Nguyên và xã Hưng Tây, khi gia đình còn đang ở Quảng Trị để chờ đón liệt sỹ thì tại quê nhà, Huyện đội và Xã đội đã đến nhà sắp đặt, bố trí mọi việc để lo lễ tang cho cháu. Các anh còn tiến hành tập dượt các nghi thức để làm sao tang lễ được tổ chức trang trọng nhất, thiêng liêng nhất” - ông Nguyễn Văn Thảo tâm sự và cho hay, khi thi hài của liệt sỹ Nguyễn Anh Duy đưa về, gia đình đã nhận được sự chia sẻ, động viên của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tỉnh Nghệ An. Đó còn là sự sẻ chia, của các sở, ban, ngành trên toàn tỉnh; của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nhiều địa phương. Đặc biệt, có những đoàn xa xôi như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ… cũng đến đây từ rất sớm tiễn đưa liệt sỹ.

Từ khi hay tin liệt sỹ Nguyễn Anh Duy hy sinh, có rất nhiều tổ chức, cá nhân đến động viên, chia sẻ với gia đình. Ảnh: Đào Tuấn
Từ khi hay tin liệt sỹ Nguyễn Anh Duy hy sinh, có rất nhiều tổ chức, cá nhân đến động viên, chia sẻ với gia đình. Ảnh: Đào Tuấn

“Gia đình chúng tôi là giáo dân, và ngay khi Nguyễn Anh Duy hy sinh, đã được cộng đoàn khắp nơi nguyện cầu, dẫn dắt linh hướng. Các linh mục, các cha và các đoàn từ Đại chủng viện Huế, Đại chủng viện Vinh Thanh, Tòa Giám mục Giáo phận Vinh, các giáo xứ, giáo họ, bà con, nhân dân gần xa… đã vì lòng thương mến, cảm phục mà đến với cháu, với gia đình. Gia đình vô cùng cảm kích” - ông Nguyễn Văn Thảo nói.

Ông Phan Văn Anh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hưng Tây cho hay, cũng vì lòng cảm kích đó, khi lãnh đạo xã đến viếng liệt sỹ Nguyễn Anh Duy cùng với 10 triệu đồng, là số tiền do cán bộ, công chức xã quyên góp hỗ trợ, chị Duyên ngỏ ý không nhận và nhường số tiền đó cho những gia đình khó khăn hơn mình. Và điều mà tôi được chứng kiến là khi Hội Chữ thập đỏ tỉnh cùng một doanh nghiệp đến viếng liệt sỹ và trao tiền hỗ trợ cho gia đình, chị Duyên đã nói rằng, gia đình muốn nhường số tiền ấy cho người khác để thay cho lời tri ân…

Khi các tổ chức đến hỗ trợ gia đình, chị Trần Thị Duyên nhiều lần ngỏ ý nhường lại cho những trường hợp khác khó khăn hơn như một sự tri ân. Ảnh: Đào Tuấn
Khi các tổ chức đến hỗ trợ gia đình, chị Trần Thị Duyên nhiều lần ngỏ ý nhường lại cho những trường hợp khác khó khăn hơn như một sự tri ân. Ảnh: Đào Tuấn

Danh sách 8 quân nhân người Nghệ An hy sinh trong vụ lở núi ở Đoàn KT-QP 337:

1. Trung tá Phùng Thanh Tùng (sinh năm 1979)
- Nguyên quán: Phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò.
2. Trung tá QNCN Bùi Đình Toản, sinh ngày 20/10/1970
- Nguyên quán: Xã Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai.
3. Thiếu tá  QNCN Nguyễn Cảnh Trung, sinh ngày 9/12/1978
- Nguyên quán: Xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương.
4. Thượng úy QNCN Trần Văn Toàn, sinh ngày 02/5/1983
- Nguyên quán: Xã Xuân Thành, huyện Yên Thành.
5. Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Thu, sinh ngày 2/2/1984
- Nguyên quán: Xã Tăng Thành, huyện Yên Thành.
6. Thượng úy QNCN Lê Cao Cường, sinh ngày 10/5/1983
- Nguyên quán: Xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên.
7. Trung sỹ Nguyễn Anh Duy, sinh ngày 4/1/2000
- Quê quán: Xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên.
8. Trung sỹ Nguyễn Quang Sơn, sinh ngày 25/4/2001
- Quê quán: Xã Thái Sơn, huyện Đô Lương.

Tin mới