Để Văn chỉ tổng Cát Ngạn không trở thành phế tích!

(Baonghean.vn) - Văn chỉ tổng Cát Ngạn là một chứng tích lịch sử quan trọng được ví như Văn miếu thu nhỏ của vùng Cát Ngạn xưa. Tuy nhiên, hiện nay, việc phục dựng, di dời Văn chỉ này còn nhiều bất cập.

Theo thông tin được khắc trên Văn chỉ, vào năm Khải Định thứ 10 (1925), Văn hộ tổng Cát Ngạn đã cử 2 ông Võ Văn Tộ - Cử nhân khoa Nhâm Tý (1912) và ông Nguyễn Phượng Lãm - Cử nhân khoa Mậu Ngọ (1918) chủ trì soạn văn bia và trông coi việc di chuyển, tu tạo Văn chỉ.

Văn chỉ gồm 3 tấm bia đá được dựng trên đỉnh Gò Cao, thuộc xã Cao Môn (nay là xã Thanh Liên) hướng trông về đỉnh Tháp Bút - một biểu tượng của đất học Thanh Chương. Ba tấm bia ghi rõ danh tính các vị đỗ Đại khoa (Thám hoa, Tiến sĩ), các vị Cử nhân, Tú tài trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam của tổng Cát Ngạn cũng như công tích đóng góp, tôn tạo của các bậc thức giả.

tháp bút
Ngọn Tháp Bút trên địa phận xã Thanh Liên - cách Di tích Văn chỉ tổng Cát Ngạn chừng  trên 1.000m về phía Nam. Văn chỉ, Tháp Bút  là những biểu tượng cho vùng đất hiếu học Thanh Chương. Ảnh tư liệu
Thời điểm đó, tổng Cát Ngạn được tính từ xã Cát Ngạn về Đức Nhuận (là xã Thanh Liên ngày nay) của huyện Thanh Chương. Vốn là vùng đất hiếu học, Tổng Cát Ngạn ngày đó có nhiều vị danh sỹ đỗ đạt cao như vị Đại khoa năm Đinh Hợi (1467) - Đinh Bộ Cương; Nguyễn Ngọc Dật - Thám hoa khoa Bính Ngọ (1546), Nguyễn Thế Bình - Tiến sỹ khoa Ất Mùi (1775)… Tất cả đều được ghi chép một cách rõ ràng, cẩn thận vào Văn chỉ.
Tuy nhiên, sau khi ông Võ Văn Tộ và ông Nguyễn Phượng Lãm qua đời thì việc trông coi và tu tạo Văn chỉ gần như bị lãng quên. Cùng với sự tàn phá của thiên tai và chiến tranh loạn lạc thì chứng tích này cũng dần mai một. Văn chỉ trải qua hàng chục năm “phơi sương nằm gió” không người trông giữ.
grsre
1 trong 3 bia đá của Văn chỉ tổng Cát Ngạn. Ảnh: Phú Nam

Cho đến hơn chục năm trở lại đây, khi đời sống văn hóa của người dân được nâng lên cũng như Luật Di sản văn hóa được ban hành thì nhân dân và chính quyền huyện Thanh Chương đã đi đến thống nhất phục dựng lại Văn chỉ này. Tuy nhiên, việc phục dựng như thế nào lại là một bài toán khó.

Bởi vì nhiều lý do khách quan không thể phục dựng lại Văn chỉ trong khuôn viên nhà thờ họ Võ nên chính quyền xã, huyện buộc lòng phải chọn một vị trí khác trên địa bàn để di dời Văn chỉ.

gẻgtw
Văn chỉ được phục dựng dở dang sau di dời. Ảnh: Phú Nam
Đã có nhiều ý kiến cho rằng nên di dời Văn chỉ về địa điểm Trường THPT Thanh Chương III. Tuy nhiên, khuôn viên trường học không đủ rộng và cũng không phù hợp để di dời Văn chỉ về. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng năm 2014, Văn chỉ được di dời về cạnh trung tâm UBND xã Thanh Liên.

Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong kinh phí cũng như khó đi đến việc thống nhất trong lối kiến trúc nên việc phục dựng lại Văn chỉ vẫn còn dở dang. Do vậy, sau 4 năm, Văn chỉ vẫn tiếp tục “phơi sương nằm gió” sau khi di dời đến vị trí mới.

gẻgtaw
Sau 4 năm, việc phục dựng Văn chỉ vẫn còn gặp khó do thiếu nguồn kinh phí. Ảnh: Phú Nam
Ông Phan Bá Ngọc - Chủ tịch UBND xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương cho biết: “Văn chỉ tổng Cát Ngạn là chứng tích ghi danh những hiền tài hiếu học, hiếu nghĩa của vùng Cát Ngạn nói chung và xã Thanh Liên nói riêng. Nhận thức được điều này, chính quyền cùng nhân dân trong xã đã thống nhất phục dựng Văn chỉ để cổ vũ cho phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương. Tuy nhiên, việc trùng tu gặp nhiều khó khăn khi chọn địa điểm di dời cũng như nguồn kinh phí để tiến hành phục dựng. Do vậy, đến nay công trình vẫn còn dang dở, chính quyền cũng loay hoay chưa tìm ra hướng giải quyết phù hợp”.

Tin mới