ĐH Vinh: Gắn nghiên cứu với thực tiễn

(Baonghean) - Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trường Đại học Vinh nhằm hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, triển khai ứng dụng có uy tín. Nhiệm kỳ qua, hoạt động khoa học và công nghệ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 20/NQ/TW ngày 30/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ Trường ĐH Vinh xác định mục tiêu và hướng đầu tư đối với các công trình mang tính chuyên sâu; gắn các đề tài nghiên cứu khoa học với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình như việc chuyển giao công nghệ từ các công trình có đối tượng thụ hưởng là nông dân, nông nghiệp và nông thôn của nhóm nghiên cứu TS. Nguyễn Thị Thanh và ThS. Nguyễn Đình Vinh (Khoa Nông-Lâm-Ngư); Khai thác và phát triển nguồn gen giống lạc sen, lạc cúc và giống vừng đen Hương Sơn tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ do ThS. Nguyễn Tài Toàn làm chủ nhiệm; nhóm nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên của PGS.TS. Trần Đình Thắng, PGS.TS. Nguyễn Hoa Du (Khoa Hóa học). …
Giờ học Tiếng Anh tại Trường Đại học Vinh. 	Ảnh: Hữu Nghĩa
Giờ học Tiếng Anh tại Trường Đại học Vinh. Ảnh: Hữu Nghĩa
TS. Nguyễn Thị Thanh, khoa Nông - Lâm - Ngư cho biết: “Hiện nay Công trình Trichodecma đang được chuyển giao cho Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An để sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh trên cây lạc. Tới đây chúng tôi sẽ mở rộng nghiên cứu trên nhiều loài cây rau, củ khác giúp nông dân phòng trừ sâu bệnh hiệu quả mà không phải dùng thuốc trừ sâu”. Với nguyện vọng vì sự phát triển của nền nông nghiệp địa phương, Thạc sỹ Nguyễn Đình Vinh - Chủ nhiệm đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen cá chuối hoa, cá lóc đen, cá ngạnh ở Bắc Trung bộ” cho biết: “Hiện các loài cá quý, giàu giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế đang bị đánh bắt, săn lùng, rơi vào nguy cơ tuyệt chủng. Mục tiêu đề tài mà chúng tôi đang chuyển giao công nghệ là đánh giá được giá trị nguồn gen, có được đàn cá bố mẹ thuần chủng, quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm nhằm khai thác, phát triển nguồn gen 3 loài cá bản địa nói trên phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản”.
Nhiệm kỳ qua, các cán bộ của trường đã triển khai nhiều đề tài góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện miền núi phía Tây Nghệ An như ở Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương. Các chương trình hợp tác tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện các đề tài chuyển giao công nghệ giúp đồng bào miền núi phát triển nông - lâm nghiệp và bảo vệ môi trường. Ngoài các đề tài nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cán bộ, giảng viên của nhà trường đã xây dựng và nghiên cứu các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh trong khu vực, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đó là các dự án bảo vệ đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Pù Mát; các dự án trồng và phát triển rừng ở miền Tây Nghệ An; giúp đỡ đồng bào Đan Lai định cư; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông, lâm, ngư nghiệp cho nhân dân các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ;  công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Thanh - Nghệ Tĩnh của GS.TS. Nguyễn Nhã Bản; mảng đề tài lịch sử của các địa phương PGS.TS. Trần Văn Thức; hay các công trình nghiên cứu về an sinh xã hội của TS. Nguyễn Thị Minh Phượng.
P.GS - TS Trần ĐìnhThắng Phó Trưởng Khoa hóa học đang hướng dẫn đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước
P.GS - TS Trần ĐìnhThắng Phó Trưởng Khoa hóa học đang hướng dẫn đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước
Với thế mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản, trong nhiệm kỳ qua các nhóm nghiên cứu mang “thương hiệu” Trường Đại học Vinh đã và đang hoạt động một cách hiệu quả, được giới nghiên cứu khoa học cùng chuyên ngành trong nước và quốc tế đánh giá cao. Có thể kể đến một số nhóm nghiên cứu tiêu biểu như: nhóm nghiên cứu Quang học - Quang phổ do GS.TS. Đinh Xuân Khoa khởi xướng và chủ trì; nhóm nghiên cứu Xác suất và Thống kê Toán học của GS.TS. Nguyễn Văn Quảng; nhóm nghiên cứu Lý thuyết Tôpô của PGS.TS. Trần Văn Ân; nhóm nghiên cứu Ngôn ngữ học của Khoa Sư phạm Ngữ văn. Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu của một số cán bộ giảng dạy trẻ bước đầu đã được hình thành và đi vào hoạt động tích cực: nhóm nghiên cứu của TS. Kiều Phương Chi, TS. Nguyễn Huy Chiêu, TS. Nguyễn Văn Đức (Khoa Toán); các nhóm nghiên cứu về công nghệ nano của PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Khoa Điện tử - Viễn thông);…
Ngoài ra, tổ chức nhiều sự kiện khoa học như: tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học; các hoạt động nghiên cứu khoa học cho nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên; biên tập và xuất bản tạp chí khoa học. Chỉ tính trong năm 2014, cán bộ, giảng viên của Trường đã công bố 426 bài viết trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, trong đó hàng chục bài báo trên các tạp chí nước ngoài.
Theo TS. Đinh Phan Khôi, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế thì những năm gần đây các đề tài được công bố lên các tạp chí quốc tế của trường ngày càng nhiều, luôn nằm trong top 10 các trường đại học của Việt Nam. Việc có nhiều công trình được đăng tải trên các tạp chí quốc tế cũng là điều làm nên uy tín, vị thế của một trường đại học. PGS.TS Trần Đình Thắng, Phó Trưởng khoa Hóa học, người đã có hơn 55 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế cho biết: "Mỗi nhà nghiên cứu có công trình được đăng tải trên các tạp chí quốc tế chính là sự khẳng định việc hợp tác hiệu quả với các chuyên gia cùng lĩnh vực thuộc các trường đại học có uy tín trên thế giới... Đó cũng chính là việc khẳng định sự bình đẳng và ngang tầm của Trường Đại học Vinh trên trường quốc tế".
Với nhiệm vụ trọng tâm, đến năm 2020, Trường Đại học Vinh trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, triển khai ứng dụng có uy tín, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn xác định, hoạt động khoa học công nghệ phải gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Bắc Trung bộ. Bên cạnh đó, cần phải nắm bắt được những xu hướng hiện đại của khu vực và thế giới, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất trên thế giới và trong nước vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà nói chung và Trường Đại học Vinh nói riêng. 
Thanh Nga

Tin mới