Ý kiến đảng viên:

Đoàn kết… xuôi chiều!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trong thực tế, một số cơ quan, địa phương, đơn vị vẫn “được tiếng” là đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, nhưng khi có vụ việc xảy ra mới “lòi” ra đủ thứ chuyện trên đời!

Trong các cuộc cách mạng và phong trào cách mạng, cũng như trong cuộc sống, đoàn kết là một yếu tố vô cùng quan trọng để giành thắng lợi. Đoàn kết có thể hiểu một cách đơn giản là sự tập hợp, kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung nào đó. Nhưng để thể hiện, để hiểu được đoàn kết, cần được nhìn nhận, đánh giá một cách chính xác, nghiêm túc. Nếu chỉ nghe báo cáo, nếu chỉ nhìn vào hiện tượng: Biểu quyết nhất trí 100%; không có đơn thư khiếu kiện, tố cáo; đã rút kinh nghiệm sâu sắc,... để đánh giá thì có khi không đánh giá đúng bản chất của vấn đề.

Trong thực tế, một số cơ quan, địa phương, đơn vị vẫn “được tiếng” là đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng. Thực tế, khi có vụ việc xảy ra mới biết có hiện tượng “bằng mặt mà không bằng lòng”, nhưng lãnh đạo thì giấu diếm, che đậy, cấp dưới thì không dám nói ra, vì sợ trù dập, hoặc bị đánh giá là “gây mất đoàn kết nội bộ”. Rồi “cái kim trong bọc” lòi ra, đủ thứ chuyện trên đời! Thật đáng buồn cho hai tiếng “đoàn kết” lại biến thành “đoàn kết” để vì cái tiêu cực, cái xấu. Cả một tập thể “đồng lòng”, im lặng, để cùng liên kết, thỏa hiệp với cái sai!

Có hiện tượng sự “đoàn kết” đã được chỉ đạo, “phân vai”, “phân nhiệm” hẳn hoi. Đoàn kết từ lãnh đạo, chỉ đạo, tới tổ chức thực hiện, rồi kiểm tra, giám sát; “đoàn kết”, “trên dưới đồng lòng”, không để một tin tức nào lộ, lọt ra ngoài. Nhờ vậy, nhiều năm, cái tiếng “đoàn kết” mới giữ được lâu bền; cơ quan, chi bộ còn nhận danh hiệu đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ! Có những việc biết là sai nhưng để như vậy thì ai cũng được “hưởng lợi”. Có những cái lợi về vật chất, có những cái lợi là không phải làm, khỏe người, không ảnh hưởng gì đến mình, nên cũng im cho xong chuyện!

Cũng có những người dũng cảm, lên tiếng phân tích để sửa cái sai, ủng hộ cái đúng. Nhưng đó là những tiếng nói yếu ớt, lẻ loi. Họ liền bị lãnh đạo “cả vú lấp miệng em” trù dập; lại có những kẻ cơ hội - thậm chí là “đám đông” “đánh hội đồng”, gắn cho họ là bịa đặt, thiếu tinh thần xây dựng. Họ lợi dụng cơ hội này để nịnh hót lãnh đạo! Chỉ vài lần như thế, những tiếng nói “trái chiều” dè dặt rồi chỉ biết “im lặng cho qua” vì “thổi lửa bỏng mồm”. Điều đáng nói là họ không đủ quyền lực, rất dễ bị lãnh đạo “để ý”, có thể là cho chuyển công tác hoặc đối xử phân biệt một cách rất tinh vi. Hiện tượng này thường xảy ra ở những nơi mà những người lãnh đạo gia trưởng, chuyên quyền, độc đoán.

Bác Hồ đã từng viết: “Phải thật thà đoàn kết”. Bác khuyên ngành nào, cơ quan, địa phương nào cũng vậy, cần phải thật thà đoàn kết, bởi “đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích”. Muốn thật thà đoàn kết thì phải thực hiện tốt tự phê bình và phê bình chân thành, thẳng thắn, với tinh thần xây dựng, yêu thương lẫn nhau. Người có khuyết điểm biết lắng nghe, cầu thị, tiếp thu, sửa chữa để ngày càng tiến bộ. Kiểu “đoàn kết xuôi chiều”, “im lặng là vàng” là xa rời với tư tưởng Hồ Chí Minh về “thật thà đoàn kết”.

Tin mới