Độc đáo cây sáo 7 khúc của người Khơ Mú

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Với 7 ống nứa dài ngắn khác nhau, những nghệ nhân người Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An tạo ra chiếc sáo độc đáo với âm thanh lạ tai, có tên gọi là pí tơm.

Ông Cụt Văn Bường, bản Huồi Cam, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong được biết đến là người chơi pí tơm hay nhất xã và cũng khá hiếm hoi trong cộng đồng Khơ Mú ở mạn Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Tên gọi của nhạc cụ có nghĩa là cây sáo dùng đệm cho “tơm” - một điệu dân ca của người Khơ Mú. "Tơm" trong tiếng Khơ Mú cũng có nghĩa là "hát". Nhạc cụ này cũng có thể gọi là sáo tơm.

bna_sao 7 khuc.JPG
Năm nay 71 tuổi, ông Cụt Văn Bường, bản Huồi Cam, xã Nậm Nhoóng (Quế Phong - Nghệ An) đã chơi sáo tơm khoảng 30 năm. Ảnh: Hữu Vi

Ông Bường thổi sáo tơm thuần thục và cũng biết cách chế tác thứ nhạc cụ này. Theo ông Lữ Tất Xuyên, cựu cán bộ văn hóa xã Nậm Nhoóng, người từng gây dựng phong trào khôi phục lại tập tục thổi sáo tơm thì trên địa bàn xã chỉ còn ông Bường và một người nữa biết chơi nhạc cụ này.

Ở tuổi 71, ông Cụt Văn Bường vẫn đi rẫy, cấy ruộng, nuôi lợn, gà trong rừng. Ông cho biết cây sáo tơm như là người bạn giúp xua tan phiền muộn. “Tôi rất thích thổi sáo tơm và thường mang theo khi ở rẫy. Trong rừng vắng lặng nên thổi lên cho đỡ cô đơn”, cụ ông hồn nhiên chia sẻ.

Cây sáo tơm cũng khá phổ biến trong cộng đồng người Khơ Mú ở huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Thân sáo gồm nhiều khúc nứa nối lại. Riêng ở xã Nậm Nhoóng, các cây sáo có 7 khúc. Khúc trên cùng là đầu thổi có lưỡi gà tạo từ thân nứa. Khúc cuối là để điều chỉnh độ vang của âm thanh cây sáo. Trên thân sáo có 3 lỗ bấm để người thổi sáo có thể điều chỉnh hơi, tạo ra các quãng nhạc khác nhau. Vì thế, chỉ với số lượng lỗ bấm ít nhưng có thể chơi được khá nhiều làn điệu.

bna_sao 7 khuc 1.JPG
Cây sáo được làm từ những thân nứa chỉ với 3 lỗ bấm nhưng chơi được khá nhiều giai điệu.

Theo ông Bường thì làm một chiếc sáo tơm khá đơn giản. Chỉ cần tìm một cây nứa vừa tầm sau đó cắt ra từng khúc, đo đạc rồi ghép lại. Khúc có các lỗ bấm dài nhất. Mỗi lỗ bấm cách nhau bằng chiều ngang của 3 ngón giữa của bàn tay. 5 khúc nứa nối từ khúc có lỗ bấm đến đầu thổi cũng theo nguyên tắc ống phía dưới ngắn nhất và ống có đầu thổi dài hơn các ống còn lại. Khúc thứ 7 được nối vào phía dưới khúc có lỗ bấm được điều chỉnh độ dài khi sửa âm thanh cho sáo. Sau khi chơi, nhạc công có thể tháo rời từng khúc nứa và ráp lại khi cần biểu diễn.

bna_sao 7 khuc 2.JPG
Sau khi chơi, nghệ nhân có thể tháo rời từng khúc và ráp lại khi cần biểu diễn.

Ông Cụt Văn Bường cho biết, bản thân chơi sáo tơm từ năm 30 tuổi. Trong vài năm trở lại đây, ông có tham gia đội văn nghệ quần chúng cấp xã, huyện và một số hội thi.

Ông Lữ Trung Thành - Chủ tịch UBND xã Nậm Nhoóng cho biết: Ông Cụt Văn Bường là một trong những nghệ nhân được nhiều người trong cộng đồng Khơ Mú ở huyện Quế Phong biết đến và là người nhiệt tình hưởng ứng phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn xã Nậm Nhoóng.

Ông Cụt Văn Bường thổi một làn điệu dân ca Khơ Mú bằng cây sáo 7 khúc. Clip: Hữu Vi

Tin mới