Đòn bẩy vốn giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

Đòn bẩy vốn giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Xác định hoạt động của ngân hàng đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế, các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra từ đầu nhiệm kỳ đã được Đảng bộ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An hoàn thành tốt, nhất là thực hiện các chính sách phòng, chống dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Nhiều chương trình hỗ trợ được triển khai

Trong giai đoạn 2020 – tháng 6/2023, nhiều văn bản chỉ đạo, với nhiều chính sách hỗ trợ từ các cấp Trung ương được ban hành. Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Nghệ An đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách, các giải pháp về quản lý Nhà nước liên quan đến tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng đã chủ động làm việc với khách hàng để rà soát, đánh giá ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhằm đề ra phương án tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Các ngân hàng thương mại Nhà nước duy trì lãi suất giúp ổn định kinh tế. Ảnh: Thu Huyền
Các ngân hàng thương mại Nhà nước duy trì lãi suất giúp ổn định kinh tế. Ảnh: Thu Huyền

Tiếp tục thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; cho doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động bị ảnh hưởng dịch theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường công tác truyền thông các chính sách hỗ trợ, các quy định, các điều kiện, thủ tục để người dân, doanh nghiệp hiểu, dễ dàng tiếp cận và đồng thuận. Chỉ đạo thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN trên địa bàn.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cũng đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tăng cường các biện pháp truyền thông, giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt được thông tin, qua đó, góp phần đưa chính sách đi vào thực tiễn, triển khai hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng đối tượng.

Kết quả các chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng tại Nghệ An. Đồ hoạ: Hữu Quân

Kết quả các chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng tại Nghệ An. Đồ hoạ: Hữu Quân

Việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đảng bộ có chất lượng, hiệu quả theo đúng kế hoạch đã đề ra. Với vai trò lãnh đạo của đảng bộ, hoạt động của ngành ngân hàng trên địa bàn trong nửa nhiệm kỳ vừa qua đạt kết quả khả quan. Đến ngày 31/3/2023, nguồn vốn huy động tại địa bàn (không tính Ngân hàng Phát triển) đạt 207.662 tỷ đồng, so với năm 2020 tăng 29,7%. Tổng dư nợ đạt 263.108 tỷ đồng, so với năm 2020 tăng 25,8%; nợ xấu được kiểm soát dưới 1%. Ước tính đến ngày 30/6/2023, nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt 209.781 tỷ đồng, so với năm 2020 tăng 31%. Tổng dư nợ đạt 268.340 tỷ đồng, so với năm 2020 tăng 28%.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 3.276 khách hàng, với tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế từ ngày 13/3/2020 là 4.347,6 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho 183.575 khách hàng, với tổng giá trị nợ đã được miễn, giảm, hạ lãi suất lũy kế từ ngày 23/1/2020 là 116.987,8 tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước dịch, với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 211.020,4 tỷ đồng cho 141.647 lượt khách hàng.

Công ty TNHH May mặc Trọng Phúc ở huyện Diễn Châu được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động trong đợt dịch Covid-19. Ảnh: Thu Huyền
Công ty TNHH May mặc Trọng Phúc ở huyện Diễn Châu được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động trong đợt dịch Covid-19. Ảnh: Thu Huyền

Một trong những chương trình chính sách cho vay ưu đãi được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai sâu rộng, có hiệu quả phải kể đến các chương trình ưu đãi bằng nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP.

Ông Nguyễn Văn Vinh – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 31/3/2023, chúng tôi đã giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP dư nợ đạt 16.400 tỷ đồng, với gần 333 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Nhờ đó, đảm bảo giải ngân 100% các chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội, cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, cho vay đối với các cơ sở mầm non, cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, mang lại hiệu quả tích cực.

Tiếp tục giải pháp chính sách tiền tệ

Nửa nhiệm kỳ vừa qua, trước tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách mới liên quan đến hoạt động ngân hàng được ban hành, khối lượng công việc cần tập trung chỉ đạo rất lớn.

Trong 2,5 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, với rất nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh, lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường tài chính và thị trường bất động sản, tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy cấp trên, của UBND tỉnh, của NHNN Việt Nam, Đảng bộ NHNN chi nhánh Nghệ An đã lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm với 7 chỉ tiêu đạt, 1 chỉ tiêu vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội các cấp đã đề ra, tạo tiền đề để hoàn thành Nghị quyết Đại hội trong các năm tới.

Hoạt động kiểm ngân tại một ngân hàng trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Thu Huyền
Hoạt động kiểm ngân tại một ngân hàng trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Thu Huyền

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã mang lại những kết quả khả quan, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các đối tượng chính sách, người chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An Nguyễn Thị Thu Thu cho biết: Ngay sau khi Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 thành công và thông qua nghị quyết (Nghị quyết số 04-NQ/ĐH ngày 26/3/2020), Đảng ủy đã cụ thể hóa các nội dung nghị quyết, ban hành chương trình hành động, đồng thời, quán triệt tới các chi bộ, đảng viên để triển khai thực hiện. Bên cạnh thực hiện hàng loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng, thì việc phát triển hạ tầng công nghệ ngân hàng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ đáp ứng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã tạo sự đột phá, mang lại hiệu quả rõ nét cho hoạt động kinh tế - xã hội.

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã mang lại những kết quả khả quan, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất hàng mây, tre đan xuất khẩu tại Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh: Thu Huyền
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã mang lại những kết quả khả quan, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất hàng mây, tre đan xuất khẩu tại Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh: Thu Huyền

Giai đoạn 2023-2025, Nghệ An phải có nhiều giải pháp bứt phá để trở thành tỉnh hàng đầu trong khu vực, ngành ngân hàng phải tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động thực hiện tốt đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, nâng cao tính minh bạch, và khả năng cạnh tranh trong khu vực, trong bối cảnh đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn.

Vì vậy, ngành ngân hàng cần nỗ lực hơn nữa, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường đối thoại doanh nghiệp, người dân để nắm bắt, xử lý tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kịp thời, đảm bảo cho việc thực thi các chính sách của Nhà nước được thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các đơn vị thuộc ngành ngân hàng trên địa bàn, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh nghiêm minh các tồn tại sai phạm, cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro, đảm bảo xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho hoạt động chung của ngành trên địa bàn.

Tín dụng cho nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2023 đã tăng 2,75% so với cuối năm 2022, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Thời gian tới, chúng tôi tập trung giải pháp đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tín dụng năm 2023 tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”.

Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An chia sẻ

Tin mới