Đồng hành, sẻ chia với người nghèo

(Baonghean) - Nghệ An luôn xem công tác xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh đã có nhiều giải pháp để tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững; đồng thời luôn dành sự quan tâm sâu sắc nhất cho những hộ nghèo, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về. 

Giải pháp giảm nghèo bền vững

Tại huyện 30a Quế Phong, nhiệm kỳ này, Đảng bộ huyện đặt mục tiêu đến năm 2020 thoát khỏi huyện nghèo, phấn đấu trở thành huyện khá của vùng núi cao. Do đó, ngay sau đại hội, địa phương này đã bắt tay xây dựng chương trình hành động, xác định những mũi đột phá phù hợp với điều kiện, tiềm năng vốn có của mình.

Huyện đã ban hành nghị quyết trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó trọng tâm là khai thác hiệu quả các giống cây dược liệu như chè hoa vàng, sa nhân theo hướng hàng hóa; bảo tồn và khai thác hiệu quả cây nứa lùng trên địa bàn với sự vào cuộc của cả doanh nghiệp.

Cán bộ, đảng viên các đơn vị thuộc Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh ủng hộ Tết vì người nghèo - Đinh Dậu 2017.
Cán bộ, đảng viên các đơn vị thuộc Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh ủng hộ Tết vì người nghèo - Đinh Dậu 2017. Ảnh tư liệu.

Bên cạnh đó ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi đại gia súc, trong đó chủ yếu tập trung cho giống bò vàng bản địa ở vùng đồng bào dân tộc Mông tại xã vùng cao Tri Lễ. Bí thư Huyện ủy Quế Phong Lữ Đình Thi cho biết: “Chúng tôi xác định phát triển mạnh các giống cây, con bản địa theo hướng hàng hóa.

Các bước tiến hành đang được triển khai khẩn trương. Huyện cũng đã ban hành những chính sách hỗ trợ để có thể tạo sức lan tỏa cho nhân dân để phát huy lợi thế, thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo”. Với hướng đi đúng đó, năm 2016, địa phương này đã giảm 4,43%, còn 47% tương đương 7.204/15.328 hộ.

Còn tại huyện Thanh Chương, từ thực tiễn đặt ra, cấp ủy, chính quyền xác định: muốn xóa đói, giảm nghèo trước hết phải tìm cách đưa kinh tế phát triển dựa trên thế mạnh của địa phương. Từ đó, triển khai hàng loạt các chương trình, đề án, gồm phát triển đàn trâu bò hàng hóa; phát triển cây chè công nghiệp; sắn nguyên liệu; phát triển cây nguyên liệu giấy; phát triển làng nghề và làng có nghề, kinh tế trang trại...

Đặc biệt, ở nhiệm kỳ 2015 – 2020 này, Huyện ủy tập trung vào 2 đề án chủ lực: “Phát triển một số cây trồng hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016 – 2020” và “Phát triển một số vật nuôi, gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016 – 2020.

Đồng chí Đặng Anh Dũng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương, chia sẻ: Nhiều hộ gia đình trước đây thuộc diện hộ nghèo song nhờ cây chè, cây sắn, cây nguyên liệu giấy và làm trang trại chăn nuôi mà đã khấm khá lên. Tỷ lệ hộ nghèo theo đó cũng giảm dần từng năm, riêng năm 2016 giảm được 3% hộ nghèo, hiện còn 11,71%. 

Ngoài việc thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư; triển khai đầy đủ, đúng đắn các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác giảm nghèo, tỉnh đã ban hành quyết định phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ các xã nghèo trên địa bàn.

Do đó tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến cuối năm 2016, ước còn 9,5%, giảm 2,6% so với năm 2015, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 9,85%, giảm 0,38% so với năm 2015. Đây là kết quả quan trọng tạo tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 2 – 3%.

Sẻ chia với người nghèo

Cùng với nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ đột xuất các gia đình nghèo, hộ có điều kiện đặc biệt thông qua hàng loạt hoạt động như ủng hộ Quỹ vì người nghèo làm nhà ở, hỗ trợ người nghèo và con em hộ nghèo chữa bệnh, học tập; hỗ trợ nhân dân khi bị thiên tai, bão lụt...

Đặc biệt, kể từ năm 2014 - Tết Giáp Ngọ đến nay, tỉnh ta chủ trương thực hiện chương trình “Tết vì người nghèo”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có thư kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ người nghèo đón Tết gửi đến toàn thể đến các cơ quan đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hảo tâm để sớm giúp người nghèo vui Xuân, đón Tết, trở thành một phong trào sâu rộng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Năm nay, công tác ủng hộ, hướng về người nghèo đón Tết Đinh Dậu 2017 tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. 

Tại huyện Đô Lương, ngoài vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, huyện chủ trương, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống đều có hoạt động hướng tới người nghèo và mỗi cán bộ, công chức ủng hộ 1/2 ngày lương giúp đỡ người nghèo có Tết. “Từ nguồn Quỹ vì người nghèo, huyện sẽ tập trung hỗ trợ người nghèo làm nhà ở, hỗ trợ mua bò sinh sản; đồng thời giao chỉ tiêu cho các xã tích cực đề ra các giải pháp để giảm hộ nghèo ở mỗi địa phương 1%/năm; đưa vào tiêu chí thi đua xếp loại cấp ủy cuối năm”, Bí thư Huyện ủy Đô Lương Trương Xuân Phúc cho biết. 

Tương tự tại huyện 30a Tương Dương, Huyện ủy đã ban hành công văn giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện và các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, vận động cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, lực lượng vũ trang, mỗi người  chọn một địa chỉ cụ thể để hỏi thăm, động viên, tặng quà; chia sẻ khó khăn với người nghèo, hộ nghèo, gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; đồng thời kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện tiết kiệm chi tiêu, ủng hộ, giúp đỡ người nghèo đón Tết.

Tại Quỳnh Lưu, địa phương còn 3,7% hộ nghèo, tương đương 2.539 hộ tính đến cuối năm 2016, Bí thư Huyện ủy Lê Thành Nhân cho biết: “Huyện đã vận động nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ 2 tỷ đồng; qua đó hỗ trợ mỗi hộ nghèo có thêm ít nhất 500.000 đồng đón Tết cổ truyền của dân tộc”.

Mỗi sự giúp đỡ, sẻ chia dành cho người nghèo vào dịp Tết đến, Xuân về khiến cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc thêm trọn vẹn, giàu ý nghĩa hơn. Đó cũng là điểm tựa, động lực tinh thần để mỗi người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo trong năm mới với sự định hướng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự đồng hành của xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vương Quang Minh cho biết: Qua 4 lần tổ chức, chương trình “Tết vì người nghèo” và hưởng ứng Thư kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy ủng hộ người nghèo trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, đã thực sự có hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ. Năm đầu tiên phát động, tỉnh nhận được tiền ủng hộ hơn 10 tỷ đồng (Tết Giáp Ngọ 2014); năm thứ hai hơn 24 tỷ đồng (Tết Ất Mùi 2015); năm thứ 3 đạt gần 43 tỷ đồng (Tết Bính Thân 2016) và năm nay tính đến hết ngày 9/1/2017,  số tiền  ủng hộ cho “Tết vì người nghèo - Đinh Dậu 2017” là hơn gần 44 tỷ đồng. 

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới