Du lịch Nam Đàn phải trở thành ngành kinh tế trọng điểm

(Baonghean.vn) - Chiều 21/12, UBND tỉnh có buổi làm việc với huyện Nam Đàn để nghe và cho ý kiến về phát triển du lịch trong những năm tiếp theo. Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Về phía huyện Nam Đàn có đồng chí Bùi Đình Long - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy; Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện, cùng dự có lãnh đạo Sở VHTT và DL và các ban, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, huyện Nam Đàn đã báo cáo kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ về phát triển du lịch.
Một trong những kết quả nổi bật nhất của du lịch Nam Đàn trong thời gian qua đó là xây dựng điểm đến và sản phẩm du lịch. 
Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc.
Bên cạnh những điểm đến quan trọng như Khu di tích Kim Liên, mộ bà Hoàng Thị Loan, quần thể di tích Vua Mai, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, chùa Đại Tuệ, chùa Viên Quang ... UBND huyện đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát các làng cổ ở các xã Nam Thanh, Xuân Lâm, Khánh Sơn, Nam Trung, Vân Diên ... Qua khảo sát đã thống nhất lựa chọn một số làng có nhiều nhà cổ tại Khánh Sơn, Nam Trung để bảo tồn và phát triển du lịch. 
Đồng chí Bùi Đình Long - Tỉnh ủy viên - Bí thư huyện ủy Nam Đàn n
Đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh - Bí thư Huyện ủy Nam Đàn khẳng định xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều người đã lựa chọn khu di tích Kim Liên làm nơi tham quan đồng thời tìm hiểu về cuộc đời của vị Lãnh tụ của dân tộc
Nhiều du khách khi đến Nghệ An đã lựa chọn khu di tích Kim Liên (Nam Đàn)  làm nơi tham quan, tìm hiểu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu).
Bên cạnh đó, huyện cũng đã tập trung nghiên cứu sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng như lạc Nam Cường, Vân Diên; hồng và sắn dây Nam Anh; chanh Nam Kim... Tiến hành khảo sát và có chủ trương xây dựng khu vực bến đò Vua Mai thành điểm phục vụ lễ hội, nơi vui chơi, giải trí, ẩm thực và thưởng thức dân ca ví, giặm trên sông Lam. 
Lượng khách đến Nam Đàn khoảng trên 2 triệu lượt/năm. Doanh thu từ du lịch đạt 250 tỷ đồng.
Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh Thanh Lê
Lễ hội Đền Vua Mai - một trong những lễ hội đặc trưng của Nam Đàn (ảnh tư liệu).
Tuy nhiên, du lịch Nam Đàn còn nhiều hạn chế: Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục; Chưa liên kết xây dựng được các tour du lịch nội tỉnh, nội huyện; Công tác quản lý và phát huy giá trị di tích danh thắng còn hạn chế; Sản phẩm du lịch đơn điệu; Còn thiếu các khu vui chơi, giải trí ...
Chùa Đại Tuệ - ngôi chùa duy nhất có hệ thống tượng Phật bằng gỗ dâu nguyên khối tại Việt Nam
Chùa Đại Tuệ  (Nam Anh - Nam Đàn) -  ngôi chùa duy nhất có hệ thống tượng Phật bằng gỗ dâu nguyên khối tại Việt Nam - điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn khách du lịch. (Ảnh Thanh Thủy).
Tại buổi làm việc, đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề làm thế nào để Nam Đàn níu chân du khách? Nam Đàn phải xây dựng những điểm đến hấp dẫn với đa dạng loại hình giải trí, níu chân du khách như phòng chiếu phim về đề tài Bác Hồ, điểm phục vụ hát dân ca, khu vui chơi, mua sắm, siêu thị, nơi thưởng thức đặc sản vùng, miền... 
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Thông khẳng định: Du lịch phải là ngành kinh tế trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội của Nam Đàn vì thế trong thời gian tới huyện cần thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch để triển khai, tuyên truyền làm thế nào để phát triển du lịch phải là trách nhiệm của toàn dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Liên kết với các đơn vị lữ hành trong tỉnh để quảng bá, kết nối tour, tuyến, điểm du lịch của Nam Đàn với các điểm đến khác như Vinh, Cửa Lò, Đô Lương...
Thanh Thủy

Tin mới