Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

(Baonghean) - Nhận thức rõ quan điểm “kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng”, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An luôn chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp; đưa công tác kiểm tra của Đảng bộ từng bước đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính nghiêm minh, giáo dục trong tổ chức đảng các cấp, được dư luận đồng tình…
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Từ tổng kết thực tiễn trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng và nghiên cứu lý luận, Đảng ta đã khẳng định: “Kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng”, do đó “lãnh đạo phải có kiểm tra, lãnh đạo mà không có kiểm tra, thì coi như không có lãnh đạo”. Đối với Đảng bộ tỉnh Nghệ An, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật cũng như nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015.
Cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xử lý công việc tại văn phòng.  Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xử lý công việc tại văn phòng. Ảnh: Thanh Lê
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức trong các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, coi đó là một khâu quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có những chuyển biến tích cực, đã từng bước đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả, bám sát và đáp ứng kịp thời những yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ trong từng thời kỳ.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, UBKT các cấp từng bước đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm; đã triển khai kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực công tác đảm bảo tính toàn diện, trong đó đã tập trung kiểm tra, giám sát: việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng; việc quán triệt, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, mà trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ; kiểm tra việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên…
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đặc biệt chú trọng tham mưu cho cấp ủy và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận sau kiểm tra, thanh tra theo Chỉ thị 15/CT/TU ngày 15/5/2008 của BTV Tỉnh ủy; việc thực hiện các kết luận, những việc cần làm ngay sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác cải cách hành chính… Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xác định các nội dung, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm dễ phát sinh sai phạm như: công tác quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên, tài chính, ngân sách; công tác cán bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí…; kịp thời xem xét, kết luận, xử lý kỷ luật đối với đảng viên và tổ chức đảng có sai phạm, phát hiện và khắc phục kịp thời những khuyết điểm, thiếu sót khi mới manh nha, đảm bảo tính nghiêm minh, tính răn đe, giáo dục, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Kết quả, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ủy ban kiểm tra các cấp đã tham mưu cấp ủy kiểm tra 5.740 lượt tổ chức đảng và 16.156 lượt đảng viên; tiến hành giám sát đối với 4.678 lượt tổ chức đảng và 23.077 lượt đảng viên. Bên cạnh đó, cùng với thực hiện toàn diện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 32 - Điều lệ Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã chú trọng tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 745 lượt tổ chức, 1.850 lượt đảng viên; xem xét, xử lý và tham mưu cấp ủy xử lý kỷ luật đối với 38 tổ chức đảng và 998 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Các cuộc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đều đảm bảo quy trình, nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền, xác định rõ nội dung, đối tượng, phương pháp tiến hành; kết luận rõ ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm được xử lý kịp thời, nên chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra được nâng lên, có tác dụng giáo dục, ngăn ngừa vi phạm đối với các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. 
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, gắn với đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới phải được tăng cường, nâng cao hơn nữa, cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tiếp tục chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 14-NQ/TƯ, ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” và Kết luận số 72-KL/TƯ, ngày 3/12/2011 của Bộ Chính trị về “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020”. Trước mắt, cần tập trung quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Hướng dẫn số 10-HD/UBKTTƯ, ngày 4/9/2014 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát; Hướng dẫn về công tác nhân sự Ủy ban kiểm tra phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015- 2020. 
Thứ hai, xây dựng và chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát có trọng tâm, sát hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị, nhất là tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án trong nhiệm kỳ, để giúp cấp ủy, tổ chức đảng đánh giá đúng tình hình, dự báo và xây dựng kế hoạch 5 năm tới đảm bảo sát thực, khả thi, sát tình hình thực tế. Tăng cường giám sát việc thực hiện các kết luận kiểm tra, thanh tra theo tinh thần Chỉ thị 15-CT/TU ngày 15/5/2008 của BTV Tỉnh ủy; đề cao việc tự kiểm tra của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên, xác định đúng đắn trách nhiệm, nhất là người đứng đầu; phát huy vai trò tích cực của ủy ban kiểm tra, các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy để làm tốt chức năng tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng quy định.
Thứ ba, tập trung kiểm tra, giám sát những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, xây dựng cơ bản, công tác chính sách, công tác cán bộ..; về trách nhiệm cá nhân của cán bộ chủ chốt, của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên là cấp ủy viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý về tình hình chấp hành nguyên tắc Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; tình hình chấp hành chỉ thị, nghị quyết; kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; việc thực hiện quy chế làm việc, giữ gìn đoàn kết nội bộ, nâng cao tính chiến đấu của từng tổ chức cơ sở đảng; kiểm tra mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mỗi người, kỷ luật phát ngôn, việc chấp hành Quy định số 47-QĐ/TƯ, ngày 1/11/2011 của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm; chú ý kiểm tra việc giữ gìn phẩm chất cách mạng, đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên; việc cải cách hành chính, cải cách tư pháp gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ về “Đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Qua mỗi cuộc kiểm tra phải có đánh giá, rút kinh nghiệm để phục vụ kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.
Thứ tư, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của ủy ban kiểm tra; kiện toàn, củng cố bộ máy ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh có đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Trong đó, cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đánh giá, sử dụng cán bộ... Chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về phương tiện làm việc, cơ sở vật chất, chính sách, chế độ phục vụ hoạt động của cơ quan ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra Đảng, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trước yêu cầu mới.
Nhiệm vụ trước mắt của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh còn rất nặng nề, đòi hỏi ngành Kiểm tra Đảng khắc phục những tồn tại, hạn chế, nỗ lực phấn đấu để đưa công tác kiểm tra, giám sát lên tầm cao mới, luôn xứng đáng với vị trí là một khâu trọng tâm, không thể thiếu trong các hoạt động lãnh đạo của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng các cấp đề ra.
Lê Minh Thông
(Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)

Tin mới