Xã Giai Xuân: Đột phá trong công tác giảm nghèo

(Baonghean) - Xã miền núi Giai Xuân là vùng mía trọng điểm của huyện Tân Kỳ. Nhiệm kỳ qua, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, Giai Xuân đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 53,6% xuống 13,5%, trung bình mỗi năm giảm 8%, tạo niềm tin vững chắc của người dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền.
Về Giai Xuân trước thềm Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong tinh thần phấn khởi của cán bộ, nhân dân bởi được chọn là đại hội điểm của huyện. Ngoài đồng, ngoài bãi nông dân khẩn trương thu hoạch mía và chăm sóc cây trồng vụ xuân. Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Đoàn Xuân Tình cho biết: Giai Xuân có 69% đồng bào dân tộc Thổ; toàn xã có 1.200 ha mía, năng suất mía đạt 62 tấn/ha, Giai Xuân còn trồng sắn, phát triển chăn nuôi đại gia súc. Ở Giai Xuân nhiều hộ giàu lên nhờ trồng mía và chăn nuôi. Đảng bộ xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao ý thức, trách nhiệm, gần dân, xây dựng chuẩn mực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ làm việc tận tụy, công tâm và hiệu quả. 
Giai Xuân là xã có diện tích mía lớn nhất của Tân Kỳ (Trong ảnh, bà con xã Giai Xuân thu hoạch mía).
Giai Xuân là xã có diện tích mía lớn nhất của Tân Kỳ (Trong ảnh, bà con xã Giai Xuân thu hoạch mía).
Tới thăm rẫy mía nơi vùng đồi Hậm Chu của anh Trương Hải Hồ, người dân xóm Kẻ Mui, rẫy mía của anh Hồ rộng bạt ngàn. Anh cho hay ở đây nguồn nước tưới hiếm nên chỉ có cây mía là “trụ” được; trước đây khi chưa đưa cây mía vào, đồng bào thiếu đói quanh năm. Giá mía năm nay chỉ còn 820.000 đồng/ tấn, song nhờ mía có độ đường cao nên thu nhập cũng tạm được. Nhà máy đường Sông Con đầu tư phân bón, giống, tiền làm đất, anh Hồ thuê thêm lao động để thâm canh mía. Anh làm được nhà to cũng nhờ trồng mía và chăn nuôi thêm trâu bò, gà cỏ ở trại... Còn gia trại của chị Bình ở  xóm Long Vân cũng là một điển hình vươn lên xóa đói, giảm nghèo của xã Giai Xuân. Từ Diễn Châu lên lập nghiệp, chị Bình đẩy mạnh chăn nuôi lợn đàn, gà ấp và trâu, bò. Chị mở cả ki-ốt dịch vụ phân bón, thức ăn chăn nuôi, xay xát... nhờ vậy kinh tế gia đình khá vững, thu nhập mỗi năm đạt gần 100 triệu đồng. Giai Xuân còn có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi như Nguyễn Văn Hiếu ở xóm Kẻ Mui trồng 20 ha mía, Nguyễn Văn Thẹo, Nguyễn Văn Miên, xóm Tân Mùng chăn nuôi gần 20 con trâu, bò sinh sản/hộ…
Bí thư Chi bộ xóm Kẻ Mui - ông Trương Công Thành phấn khởi: “Tôi cảm nhận được sự đổi thay của quê hương trong nhiệm kỳ qua. Các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo đối với người dân rất có giá trị như Chính sách 135, Chính sách xóa nhà tranh tre tạm bợ, Chính sách vay vốn đầu tư trang trại… đều được đội ngũ cán bộ xóm triển khai đầy đủ, hiệu quả, tạo được niềm tin phấn khởi và sự đoàn kết trong đồng bào”.
Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ xã Giai Xuân đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế trên địa bàn đạt nhiều kết quả: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân  ước đạt 23%/năm, tổng giá trị sản xuất năm 2014 đạt 167.600 tỷ đồng, ước năm 2015 đạt 186.800 tỷ đồng, tăng 3,47 lần so với năm 2010, đạt 167% mục tiêu đại hội. Bình quân thu nhập năm 2014 đạt 19,376 triệu đồng/người, ước năm 2015 đạt 21,6 triệu đồng/người. Tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 2014 đạt 2.214 tấn, ước thực hiện năm 2015 đạt 2.319 tấn. Xã đã tăng diện tích cây công nghiệp, trong đó mía: 1.200 ha, chiếm gần 1/4 diện tích mía của cả huyện, sắn 230 ha. Chăn nuôi phát triển khá, chú trọng nâng cao chất lượng tổng đàn; tổng đàn trâu năm 2014 ước đạt 2.050 con, bò 930 con, đàn lợn 2.200 con, gia cầm  37.200 con, sản lượng cá bình quân 42 tấn/năm. Giá trị chăn nuôi tăng 4,43 lần so với 2010. Công tác khoanh nuôi, bảo vệ, PCCCR được tăng cường.  
Trong nhiệm kỳ, Giai Xuân được quy hoạch thị tứ phục vụ chương trình phát triển KT-XH của địa phương. Xã đã có 3 doanh nghiệp tư nhân, 120 hộ kinh doanh mua bán, tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên địa bàn; hàng hóa xăng dầu, điện tử, điện dân dụng, may mặc tiếp tục được phát triển. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ - thương mại tăng và chiếm 23% tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp và làm mới. Trong nhiệm kỳ tăng thêm 9,4 km đường nhựa; 5,9 km đường bê tông; 1,8 km kênh mương được kiên cố, nâng cấp tuyến đường 71, xây dựng cầu cống, 2 hồ đập, hệ thống nước sinh hoạt…;  nâng cấp đường điện đưa tỷ lệ hộ dùng điện tăng lên 99,8% năm 2015; Tổng giá trị đầu tư xây dựng trong 5 năm là 82,6 tỷ đồng, trong đó nội lực từ nhân dân 37,4 tỷ đồng, tăng 3,27 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Cung ứng dịch vụ phân bón cho nông dân tại xã Giai Xuân.
Cung ứng dịch vụ phân bón cho nông dân tại xã Giai Xuân.
Nói về những kết quả đột phá của nhiệm kỳ 2010 - 2015, đồng chí Nguyễn Duy Kết, Chủ tịch UBND xã cho biết: Kinh tế của Giai Xuân đã tiếp tục có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 23%, tỷ trọng nông - lâm nghiệp tăng mạnh, là vùng nguyên liệu mía trọng điểm của Tân Kỳ. Bình quân thu nhập đầu người tăng 3,2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Phát huy hiệu quả nội lực, kết hợp với thu hút đầu tư của cấp trên, nên kết cấu hạ tầng tiếp tục được hoàn thiện, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 8%. Xây dựng nông thôn mới tăng 4 tiêu chí so với đầu nhiệm kỳ. Lĩnh vực công nghiệp – TTCN, dịch vụ, xây dựng trên địa bàn  tiếp tục phát triển.Tổng vốn đầu tư của các chương trình tín dụng 32,6 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 8%/năm, từ 53,6% năm 2010 còn 13,5 năm 2015.
Các chính sách xã hội, chính sách người có công được quan tâm làm tốt như: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, chính sách dân tộc miền núi; hỗ trợ sửa chữa và làm mới 42 nhà tình nghĩa, tình thương và nhà đại đoàn kết. Văn hóa, xã hội đã nâng được chất lượng toàn diện; về giáo dục, cơ sở vật chất được đầu tư đáp ứng cho việc dạy và học, số phòng học đạt chuẩn 62%; xã hội hóa giáo dục được nhân dân hưởng ứng, giữ vững phổ cập giáo dục ở cả 3 bậc học, tỷ lệ lên lớp bình quân hàng năm đạt 99%, tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học 100%, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; có thêm 2 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số lên 3/4 trường. Xã  đạt chuẩn quốc gia về y tế. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT tiếp tục được phát huy...
Mối quan hệ phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể thực hiện đúng quy chế  và phát huy hiệu quả, trở thành chỗ dựa vững chắc của chính quyền. HĐND xã 5 năm liền đạt loại  xuất sắc; UBND xã 4 năm xuất sắc của huyện (năm 2012 hoàn thành tốt nhiệm vụ). Đảng ủy luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tập trung đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng trên mọi lĩnh vực đời sống. Bình quân hàng năm có 75% chi bộ đạt TSVM.  Đảng bộ đã thực sự phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào các phong trào thi đua yêu nước, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền, đổi thửa, phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...
Mục tiêu tổng quát của Giai Xuân đặt ra trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 là: "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác tối đa mọi nguồn lực địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc; nâng cao hiệu quả lãnh đạo của đảng bộ, quản lý của chính quyền. Quyết tâm xây dựng Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh toàn diện". Xã cũng đặt ra những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 phù hợp tình hình chung và tiềm năng lợi thế trên địa bàn. Trong đó phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, tỷ lệ dân được dùng nước hợp vệ sinh 100%... 
Với những chỉ tiêu đặt ra, Đảng bộ xã đã thảo luận và bàn bạc các giải pháp để huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc. Xã sẽ phối hợp với doanh nghiệp để đầu tư thâm canh cây công nghiệp cho năng suất cao, phát triển thêm cao su để đến năm 2020 diện tích đạt 77 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 54 ha, để có sản lượng đến năm 2020 đạt 210,6 tấn. Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất theo chương trình nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đạt 61 triệu đồng/ha/năm. Đẩy mạnh diện tích trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc, khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tập trung theo hướng trang trại, gia trại, theo vùng quy hoạch. Vận động nhân dân phát triển nông - lâm - thủy sản theo hướng đa ngành, đa nghề, kết hợp với kinh tế vườn - ao -  chuồng -  rừng. Phát triển thêm dịch vụ, nâng cấp chợ trung tâm và xây dựng 2 chợ chiều. Tạo môi trường tốt cho nhiều doanh nghiệp, tư nhân, tiểu thương đầu tư vào địa bàn, giao thương hàng hoá, nhất là mua bán, bao tiêu sản phẩm nông sản cho nhân dân. Lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, công tác Măt trận và các đoàn thể, các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế… đạt mục tiêu đề ra.
Châu Lan

Tin mới