Xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ): Tạo thế và lực để có bước bứt phá

(Baonghean) - Được sự quan tâm của cấp trên về mọi mặt,  sự đoàn kết thống nhất cao trong Đảng bộ và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhiệm kỳ 2010 - 2015, xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) đã xây dựng được hệ thống chính trị vững mạnh,  đa dạng các  mô hình kinh tế xóa đói, giảm nghèo và đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.
Xã Kỳ Sơn nằm dọc đường Hồ Chí Minh của huyện Tân Kỳ, đất đai khá manh mún bởi hốc chọ và đồi núi. Toàn xã có 2.756 ha đất tự nhiên; 17 xóm, 1.690 hộ, 7.778 khẩu, giáo dân có 69 hộ, 453 khẩu; là nơi hội tụ dân cư của nhiều tỉnh, thành trong cả nước với đặc trưng truyền thống văn hoá đa dạng, phong phú. Kỳ Sơn  không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng có đội ngũ cán bộ đoàn kết thống nhất, nhiệt tình, trách nhiệm nhất là trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.
Người dân xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) ươm keo giống.
Người dân xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) ươm keo giống.
Là xã có diện tích trồng mía cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy đường Sông Con, Đảng ủy và chính quyền đã kết hợp với nhà máy xây dựng mô hình thâm canh mía năng suất cao trên đất màu kém hiệu quả ở xóm Đội Cung 2. Thành công của mô hình là thu nhập tăng gấp 1,4 lần so với thông thường. Sau đó, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết về vận động nhân dân chuyển đổi ruộng đất để đẩy mạnh cơ giới hóa, Ban Nông nghiệp xã nhân rộng mô hình đến các xóm. Hội Nông dân xã xây dựng được 3 mô hình sản xuất táo xanh quả to cho thu nhập cao tại xóm Dốc Sư; ngân sách xã hỗ trợ cho  các hộ tham gia mô hình này 17 triệu đồng, các hộ bỏ ra 90 triệu đồng để tạo thành vùng sản xuất táo hàng hóa giống mới. Sau 3 năm thu hoạch, mỗi mô hình trồng táo có thu nhập gần 300 triệu đồng/ha, sản phẩm được thu mua ngay tại vườn. 
Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã tổ chức 12 lớp đào tạo nghề và 25 lớp tập huấn, đến nay tỷ lệ nông dân qua đào tạo đạt 60%, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng đạt hiệu quả kinh tế cao; nông dân sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất ngày càng tăng. Bên cạnh diện tích lúa có thể tự chủ được an ninh lương thực, Kỳ Sơn còn phát triển mạnh chăn nuôi. Công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được chú trọng, thực hiện tốt quy chế tiêm phòng gia súc, nâng tỷ lệ tiêm phòng từ 40% năm 2010 lên 80% vào năm 2014. Đồng thời chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá; hiện diện tích nuôi trồng thủy sản là 115 ha, sản lượng khai thác ổn định từ 170 - 180 tấn/năm.
Xuất keo giống đi bán ở Kỳ Sơn - Tân Kỳ
Xuất keo giống đi bán ở Kỳ Sơn - Tân Kỳ
Tận dụng lợi thế từ rừng, nhân dân Kỳ Sơn vừa bảo vệ rừng, vừa kết hợp trồng và khai thác rừng sản xuất có hiệu quả, hình thành vùng rừng sản xuất tại khu vực Kỳ Nam, Đồng Nậy với diện tích 1192,8 ha; làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng, tăng nguồn thu nhập từ vườn rừng, nâng độ che phủ rừng từ 39,5% năm 2010, lên 41,5% vào năm 2015. 
Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn, đồng chí Nguyễn Lê Định, cho biết: Trong  xây dựng NTM, Kỳ Sơn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng vốn đầu tư trong 4 năm qua là 25 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp 2,5 tỷ đồng. Điểm nổi bật nhất trong xây dựng NTM tại địa phương là phong trào làm đường giao thông được toàn dân hưởng ứng, có 17/17 đơn vị xóm thực hiện tốt công tác vận động nhân dân hiến đất mở đường và đã có 550 hộ hiến đất với diện tích 13.200 m2, hàng trăm mét tường rào và hàng ngàn cây cối, hoa màu các loại, hiện nay các tuyến đường đã đảm bảo kích thước theo tiêu chuẩn NTM. Đặc biệt, đã hoàn thành 1,1 km đường bê tông tại xóm Tiền Phong 1. Đến năm 2014, xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí NTM... Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm (2010 - 2015) đạt 13,5% so với chỉ tiêu nghị quyết đại hội 15%; thu nhập bình quân đầu cả năm 2015 ước đạt 22,7 triệu đồng, vượt mục tiêu đại hội.
Bí thư xã Kỳ Sơn, đồng chí Hồ Hữu Thọ cho biết thêm: “Kỳ Sơn đã thực hiện có hiệu quả đề án của Huyện ủy về xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở đảng, xóa xóm bản, trường học chưa có chi bộ, chưa có đảng viên. Số chi bộ đảng đạt TSVM hàng năm đều tăng, không có chi bộ đảng yếu kém. Trong 5 năm liền (2010 - 2014) Đảng bộ luôn được cấp trên công nhận TSVM. Trong đó năm 2010 và 2011 được công nhận Đảng bộ TSVM tiêu biểu xuất sắc”. Nhiệm kỳ qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước… được quan tâm, tạo sự đồng thuận trong xã hội góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng tốt với yêu cầu, nhiệm vụ. MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp luôn được củng cố và kiện toàn ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí là trung tâm thu hút, tập hợp các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tổ chức đoàn, hội TSVM, tích cực tham gia bảo vệ, xây dựng Đảng, chính quyền.  Xã đã phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện chức năng  giám sát và phản biện xã hội. 
Làm giao thông ở xã Kỳ Sơn - Tân kỳ.
Làm giao thông ở xã Kỳ Sơn - Tân Kỳ.
Đánh giá về nhiệm kỳ qua của xã Kỳ Sơn, đồng chí Bùi Thanh Bảo, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Kỳ cho rằng: “Với sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ, với tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, sự nỗ lực vượt khó của nhân dân, nhiệm kỳ qua xã Kỳ Sơn tạo nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng. Kinh tế xã nhà hàng năm cơ bản được chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng tiếp tục được hoàn thiện và nâng cấp; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện... Có thể nói, địa phương đã tạo được thế và lực cho bước phát triển mới”.
Châu Lan

Tin mới