Khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử

(Baonghean) - Cùng với sự đổi mới, vươn lên của các tổ chức trong hệ thống chính trị, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp trong tỉnh đã nỗ lực cải tiến, nâng cao chất lượng công tác. Với những hoạt động tích cực, HĐND các cấp ngày càng khẳng định vai trò, năng lực và hiệu quả của cơ quan dân cử. 

Hoạt động của HĐND tỉnh được đổi mới trên tất cả các khâu, các mặt hoạt động. Bao gồm quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, hoạt động giám sát, khảo sát và tiếp xúc cử tri... khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của cơ quan quyền lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện pháp luật trong khai thác, chế biến khoáng sản.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện pháp luật trong khai thác, chế biến khoáng sản.
Năng lực quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động HĐND. Để nâng cao năng lực, chất lượng qua các kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã quan tâm đến việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp kỹ lưỡng. Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ trì làm việc với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các Ban HĐND tỉnh cùng các ngành liên quan thống nhất dự kiến nội dung, chương trình và các vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận và quyết định tại kỳ họp. Trên cơ sở đó, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh chủ động tiến hành giám sát, khảo sát thực tiễn, thu thập thông tin từ các đối tượng chịu tác động của các quyết định; đề cao công tác thẩm tra của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh, trong đó mở rộng thành phần mời dự nhằm tranh thủ nhiều ý kiến chuyên sâu, đa chiều, có tính phản biện để đảm bảo các quyết định sau khi ban hành có hiệu lực, hiệu quả cao trong cuộc sống; chú trọng thảo luận, tranh luận giữa đại biểu với các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo các báo cáo, đề án, nghị quyết và sự giải trình, làm rõ của lãnh đạo UBND tỉnh tại phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường và phiên thảo luận để quyết nghị thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.
Bằng cách làm đó, ở mỗi kỳ họp, mặc dù số lượng nghị quyết thông qua rất lớn, bình quân trên dưới 20 nghị quyết/kỳ họp, nhưng đều đảm bảo chất lượng. HĐND tỉnh cũng đã thể hiện thái độ kiên quyết đưa ra khỏi chương trình kỳ họp hoặc không quyết nghị thông qua các nghị quyết khi chưa được chuẩn bị đầy đủ, chưa đủ căn cứ hoặc chưa có nguồn lực để đảm bảo cho việc thực hiện sau khi được ban hành. Song song với việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, thông qua các kỳ họp, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh cũng đã tiến hành thẩm tra và quyết định kịp thời những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, nhằm việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. 
Công tác giám sát của HĐND cũng được đổi mới trên hai phương diện, giám sát theo chuyên đề và giám sát tại kỳ họp. Theo bà Lại Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn, trước hết là các nội dung giám sát theo chuyên đề được Thường trực và các Ban HĐND tỉnh lựa chọn tập trung vào những vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi có sự phát triển nhanh nhưng lại đặt ra khó khăn, vướng mắc, dẫn đến trì trệ; hoặc là những vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm. Ngay tại các kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh cũng đưa ra nhiều vấn đề liên quan đến các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đến đời sống dân sinh của nhân dân để chất vấn và giám sát tại kỳ họp đối với các cấp, các ngành.
Theo đó, nhiều nội dung được HĐND tỉnh đề cập, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, như trên lĩnh vực y tế, đó là chất lượng khám, chữa bệnh, trình độ, tinh thần thái độ phục vụ của y, bác sỹ tại các cơ sở y tế; quan tâm lo ngại về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân; công tác giảm nghèo; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; hiệu quả công tác thu hút đầu tư trên địa bàn và một số dự án “treo”; chỉ tiêu xây dựng NTM, xây dựng trường chuẩn quốc gia; hoàn trả bàn giao hạ tầng lưới điện nông thôn... Từ việc lựa chọn nội dung có trọng tâm, trọng điểm thì yếu tố quyết định đến hiệu quả giám sát, đó là các kết luận giám sát được Thường trực và các Ban HĐND tỉnh nêu đúng bản chất của vấn đề, đồng thời làm rõ trách nhiệm ở từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị, kiến nghị các giải pháp, kể cả các kết luận ở phiên chất vấn tại các kỳ họp. 
Việc tiếp xúc cử tri, trước đây được tiến hành theo tổ đại biểu và đơn vị bầu cử, nghĩa là ở mỗi điểm tiếp xúc có 2 - 3 đại biểu HĐND. Điều này, hạn chế số điểm được tiếp xúc giữa đại biểu HĐND tỉnh với cử tri, làm thu hẹp mối quan hệ hai chiều, các đại biểu HĐND tỉnh không có cơ hội được tiếp cận nhiều địa bàn để thu thập nhiều thông tin và về phía cử tri cũng không được tiếp cận những chủ trương, chính sách của HĐND tỉnh bàn hành thông qua các đại biểu. Chính vì những hạn chế đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, chia mỗi đại biểu tiếp xúc một điểm. Cùng với đó là tăng cường tiếp xúc trực tiếp đến các đơn vị khối, xóm và tận người dân, thay cho tiếp xúc cử tri đại diện; tiếp xúc theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực. Từ việc có nhiều điểm trong tỉnh được đại biểu HĐND tỉnh đến tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, tiếp xúc chuyên đề, lĩnh vực cho nên có nhiều hơn ý kiến của cử tri gửi đến kỳ họp mang hơi thở cuộc sống. Đây là nguồn thông tin giúp các đại biểu HĐND tỉnh hiểu hơn thực tiễn cuộc sống, phản ánh đến kỳ họp một cách chân thực nhất. Đây cũng là một yếu tố quan trọng, tác động tích cực đến các hoạt động khác của HĐND tỉnh, gồm quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, hoạt động giám sát, khảo sát... 
Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là sự trăn trở thể hiện trách nhiệm của những người đang khoác trên vai “sứ mệnh” - người đại biểu nhân dân. Trăn trở bởi trước sự vận động và vươn lên không ngừng nghỉ của cuộc sống, nếu không đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cũng đồng nghĩa với sự thụt lùi của cơ quan HĐND, làm giảm đi “sứ mệnh” - cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương và mỗi đại biểu HĐND sẽ làm mất đi vai trò, vị thế đại biểu của mình. Chính vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đã chăm lo đến công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các đại biểu HĐND các cấp. Chủ trương phân công, mỗi đại biểu tiếp xúc cử tri một điểm cũng là một trong những hoạt động có tác dụng tăng tính trách nhiệm, tính tự rèn luyện và nâng cao năng lực hoạt động cho đại biểu. Bởi thông qua việc này, buộc tất cả các đại biểu phải tự nghiên cứu tài liệu để thông tin với cử tri; đồng thời tự tổng hợp, kiến nghị và đề xuất với các cơ quan chức năng những vấn đề cử tri quan tâm; có những đại biểu theo đuổi đến cùng những ý kiến mà cử tri kiến nghị qua việc theo dõi, đôn đốc các cấp, các ngành giải quyết; khắc phục tư tưởng ỷ lại, thụ động ở một số đại biểu. 
Trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh còn được thể hiện thông qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp. Thông qua nắm bắt được những phản ánh, bức xúc của cử tri và từ những nhìn nhận thực tế, nhiều đại biểu đã thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm của mình khi đặt những câu hỏi đúng trọng tâm được chất vấn, đúng thẩm quyền của người trả lời; đặc biệt là phản ánh những bức xúc và nói lên chính tiếng nói của nhân dân và các doanh nghiệp; khắc phục được tình trạng, ở mỗi kỳ chất vấn, chỉ có một số đại biểu mạnh dạn lên tiếng, gần đây, trên nghị trường HĐND tỉnh, các đại biểu ở hầu hết các địa phương, các ngành, lĩnh vực đều “lên tiếng”, thể hiện sự sôi động của kỳ họp. Còn đối với các đại biểu HĐND là “thủ lĩnh” các ngành được giao trách nhiệm giải trình và trả lời chất vấn cũng đã làm rõ tình hình, đưa ra giải pháp cùng với những lời hứa của mình để giải quyết các vấn đề tồn tại. Ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND tỉnh tổ chức thu băng và gỡ băng để sau kỳ họp sẽ gửi đến cho các cấp, các ngành cùng với thông báo kết luận phiên chất vấn của chủ tọa kỳ họp làm cơ sở giám sát việc thực hiện các lời hứa của UBND tỉnh và các ngành trong việc giải quyết các vấn đề đã nêu, góp phần nâng cao trách nhiệm của đại biểu. 
Trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh còn được thể hiện bằng những trăn trở tham gia đóng góp cho kỳ họp. Theo tổng hợp từ HĐND tỉnh, ở mỗi kỳ họp, khoảng 90% đại biểu có mặt tại kỳ họp tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ với hàng trăm vấn đề; khoảng 15 - 20 đại biểu thảo luận tại hội trường; 25 lượt đại biểu chất vấn ở phiên chất vấn của kỳ họp. Một yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng các kỳ họp, đó là vai trò điều hành của chủ tọa kỳ họp đã được đổi mới theo hướng khoa học, chặt chẽ, tạo sự sôi động cho kỳ họp. Như vậy, nâng cao trình độ và bản lĩnh của đại biểu đó là yếu tố, điều kiện quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan HĐND trong hệ thống chính trị các cấp.
MINH CHI

Tin mới