Hà Nội sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng

Thành phố Hà Nội sẽ nghiêm túc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là một trong những nội dung quan trọng được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn ký ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 27/4, về triển khai thực hiện Kế hoạch số 09-KH/TU ngày 15/3/2016 của Thành ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.


Theo đó, trong kế hoạch, UBND TP Hà Nội sẽ chỉ đạo thực hiện 7 nội dung trọng tâm. Cụ thể, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân Thủ đô về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) để tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Các sở, ban, ngành UBND quận, huyện, thị xã, các Tổng công ty doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị trực thuộc thành phố nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; chủ động phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo; kịp thời xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Quan tâm chỉ đạo thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật. Nghiêm túc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, quy chế, hoàn thiện cho phù hợp với các quy định của pháp luật, thực tiễn của thành phố. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung trên các lĩnh vực như: sử dụng đất đai, nhà ở; trật tự xây dựng; giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng; tài chính ngân sách; tài chính doanh nghiệp; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công…

Đáng chú ý, nâng cao chất lượng công tác thanh tra kiểm tra; chú trọng đến việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra. Tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố. Kịp thời xử lý, giải quyết các tố cáo, tin báo tố giác tội phạm. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong giải quyết tố cáo, tin báo tố giác tội phạm.

Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, thanh tra có trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực…/.

Theo ĐCSVN

TIN LIÊN QUAN

Tin mới