Nỗ lực giải quyết dứt điểm tồn đọng ở các khu TĐC Thủy điện Hủa Na

(Baonghean) - Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Lữ Đình Thi – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Quế Phong về công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, công tác xây dựng tái định cư, giao đất ở, đất sản xuất, công tác hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất cho nhân dân tái định cư dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na. 

Bản tái định cư Na Lướm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong.
Bản tái định cư Na Lướm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong.

P.V: Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na nằm trên địa bàn huyện Quế Phong đã hoàn thành hòa lưới điện quốc gia được 3 năm. Tuy nhiên, xoay quanh việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, công tác xây dựng tái định cư, giao đất ở, đất sản xuất, công tác hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất cho nhân dân tái định cư vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Đồng chí có thể cho biết đến thời điểm hiện tại, các vấn đề trên đã được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Lữ Đình Thi: Công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na là một công trình thủy điện lớn của tỉnh. Sau khi có chủ trương xây dựng nhà máy, cấp ủy chính quyền và nhân dân địa phương tập trung vào cuộc, và cho đến thời điểm hiện nay, nhà máy đã hoàn thành việc hòa lưới điện quốc gia được 3 năm. Các vấn đề liên quan đến công trình đã giải quyết được như sau: 

Về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hiện đã tổ chức lập phương án bồi thường và trình UBND huyện phê duyệt 446 phương án bồi thường với tổng kinh phí là 740.928.533.324,0 đồng. Tổng kinh phí bồi thường đã chi trả hoàn thành là 702.827.550.015,0 đồng. 

Về công tác xây dựng tái định cư, hiện đã hoàn thành cơ bản 5 cơ sở hạ tầng tại các điểm tái định cư, cụ thể: Hoàn thành san nền 13/13 điểm tái định cư; 76,56 km đường giao thông; 878 nhà ở (có 333 nhà do dự án xây dựng và 545 nhà do dân tự thực hiện); 31 điểm trường học, 13 nhà văn hóa cộng đồng, 13 hệ thống điện 0,4 kv + 17 trạm biến áp, 12 hệ thống cấp nước sinh hoạt, 1 trụ sở UBND xã và 1 trạm y tế xã, 19 vị trí kè sạt lở.

Đã giao đất ở và đất vườn liền kề đất ở ổn định cho 878 hộ dân tái định cư tập trung theo dự án để xây dựng nhà ở ổn định tại 13 điểm tái định cư và đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ kê khai đăng ký quyền sử dụng đất ở, đất vườn liền kề đất ở được 878/878 hộ, với tổng diện tích trích đo khu dân cư là 153,9 ha. 

Giao đất sản xuất nông nghiệp cho 446 hộ gia đình, cá nhân của 6 điểm tái định cư với diện tích đã giao là 474,1 ha và đã giao tạm thời 1,06/69,08 ha đất ruộng lúa nước tại điểm tái định cư Xốp Cọ - Nậm Niên cho Ban Quản lý thôn bản để chia cho các hộ dân tạm thời canh tác. Giao đất lâm nghiệp được 557 hộ với tổng diện tích đã giao là 1.673,2/7.616 ha.

Về công tác hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất cho nhân dân tái định cư thì hiện đã cấp phát gạo hỗ trợ ổn định đời sống 13/16 đợt, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho đồng bào tái định cư và đã cấp phát bò hỗ trợ cho 2 điểm tái định cư với tổng số bò đã phát là165 con cho 165 hộ dân.

P.V: Vậy những tồn đọng hiện nay là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Lữ Đình Thi: Phải thừa nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì xung quanh vấn đề này hiện vẫn còn tồn đọng. 

Trước hết, về công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thì hiện nay chưa hoàn thiện 14 phương án bồi thường đối trừ giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến tái định cư cho 14 bản vùng lòng hồ và 8 quyết định đã phê duyệt với tổng kinh phí 2.107.223.324,0 đồng chưa có kinh phí để chi trả.

Hiện tại còn một số công trình xây dựng hạ tầng chưa thi công xây dựng hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng như: đường giao thông nội vùng tái định cư Na Lướm, đường giao thông san nền vào trạm gác biên phòng Huôi Kho, Đồn Biên phòng 515 xã Thông Thụ, hệ thống nước sinh hoạt điểm tái định cư Piêng Cu, xã Tiền Phong. Xây dựng hệ thống đường giao thông vào khu Rú Mồ tại 13 điểm tái định cư thuộc dự án Thủy điện Hủa Na và một số công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng cần khắc phục sửa chữa. 

Còn về công tác giao đất tái định cư thì hiện còn 7 điểm tái định cư chưa giao được đất màu trồng cây hàng năm khác cho nhân dân và đất lâm nghiệp, tại 6 điểm tái định cư đã giao đất cho các hộ dân còn có sự chồng lấn. Nguyên nhân của việc đất ruộng lúa nước chưa giao được điểm tái định cư là bởi 5 điểm tái định cư khó khăn về khai hoang ruộng lúa nước và 6 điểm đã có ruộng nhưng chưa giao được cho nhân dân do chưa phục hóa, cải tạo hệ thống thủy lợi. 

Bên cạnh đó cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất cho nhân dân tái định cư cũng còn một số tồn tại như công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện hạng mục hỗ trợ ổn định sản xuất còn có một số sai sót, dẫn đến chậm triển khai.

P.V: Xác định được những tồn tại đó, nguyên nhân chính là do đâu, thưa đồng chí?

Đồng chí Lữ Đình Thi: Về khách quan thì nguyên nhân là do việc di dời với số lượng dân cư lớn, quỹ đất bằng để sản xuất nông nghiệp hạn chế, thời tiết khắc nghiệt nên việc triển khai thực hiện các vấn đề trên gặp không ít khó khăn. Còn về nguyên nhân chủ quan thì một số đơn vị chức năng chưa thật sự vào cuộc, một số đơn vị tư vấn, nhà thầu năng lực hạn chế dẫn đến việc chậm trễ triển khai kế hoạch.

P.V: Cấp ủy, chính quyền địa phương đã đề ra những giải pháp gì để khắc phục những tồn tại đó?

Đồng chí Lữ Đình Thi: Trước mắt, huyện đã phân công các thành viên Ban chỉ đạo chỉ đạo phụ trách, giám sát các điểm được phân công, phân định thời gian cụ thể giải quyết công việc, thường xuyên báo cáo với thường trực Ban chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ có phương án tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương xin cấp gạo hỗ trợ tại các điểm tái định cư đã cấp đủ 48 tháng và những điểm sắp tới cấp đủ 48 tháng nhưng chưa giao đất sản xuất, ổn định sản xuất. Đồng thời xin ý kiến của các sở, ngành cấp tỉnh việc hoàn thiện hồ sơ 14 phương án bồi thường đối trừ giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến tái định cư do vướng mắc ruộng khai hoang nơi đi, đồng thời vận động nhân dân đồng thuận, ký nhận kết quả áp giá. Ngoài ra sẽ phối hợp giải quyết vấn đề khó khăn về ruộng lúa nước ở 5 điểm tái định cư. 

Cuộc sống của bà con bản tái định cư Cà Na, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong.
Cuộc sống của bà con bản tái định cư Cà Na, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong.

Về hỗ trợ sản xuất, huyện giao cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phối hợp với các phòng ban liên quan rà soát, phê duyệt điều chỉnh một số hạng mục của đề án hỗ trợ ổn định sản xuất nông, lâm nghiệp cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế tại các điểm tái định cư trong thời gian tới. Ban quản lý dự án tái định cư phối hợp với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tham mưu bổ sung, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý lựa chọn nhà thầu thực hiện đề án hỗ trợ ổn định sản xuất nông, lâm nghiệp đảm bảo theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ để tiếp tục triển khai hỗ trợ.

Đối với đơn vị tư vấn, nếu không làm đúng hợp đồng, huyện sẽ có phương án thay thế các đơn vị tư vấn khác có năng lực để đảm bảo tiến độ, thời gian và hiệu quả của kế hoạch đề ra. 

P.V: Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi.

Phương Thảo

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới