Người dân băn khoăn trước thông tin tăng học phí

(Baonghean.vn) - Chính sách học phí mới đang được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ hai để áp dụng vào năm học 2016 - 2017. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến nên hay không nên đặt ra việc tăng mức học phí và cơ sở xác định mức thu đối với các bậc học như thế nào.
Nhà giáo ưu tú Lê Tiến Hưng - Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: 
 
Xét ở góc độ khoa học và thực tiễn thì chủ trương tăng mức thu học phí là đúng và cần thiết cần được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ hai này để tạo điều kiện cho ngành giáo dục và đào tạo nói chung, từng cơ sở giáo dục nói riêng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Song cần tiến hành nghiên cứu, xem xét một cách thận trọng để quyết định mức thu học phí hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh và mức thu nhập của người dân.
Nếu định ra được mức thu đúng và hợp lý sẽ tạo điều kiện cho giáo dục hoạt động. Ngược lại, nếu đặt ra mức thu không phù hợp dễ gây ra những hệ lụy và khó khăn khác cho ngành giáo dục và đào tạo trong các hoạt động phân luồng, hướng nghiệp dạy nghề và phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Gắn với đó là chú trọng công tác tuyên truyền, để chính sách khi ban hành nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao trong xã hội, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục – đào tạo ở Nghệ An phát triển ở mức cao hơn.
Thầy giáo Lê Như Huân - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Lương, Thanh Chương:
 
Thực tiễn, trong nhiều hoạt động ở  các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập hiện nay đang phụ thuộc vào kinh phí từ ngân sách cấp và một phần trích từ nguồn đóng học phí của người học. Do vậy, việc tăng mức thu học phí sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở hoạt động, nhất là trong việc nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ, nâng cao chất lượng dạy và học. Song, thực tiễn đời sống của người dân nông thôn Thanh Lương nói riêng và Thanh Chương nói chung rất khó khăn lại phải “gánh” nhiều khoản đóng góp, nhất là trong giai đoạn này đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thì thêm một khoản nào cũng tạo khó khăn cho họ. Vì vậy, cần phải nghiên cứu một giải pháp, đáp ứng hài hòa lợi ích giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. 
Bà Nguyễn Thị Hường - Xóm Ba Nghè, xã Thanh Giang (Thanh Chương):
 
Liên tục mấy năm ni, giá cả tiêu dùng, cấy chi cũng tăng. Riêng các loại nông sản bà con nông dân bầy tui sản xuất ra thì nỏ thấy tăng chi cả. Trong khi đó đời sống của người nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào các sản phẩm nông nghiệp làm ra nên chẳng thấy cải thiện chi được. Giờ nghe nói đến học phí tăng nữa, gia đình tui có 3 đứa con đang theo học ở 3 cấp: mầm non, tiểu học và THCS lại “gánh” thêm một khoản nữa, thêm khó khăn. Vì vậy đề nghị tỉnh không tăng mức học phí ở khu vực nông thôn, miền núi.  
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:
 
Mặc dù Nghệ An là tỉnh có điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng chất lượng giáo dục tỉnh ta những năm qua luôn đứng đầu cả nước. Kết quả này nhờ vào sự quan tâm ủng hộ và đóng góp rất lớn của nhân dân, phụ huynh học sinh thông qua đóng góp học phí, đóng góp xã hội hóa.
Mức thu học phí của người dân Nghệ An những năm qua luôn cao hơn các địa phương có cùng điều kiện; và mức tăng học phí mới lần này cũng mong muốn người dân chia sẻ cùng với ngân sách khi điều kiện của tỉnh còn khó khăn để chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo chung của tỉnh nhà.
Mai Hoa
Đồ họa: Hữu Quân
TIN LIÊN QUAN

Tin mới