Định hướng đổi mới dây chuyền công nghệ trong doanh nghiệp

(Baonghean) - Trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt về chất lượng và giá thành sản phẩm, công nghệ và thiết bị dây chuyền sản xuất được xem là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Đòi hỏi này đặt ra cho mỗi cấp ủy đảng cơ sở trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh những trăn trở và định hướng. 

Đổi mới công nghệ - nhu cầu tất yếu

Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, từ một doanh nghiệp Nhà nước sản xuất duy nhất sản phẩm phân bón chuyển sang doanh nghiệp cổ phần trên nền tảng dây chuyền công nghệ “cuốc xẻng” thô sơ, lạc hậu, sử dụng lao động “sống” trong nhiều khâu sản xuất như trộn, tạo hạt, sấy...; đến nay trở thành một trong những đơn vị tiên phong đổi mới dây chuyền thiết bị sản xuất, áp dụng công nghệ mới của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh.

Trước hết là dây chuyền sản xuất phân bón được thay thế hoàn toàn công nghệ hóa lỏng u rê và tạo hạt bằng hơi nước và tự động hóa, trị giá 80 tỷ đồng. Với dây chuyền, thiết bị này đưa công suất tăng lên hàng chục lần, giảm sức lao động trực tiếp; đặc biệt cải thiện lớn về chất lượng sản phẩm với các hàm lượng trong sản phẩm ổn định, độ đồng đều, chính xác và kết tinh cao, giảm độ ẩm từ 8% xuống còn 2,5%; từ đó giảm giá thành sản phẩm.

Cùng với đổi mới dây chuyền, thiết bị sản xuất phân bón, đơn vị này cũng đã tích cực áp dụng công nghệ mới trên lĩnh vực sản xuất giống lúa để tạo ra các giống lúa thuần có chất lượng và thương hiệu như Q.ưu1, NA1, NA2, NA6, NA9... Gắn với đó là đầu tư lắp đặt hệ thống xay xát 10 tấn/h. Đây là thiết bị hiện đại nhất của Việt Nam hiện nay, từ xay xát, làm sạch, đánh bóng, tách màu, tạo sự đồng nhất của sản phẩm gạo.

Từ hệ thống xay xát này, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An trở thành đơn vị duy nhất Bắc miền Trung được Bộ Công Thương cấp phép tham gia xuất khẩu gạo.

Đồng chí Trương Văn Hùng – Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, chia sẻ: Việc đầu tư đổi mới dây chuyền, thiết bị, công nghệ  đã tạo ra sản phẩm tốt, được thị trường đón nhận. Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đều tăng, hiện tại doanh thu đạt hơn 2.000 tỷ đồng; 120 – 150 tỷ đồng lợi nhuận/năm. Ông Trương Văn Hùng cũng cho biết thêm: Hiện tại doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai dự án, tạo thành chuỗi sản phẩm lạc sen Nghệ An, từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ...
Dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty TNHH MTV Tân Khánh An (KCN Bắc Vinh).
Dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty TNHH MTV Tân Khánh An (KCN Bắc Vinh).

Tương tự, đối với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, doanh nghiệp có hơn 75% sản phẩm xuất khẩu do đó Đảng ủy và chuyên môn tập trung nguồn lực để đổi mới bằng được dây chuyền thiết bị và công nghệ.

Theo đó, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp từ thủ công chuyển sang công nghệ Trung Quốc, Liên Xô và Đông Âu và nay là công nghệ Ấn Độ và Đài Loan. Nay trước xu hướng thị trường quốc tế chuyển sang chè xanh, doanh nghiệp đang tiếp tục hoàn thiện dây chuyền công nghệ để đáp ứng sản xuất 70% chè xanh và chè đen giảm  30%

Không riêng 2 doanh nghiệp nêu trên mà mấy năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh đã chú trọng đổi mới dây chuyền thiết bị công nghệ sản xuất, đảm bảo doanh nghiệp phát triển ổn định.

Trước hết là các doanh nghiệp có các cơ quan chủ quản cấp trên, hay tập đoàn, tổng công ty, việc đổi mới dây chuyền sản xuất, áp dụng công nghệ mới được thực hiện trên cơ sở chiến lược của đơn vị chủ quản.

Đối với các doanh nghiệp tư nhân, cổ phần, nổi bật là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Các doanh nghiệp này đã chủ động đổi mới dây chuyền công nghệ  từ phơi, nung, tạo hình, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Đột phá về tư duy lãnh đạo

Kinh nghiệm ở Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, đó là đổi mới công nghệ trên cơ sở kế hoạch và có bước đi phù hợp với nguồn lực tài chính của doanh nghiệp; đổi mới công nghệ gắn với chiến lược phát triển và thị trường mà doanh nghiệp “nhắm” đến...

Đồng chí Hồ Viết An – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc công ty, cho biết: Không chỉ đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến, công ty còn có ý thức đổi mới công nghệ kể cả giống, khâu trồng, chăm bón và thu hoạch với 100% bằng máy.

Theo chiến lược đổi mới công nghệ, công ty cũng đang xúc tiến hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư một nhà máy sản xuất chè cung cấp cho thị trường thế giới.

Áp dụng công nghệ mới được thực hiện từ việc ươm giống của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An.
Áp dụng công nghệ mới được thực hiện từ việc ươm giống của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An.

Phải thừa nhận rằng, những năm gần đây, các cấp ủy đảng cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ, dây chuyền thiết bị đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tiễn, không phải cứ muốn đổi là đổi mới được mà còn phụ thuộc vào năng lực tài chính, vào định hướng, chiến lược phát triển của doanh nghiệp đảm bảo phù hợp với thị trường. 

Bởi vậy, hiện tại bên cạnh những doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế, có tầm nhìn chiến lược và kiến thức quản trị kinh doanh tốt thực hiện có hiệu quả việc đổi mới dây chuyền công nghệ thì vẫn còn những doanh nghiệp đang gặp khó khăn để thực hiện yêu cầu này.  

Đồng chí Đào Quang Nghị - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cũng thừa nhận: Toàn Đảng bộ có 131 doanh nghiệp, chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ; dây chuyền sản xuất lạc hậu, nguồn lực tài chính hạn chế. Đây là những thách thức lớn đặt trước yêu cầu đổi mới dây chuyền công nghệ. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh cũng thường xuyên lãnh đạo các cấp ủy cơ sở phối hợp HĐQT, hội đồng thành viên và ban giám đốc xây dựng kế hoạch đổi mới dây chuyền thiết bị. Tuy nhiên, việc đổi mới dây chuyền công nghệ chưa được thực hiện đồng đều giữa các doanh nghiệp trong đảng bộ khối, mà chủ yếu mới chỉ tập trung ở các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hàng hóa. Nguyên nhân cơ bản là do thiếu vốn và thiếu cả chiến lược định hướng kinh doanh của doanh nghiệp. 

Cũng theo đồng chí Đào Quang Nghị,  Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo các cấp ủy đảng trực thuộc quan tâm lãnh đạo và tham gia cùng với chuyên môn đẩy mạnh đổi mới công nghệ. Mặt khác lãnh đạo các cấp ủy đảng phối hợp với chuyên môn đẩy mạnh các quan hệ hợp tác theo hướng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cũng tiếp tục sẽ là khâu trung gian để tiếp nhận các thông tin, nhu cầu của doanh nghiệp để kiến nghị với tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn; đồng thời có tác động với các ngân hàng giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. 

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới